Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Vì sao Louis Van Gaal khó có thể trở thành "thảm hoạ David Moyes" thứ hai?

Thứ Hai 21/07/2014 16:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Dù tương lai vẫn luôn là thứ mơ hồ, không thể đoán trước nhưng với những gì Van Gaal đã thể hiện kể từ ngày chính thức lên nắm quyền ở Man Utd, các CĐV "Quỷ đỏ" có thể tin rằng tấn thảm kịch mang tên Moyes sẽ không thể tái diễn ở Old Trafford.

Đầu tiên, hãy tạm gác qua một bên sơ yếu lý lịch của hai nhà cầm quân dẫn dắt Man Utd thời kỳ hậu Alex Ferguson. Lý do rất đơn giản: Một nhà cầm quân đã từng đoạt biết bao danh hiệu tại nhiều quốc gia (như Hà Lan, TBN, Đức) thì nếu có tiếp tục thành công tại Man Utd cũng chẳng làm ai ngạc nhiên. Trong khi, tất cả đều biết David Moyes đến Man Utd bằng bản thành tích cực kỳ nghèo nàn nên xét cho cùng, việc vị HLV người Scotland thất bại cay đắng tại đây âu cũng là lẽ tất yếu. Đúng là, hoàn toàn hợp lý khi có người vẫn trách ban lãnh đạo Man Utd sao không trao thêm cho Moyes một cơ hội mà lại vội vàng sa thải để đưa Van Gaal về vì rõ ràng, nhờ sự kiên nhẫn của các ông chủ mà Alex Ferguson mới có thể trở thành huyền thoại của đội bóng, biến Man Utd thành thế lực thống trị nước Anh trong gần hai thập kỷ dù rằng vài năm đầu dẫn dắt đội bóng, Fergie cũng cực kỳ trầy trật, phải trải qua vô vàn sóng gió. Thế nhưng, bên cạnh việc bóng đá bây giờ đương nhiên hoàn toàn khác xa so với thời Sir Alex cập bến Old Trafford thì chính những quyết định, cách làm của Moyes đã khiến lòng tin, sự kiên nhẫn của ban lãnh đạo cũng như người hâm mộ bị cạn kiệt và quyết định sa thải là khó tránh khỏi. Trong khi ngay từ ban đầu, Van Gaal thực sự để lại ấn tượng tốt dù vào lúc này, không một ai dám khẳng định mùa tới Man Utd chắc chắn sẽ có danh hiệu nhưng hẳn nhiều người sẽ đồng tình: Ít nhất, Man Utd sẽ không thể hiện tồi tệ như mùa vừa rồi. Vì sao lại như vậy. Các phép so sánh sau đây sẽ chứng minh điều đó.

David Moyes đang trong quá trình đàm phán với Galatasaray
David Moyes là một thảm hoạ ....

Đội ngũ cộng sự

Ngay từ khi lên nắm quyền, David Moyes đã công khai kế hoạch mau chóng xoá bỏ mọi tàn dư của triều đại trước bằng cách loại bỏ hoàn toàn những con người từng nhiều năm gắn bó với Man Utd trong vai trò giúp việc cho Sir Alex và hiểu "Quỷ đỏ" như lòng ban tay. Thay vào đó, Moyes đem về y nguyện bộ sậu tại Everton. Không phủ nhận đây là cách làm quen thuộc trong những cuộc chuyển giao quyền lực nhưng Moyes chẳng rõ vô tình hay cố tình không hiểu rằng, tầm vóc, đẳng cấp của Man Utd hoàn toàn khác biệt so với Everton đồng nghĩa những phụ tá của ông chưa đủ tầm và thiếu kiến thức làm việc ở một CLB lớn. Thêm vào đó, Man Utd luôn đề cao tính kế thừa, giá trị truyền thống nên sự phủ định quá triệt để và quyết liệt này rõ ràng không thích hợp, thiếu sáng suốt. Tuy trong thành phần trợ lý của ông có Phil Neville, một thành viên của "thế hệ vàng Man Utd 1992" song cựu danh thủ này đã rời "Quỷ đỏ" từ lâu nên không thể có cái nhìn thực tế, sâu sát nhất về đội bóng giống Scholes, Giggs, Butt hay Gary Neville, những người vẫn gắn bó với Man Utd ở thời điểm Moyes lên thay Sir Alex. Ngoài ra, Phil mà không có vài năm làm việc với Moyes ở Everton thì chắc gì đã được lựa chọn. Thực ra, để "dung hoà", Moyes đã coi Ryan Giggs (lúc đó vẫn còn đang thi đấu) như là một phụ tá giúp việc song sau này, người ta mới phát hiện ra Giggs chẳng khác gì "tấm bình phong", "bù nhìn rơm" và không hề có tiếng nói gì trong ban huấn luyện bởi Moyes chỉ tin cộng sự thân thiết.

