Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Vì sao "không tiết lộ" trở thành xu thế chuyển nhượng của Premier League?

Thứ Năm 08/09/2016 14:02(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Chuyện gì đang xảy ra khi chỉ 9 vụ chuyển nhượng đến Premier League mùa hè 2016 được công bố mức giá chính xác, số còn lại được phủ lên bằng tấm màn bí ẩn mang tên "undisclosed" - không tiết lộ?

 
Theo trang web chính thức của Premier League, tổng cộng có khoảng 149 thương vụ chuyển nhượng theo kiểu mua - bán tới các câu lạc bộ tại giải ngoại hạng Anh (không tính mượn, chuyển nhượng tự do,...). Trong số đó, chỉ 9 bản hợp đồng được gắn mức giá cụ thể.
 
Khong tiet lo dang tro thanh xu the chuyen nhuong cua Premier League.
Không tiết lộ đang trở thành xu thế chuyển nhượng của Premier League.

Với 9 bản hợp đồng được công bố giá chính xác, có đến 4 thương vụ nằm trong diện "mù mờ" gồm 5,5 triệu bảng Sunderland trả cho Manchester United để sở hữu cả cặp Paddy McNair và Donald Love, nghĩa là giá trị cụ thể của mỗi cầu thủ không được làm rõ. Ngoài ra Joe Allen (từ Liverpool đến Stoke City) lại được gắn mác "có thể lên tới" 13 triệu bảng.
 
Số còn lại đều chỉ là những con số hoặc được ước đoán bởi giới truyền thông, hoặc là do câu lạc bộ đưa ra một con số theo kiểu "dự kiến",... Tất cả những vụ chuyển nhượng bao gồm cả việc Pogba trở thành cầu thủ đắt giá nhất hành tinh đều không phải là giá chuyển nhượng chính xác theo xác nhận chính thức của các bên.

Theo Premier League chính thức công bố, tất cả đều được phủ lên bằng tấm màn mang dòng chữ "không tiết lộ" (undisclosed).
 
Vì sao "không tiết lộ" trở thành xu thế?
 
Các câu lạc bộ bán sẽ ghi lại chính xác khoản tiền nhận được do những vấn đề liên quan đến pháp lý nhưng với những CLB mua, họ thường báo giá lên cao hơn so với thực tế. Cái giá được thông báo là sự tổng hòa của phí chuyển nhượng, chi phí cho cầu thủ, hoa hồng cho người đại diện, thanh toán bản quyền hình ảnh,... Vì vậy, con số họ đưa ra cho giới truyền thông khi vụ chuyển nhượng hoàn tất không thực sự chính xác.
 
Đó là chưa kể đến những thương vụ chuyển nhượng phức tạp có liên quan đến "bên thứ ba" là một công ty nào đó cùng nắm giữ quyền sở hữu cầu thủ. Như vậy, giá trị chuyển nhượng mà câu lạc bộ bán đăng ký sẽ lệch so với giá trị thực tế bên mua phải bỏ ra. Trong những trường hợp như thế, các nguồn chính thức đều đưa ra giá trị chuyển nhượng là "không tiết lộ".
 
Ngoài ra, sự phức tạp trong việc xác định giá trị cầu thủ còn đến từ những điều khoản đi kèm đang ngày càng phổ biến trong các vụ chuyển nhượng. Các CLB hiện nay thường trả chi phí thấp nhưng kèm điều khoản về hiệu suất thi đấu của cầu thủ trong màu áo mới như số bàn thắng, số trận ra sân, số lần gọi lên tuyển hay thậm chí là thành tích của đội bóng mới tại các giải đấu như Champions League, Premier League,...

Trang chu Premier League thong bao nhung vu chuyen nhuong trong he nay chu yeu thuoc dien khong tiet lo.
Trang chủ Premier League thông báo những vụ chuyển nhượng trong hè này chủ yếu thuộc diện không tiết lộ.
Ví dụ điển hình là trường hợp Gary O'Neil phải ngồi dự bị khi đã ra sân 99 trận bởi chỉ thêm một lần thi đấu nữa, Middlesborough sẽ phải trả thêm 1 triệu bảng cho Portsmouth. Điều đó khiến phí chuyển nhượng không thể ngay lập tức tính toán chính xác.

Đó là chưa kể đến việc thay đổi tỉ giá hối đoái giữa các loại tiền tệ khi chuyển nhượng qua lại giữa các đội bóng tại châu Âu ở các thời điểm khác nhau. Vì vậy, đa phần những thương vụ đều chỉ được xác định giá trị chuyển nhượng sau một thời gian tương đối dài.
 
Vấn đề khác nữa liên quan đến bảo mật thương mại. Ngày nay, các CLB vận hành theo hướng chuyên nghiệp hóa giống một tổ chức kinh doanh hay nói cách khác là công ty. Các CĐV cho rằng họ có quyền được biết về số tiền CLB bỏ ra để mua cầu thủ. Nhưng thực tế là không.
 
Pháp luật cho phép các công ty giấu kín số liệu tài chính nhạy cảm, đồng thời đảm bảo những số liệu này không bị tiết lộ sau bất cứ cuộc kiểm tra kinh tế nào. Nhờ thế, các CLB có thể ngầm đưa ra một cái giá nằm trong khoảng "giá trị chuyển nhượng" nhằm thao túng thị trường.
 
Lấy ví dụ một CLB chỉ bỏ ra 5 triệu bảng để mua một tiền vệ nhưng tổng giá trị chuyển nhượng có thể lên thành 10 triệu bảng dựa theo những điều khoản đi kèm. Như vậy, định giá của các tiền vệ được đánh giá "tương đương" sẽ nằm trong khoảng từ 7 đến 12 triệu. Nghĩa là các CLB thuộc diện đối thủ cạnh tranh sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua một cầu thủ.
 
Như vậy, những khoản phí "kỷ lục" như 89,3 triệu bảng cho Pogba, 30 triệu bảng cho Moussa Sissoko,... đều không phải là giá chuyển nhượng chính xác. Tất cả đều chỉ là sự ước tính tương đối của giới truyền thông.
 
Con số cụ thể vẫn bị phủ bởi lớp màn kỳ bí mang tên "không tiết lộ".
 
Như Đạt
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X