Trong 10 bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử Manchester United, chỉ có 1 bản hợp đồng duy nhất được thực hiện dưới thời Sir Alex Ferguson. Vậy đâu là lý do khiến "quỷ đỏ" phải bạo chi trên thị trường chuyển nhượng?
Dimitar Berbatov là cái tên duy nhất nằm trong top 10 cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Man Utd (30.75 triệu bảng, từ Tottenham năm 2008) được thực hiện khi Sir Alex Ferguson. Chín cái tên còn lại gồm Paul Pogba, Romelu Lukaku, Angel Di Maria, Nemanja Matic, Juan Mata, Anthony Martial, Victor Lindelof, Eric Bailly hay Luke Shaw đều về Old Trafford thời "hậu Alex Ferguson". Ngoài việc mặt bằng giá trị cầu thủ tăng lên, Man Utd cũng có những lý do rất riêng để buộc phải chi tiền.
|
Dimitar Berbatov là bản hợp đồng duy nhất thời Sir Alex Ferguson lọt top 10 cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử Man Utd. |
Thời Sir Alex Ferguson còn tại vị, cái tên gây chú ý nhất của câu lạc bộ không hẳn là các cầu thủ mà chính là "ngài máy sấy". Những cuộc khẩu chiến trong phòng họp báo, những câu chuyện đằng sau cánh cửa phòng thay đồ,... liên quan đến Fergie đều có sức hút lớn lao. Tóm lại, Alex Ferguson là cái tên đảm bảo cho rất nhiều giá trị của Man Utd: Thành công trên sân cỏ, thương hiệu, sức hút với các cầu thủ,...
Sự ra đi của Fergie mùa hè năm 2013 khiến Man Utd dường như phải xây dựng lại mọi thứ. Áp lực đầu tiên là duy trì sự thành công trên sân cỏ, tiếp theo là xây dựng một nhân vật đủ tầm để tiếp tục duy trì sức hút về mặt thương hiệu. Một vấn đề khác nữa là sức hút với các cầu thủ để đảm bảo sự thành công trên thị trường chuyển nhượng khi các đối thủ tại châu Âu sẵn sàng chi rất nhiều tiền để nẫng tay trên "quỷ đỏ".
Tất cả những điều đó khiến Man Utd buộc phải tiêu tiền. Hệ quả là từ mùa hè 2013 đến mùa hè 2017, Man Utd chi ra tổng cộng 733.15 triệu euro để chiêu mộ cầu thủ. So với 5 mùa hè trước đó khi Sir Alex Ferguson còn tại vị, "quỷ đỏ" chi ra tổng cộng 214 triệu euro, chỉ bằng ngót nghét 1/3 của thời kỳ sau đó.
Khi MU buộc phải tiêu tiền Trong số ba chiến lược gia làm việc tại Old Trafford thời "hậu Alex Ferguson" (không tính Ryan Giggs tạm quyền - PV), David Moyes là người chi tiêu ít nhất với 32.4 triệu euro chi ra trong mùa hè 2013, ngay sau sự chia tay của "ngài máy sấy". David Moyes muốn trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ của Man Utd nhưng rốt cuộc, chiến lược gia người Scotland ra đi ngay khi mùa giải đầu tiên ở Old Trafford còn chưa kết thúc.
David Moyes mắc phải sai lầm cơ bản khi tiếp tục sử dụng đội hình do Fergie để lại, chỉ bổ sung bản hợp đồng mang dấu ấn cá nhân duy nhất là Marouane Fellaini trong mùa hè. Ai cũng biết lực lượng M.U trong giai đoạn những năm cuối cùng của Ferguson không hề mạnh. Sở dĩ "quỷ đỏ" vẫn thành công là nhờ tài dùng người của Sir Alex, David Moyes không nhận ra điều đó để rồi thất bại trong cay đắng.
|
Man Utd có những lý do rất riêng để buộc phải chi những khoản tiền lớn mang về các tân binh đắt giá như Paul Pogba và Romelu Lukaku. |
Sau thời David Moyes, cả Louis Van Gaal lẫn Jose Mourinho sau này đều chi rất nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng. Mục đích cuối cùng là tìm lại thành công trên sân cỏ. Sau hai mùa chi tiêu nhiều mà không thể đạt được thành công, Van Gaal bị đẩy đi để nhường chỗ cho Mourinho. Ít nhất thì sau mùa đầu tiên, "người đặc biệt" tạm được đánh giá thành công khi giúp Man Utd trở lại đấu trường Champions League, cứu "quỷ đỏ" thoát khỏi việc mất 30% giá trị hợp đồng tài trợ với Adidas.
Việc Van Gaal và Mourinho chi nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng là điều dễ hiểu nhằm "thay máu" đội hình MU, đồng thời mang về những cầu thủ phục vụ cho yêu cầu chiến thuật của huấn luyện viên. Đó là một trong những lý do MU buộc phải chi nhiều tiền trên thị trường chuyển nhượng những năm gần đây.
Vấn đề thứ hai liên quan đến thương hiệu. Sự ra đi của Sir Alex Ferguson cùng phong độ sa sút trên sân cỏ khiến sự thu hút của Man Utd có phần suy giảm. Đặc biệt dưới thời Louis Van Gaal, lối đá "ru ngủ" của Man Utd càng khiến sức hút về mặt thương hiệu của câu lạc bộ giảm xuống. Đó là lý do ban lãnh đạo "quỷ đỏ" buộc phải chia tay Louis Van Gaal dù vẫn còn một năm hợp đồng để bổ nhiệm Jose Mourinho.
Trong thương vụ Paul Pogba, Man Utd tính toán rất kỹ để chọn thời điểm công bố chính thức. Đó là thời điểm chạng vạng của châu Á và buổi sáng của Mỹ, thời điểm người ta đọc tin tức sau giờ làm việc hành chính và xem bản tin sáng. Châu Á và Mỹ là nơi có rất nhiều cổ động viên của "quỷ đỏ".
Những bản hợp đồng đắt giá cũng là một chiến lược marketing của Man Utd trong bối cảnh chưa thành công trên sân cỏ. Người hâm mộ sẽ có lý do để chờ đợi "quỷ đỏ" ra sân nhằm xem các bản hợp đồng đắt giá như Paul Pogba, Romelu Lukaku, Victor Lindelof,... thể hiện ra sao.
Một vấn đề khác khiến Man Utd phải chi nhiều tiền hơn cho các cầu thủ là việc họ không còn đủ sức hút. Trước kia, nhiều cầu thủ thừa nhận gật đầu đồng ý lời đề nghị từ MU là muốn thi đấu dưới sự dìu dắt của Sir Alex Ferguson. Giờ thì ở Old Trafford, chẳng ai đủ tầm để làm điều đó nữa khiến MU buộc phải chấp nhận trả nhiều tiền hơn để có được những chữ ký mới.
Như Đạt (TTVN)