Trong khi đó, ngay từ đầu, chính Van Gaal đã đề xuất Ryan Giggs làm trợ lý số 1, tức là cánh tay phải thân cận nhất của ông ở Man Utd (Giggs sẽ dẫn dắt đội bóng nếu Van Gaal vắng mặt) thay vì mang theo Patrick Kluivert, người đã gắn bó với ông trong hai năm dẫn dắt ĐTQG Hà Lan (chính cựu danh thủ này đã khẳng định Van Gaal tâm sự rằng không thể kéo Kluivert tới Man Utd cùng mình do vị trí đó đã có người xứng đáng hơn). Tất nhiên, ông cũng đưa vài tay chân thân tín của mình vào ban huấn luyện Man Utd nhưng tạm thời, xét về mức độ quyền lực thì Giggs được coi là nhân vật số 2 tại Man Utd, chỉ sau Van Gaal (còn thực tế ra sao thì hồi sau mới rõ). Rõ ràng, Van Gaal đã nhận thức được rằng để có thể tạo dựng sự nghiệp thành công tại đây, ông không thể không dựa vào những biểu tượng vĩ đại của Man Utd.

Áp đặt quy tắc riêng ở đội bóng

Chẳng rõ có phải do xuất thân từ một đội bóng chỉ thuộc diện trung bình khá tại Premier League mà khi đến Man Utd, Moyes đã nghĩ đây là thiên đường nên chẳng cần phải điều chỉnh gì. Sự thay đổi duy nhất mà ông tiến hành ở đại bản doanh của đội bóng là ... cất bớt những hình ảnh của Sir Alex vốn tràn ngập khắp nơi mà theo đánh giá của giới chuyên môn thì nó chỉ có tác dụng giảm áp lực với chính bản thân ông mà thôi trong khi lại làm nhiều người khác phật ý bởi tài năng, dấu ấn của một HLV đâu chỉ đơn thuần căn cứ vào mấy thứ "trang trí" bề ngoài tầm thường như thế. Còn Van Gaal ngay từ ngày đầu tiên có mặt tại Man Utd đã đưa ra hàng loạt yêu cầu thay đổi, sửa chữa nơi đóng quân của đội bóng nhưng điều quan trọng, tất cả đều nhằm phục vụ cho công tác huấn luyện chuyên môn, quản lý đội bóng chứ không phải là sở thích cá nhân hay khoe mẽ cho oai. Nào là mặt cỏ trên sân tập phải giống hệt như mặt sân Old Trafford, lắp thêm dàn đèn phục vụ cho các buổi tập vào tối/đêm. Nào là, các cầu thủ phải tập trung ăn vào cùng một thời điểm chứ không có chuyện người ăn trước người ăn sau rồi thì hệ thống camera được lắp đặt ở mọi ngóc ngách của đại bản doanh để ông kiểm soát mọi động thái của học trò. Có thể không phải cầu thủ nào cũng hài lòng và vui vẻ với những thay đổi này, nhất là khi nhiều thứ đã tồn tại cố hữu từ thời của Sir Alex song về cơ bản, phàm đã là một cầu thủ chuyên nghiệp thì tất yếu phải phục tùng những quy định do đội bóng đưa ra dù khắt khe đến mấy và những đòi hỏi của Van Gaal chẳng đến mức độ quá đáng, vi phạm nhân quyền.

Cái uy với học trò

Ngay từ khi lên nắm quyền, David Moyes đã không tiếc lời "nịnh nọt", "vỗ về" Wayne Rooney, ngôi sao số 1 "Quỷ đỏ" thành Manchester, nhất là sau khi dư luận lo ngại hồi còn ở Everton, cả hai từng xảy ra xích mích. Với những trụ cột lâu năm khác của đội bóng, Moyes cũng toàn sử dụng lời lẽ "mật ngọt chết ruồi" song cách hành xử quá hoà nhã và thân thiện này chẳng làm ông lấy lại được cảm tình từ các học trò mới. Thậm chí, nhiều người chẳng coi Moyes ra gì hoặc "bằng mặt mà không bằng lòng" bởi đơn giản, từ đầu Moyes không làm các cầu thủ phải sợ. Thực tế đã chứng minh đa phần những nhà cầm quân hàng đầu thế giới ngày nay đều rất "rắn mặt" vì như thế mới trị nổi đám cầu thủ và dập tắt ngay ý đồ phản loạn, chống đối tử các "ông sao con". Ngay cả Fergie ngay từ khi dẫn dắt Man Utd cũng rất ghê gớm chứ không có chuyện hiền lành và chỉ toàn an ủi, vỗ về các cầu thủ bằng lời lẽ ngọt ngào. Và Van Gaal, ngay từ buổi họp báo ra mắt, đã đề cập đôi chút đến quan điểm huấn luyện của ông. Đó là đẳng cấp, bản lĩnh hay kinh nghiệm của một cầu thủ không phải do tuổi tác tạo ra. Nói một cách khác, Van Gaal đã khéo léo gửi đến các học trò mới một thông điệp rằng: Ai được ra sân hoàn toàn phụ thuộc vào phong độ, thái độ, tinh thần chứ không dính dáng gì đến yếu tố tên tuổi, thương hiệu, thâm niên. Với tuyên bố này thì tin chắc Rooney còn lâu mới dám "cành cao" với Van Gaal nếu muốn sống yên ổn.

HLV Van Gaal có những chia sẻ về chiến thuật trong buổi tập trên đất Mỹ.
..... nhưng điều không dễ tái diễn với Van Gaal

Chính sách chuyển nhượng

Trong quãng thời gian cầm quyền ngắn ngủi, Moyes đã đưa về Old Trafford hai gương mặt đã thành danh, có tên tuổi trong làng túc cầu giáo (Fellaini, Mata) nên có thể tạm kết luận, vị HLV này cũng chỉ tính ngắn, muốn mau chóng đem về thành công cho Man Utd. Thế nhưng nghịch lý nằm ở chỗ: Rõ ràng, Man Utd không hề bắt Moyes phải có được danh hiệu ngay lập tức vì họ quá hiểu, việc Man Utd vẫn duy trì sự thống trị của mình sau sự ra đi của Sir Alex Ferguson gần như là chuyện viễn tưởng. Họ chấp nhận ký hẳn hợp đồng kéo dài đến 6 năm với nhà cầm quân người Scotland tức là về mặt hình thức, Man Utd rất muốn Moyes tiếp bước hoàn hảo Sir Alex như một chiến lược gia có thể dẫn dắt lâu dài đội bóng. Như thế, lẽ ra David Moyes cần phải khôn ngoan "lợi dụng" góc nhìn này để đề ra hướng đi khác tại Man Utd. Tức là thay vì mua những cầu thủ đã có tên tuổi thì Moyes cần phải đưa về Old Trafford các ngôi sao trẻ còn ở dạng "ngọc thô" chưa thật sự thành danh bởi nếu có thất bại thì ban lãnh đạo cũng chẳng có cớ gì để trách cứ ông, nhất là khi từ thời Sir Alex, Man Utd lúc nào cũng muốn được tất cả nhìn nhận như là đội bóng được xây dựng từ móng chứ không phải thể loại "dùng tiền mua thành công" giống Chelsea hay Man City. Cứ nhìn sang Brendan Rodgers của Liverpool thì sẽ rõ. Dù tuột mất chức vô địch Premier League vào phút chót song Rodgers vẫn được ban lãnh đạo The Kop đánh giá cao nhờ vào chiến lược tin dùng các gương mặt trẻ, tạo ra một Liverpool đầy tiềm năng trong tương lai mặc cho không ai có thể dự đoán chắc chắn với đội hình như vậy, bao lâu nữa Liverpool mới chấm dứt được cơn khát danh hiệu. Song ít ra, trong mắt các ông chủ vào lúc này, Rodgers vẫn rất có giá. Hay như trường hợp của Arsene Wenger. Bất chấp trải qua gần 10 năm trắng tay, ông vẫn được yêu mến tại Arsenal phần nhiều nhờ vào quan điểm "lấy bóng đá trẻ làm nền tảng".

Còn Van Gaal thì sao? Tính đến thời điểm này, ông đã "cho phép" đội bóng mua Ander Herrera và Luke Shaw, hai cầu thủ trẻ vẫn ở dạng "tiềm năng" và chưa hề thực sự thành danh dù họ có vài năm lăn lộn ở bóng đá đỉnh cao (thực ra, hai cầu thủ này được Man Utd nhắm đến từ khi Moyes còn tại vị chứ không hẳn do Van Gaal lựa chọn song ông vẫn đồng ý bởi tin vào khả năng phát triển của họ). Đáng nói hơn, hợp đồng của Van Gaal với Man Utd chỉ có thời hạn 3 năm, vị HLV này cũng đã 62 tuổi đồng nghĩa trên nhiều phương diện, chẳng ai có thể trách Van Gaal nếu ông định "sống gấp" để mau mau kiếm thêm vài danh hiệu trước khi nghỉ hưu. Ngoài ra, đặt vào bối cảnh của Man Utd thì đội bóng cũng rất cần lấy lại vị thế đích thực trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, Van Gaal có vẻ vẫn nhất quyết giữ quan điểm huấn luyện xuyên suốt trong sự nghiệp của mình dù chưa biết chừng, Van Gaal chỉ đơn giản khôn ngoan, lọc lõi hơn người tiền nhiệm rất nhiều nhờ vào việc tìm hiểu kỹ càng Man Utd. Đó là sách lược "xây nhà từ gốc" và phải luôn ưu tiên cho lớp trẻ. Ngay cả từ câu nói được đề cập ở trên cũng cho thấy phần nào chiến lược ông sẽ áp dụng trong thời gian làm việc ở Man Utd. Nhờ vậy, ông đã sớm nhận được cảm tình từ giới Manucians và cả những quan chức lãnh đạo mà luôn dành cho Man Utd tình cảm thuần khiết bởi với tất cả, Man Utd phải bảo vệ được những giá trị vĩnh cửu và không bao giờ được phép "bắt chước" mô hình thành công chủ yếu dựa vào tiền bạc giống Chelsea, Man City hay Real Madrid. Nếu Van Gaal kiên trì, thậm chí bảo thủ với con đường đi của mình và tuyệt vời hơn, mùa tới, Man Utd trình làng một loạt những gương mặt trẻ sáng giá, bao gồm cả những cái tên trưởng thành từ lò đào tạo của chính CLB thì tin chắc, Van Gaal sẽ ngày càng được tôn trọng, đánh giá cao, kể cả khi Man Utd không thoát khỏi cảnh trắng tay.

Vậy nên, qua những cảm quan ban đầu thì dường như Van Gaal không thể lâm vào "vết xe đổ" của David Moyes bởi suy nghĩ, cách làm, triết lý của Van Gaal mang nhiều hơi hướng của Sir Alex Ferguson vĩ đại mà đó đã được lịch sử khẳng định là hướng đi đúng đắn, lại góp phần tạo ra một đội bóng được hâm mộ bậc nhất hành tinh. Tuy nhiên, thực tế ra sao thì chỉ có thời gian mới trả lời được.

Thiên Bình

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X