Van Persie tâm sự rằng anh muốn ra đi là để tìm kiếm những danh hiệu nhưng sự thật thì không có mấy người tin vào cái lý lẽ ấy.
1. Cách đây hơn một tháng, phiên chợ hè Premier League sớm được một phen dậy sóng vì Eden Hazard. Thần đồng người Bỉ cùng lúc được cả Man City, MU, Arsenal, Tottenham và Chelsea theo đuổi. Ở thời điểm đó, rất nhiều lời đồn đoán đã được đưa ra về tương lai của cựu ngôi sao Lille, nhưng tựu chung lại, người hâm mộ vẫn đinh ninh rằng bến đỗ mới của tiền vệ 21 tuổi sẽ nằm tại thành phố Manchester.
Đùng một cái, Hazard quyết định chọn Chelsea, đội bóng chỉ xếp thứ 6 ở Premier League và kém đội vô địch tới… 23 điểm. Lý do được nhạc trưởng này đưa ra là chiếc cúp bạc Champions League, khi mà The Blues đã xuất sắc lần lượt vượt qua Barcelona và Bayern Munich để đăng quang.
Mặc dù vậy những người hiếu kỳ ở xứ sở sương mù không tin tưởng lắm vào sự giải thích ấy, nhất là khi đội bóng của ngài tỷ phú Roman Abramovich công bố mức đãi ngộ với Hazard. Ngôi sao người Bỉ sẽ nhận mức lương 170.000 bảng/tuần, xấp xỉ Fernando Torres, John Terry và nhỉnh hơn cả những công thần như Frank Lampard, Ashley Cole. Trong khi đó, dù rất giàu có nhưng Man City chỉ “dám” chi 150.000 bảng/tuần; con số của MU thậm chí còn “hẻo” hơn nữa khi Quỷ đỏ dè dặt đề nghị con số 130.000 bảng/tuần.
Và thế là, giới truyền thông Anh quốc truyền miệng nhau rằng Hazard tới Chelsea là vì tiền.
2. Liệu Hazard chọn phía Tây thành London có phải vì tiền hay không có lẽ chỉ một mình anh biết. Nhưng dưới con mắt thực dụng của những hiệp sĩ Anglo – Saxon khi chọn lề đường bên trái chỉ là để dễ rút kiếm thì mọi quyết định của con người đều được nhìn nhận dưới góc độ “đầu tiên” (tiền đâu).
Eden Hazard chọn Chelsea chỉ vì mức lợi tức 20.000 bảng/tuần, số tiền mà nếu tích lại trong 1 năm cũng chưa đủ để anh này mua nổi siêu xe. Samir Nasri rời Arsenal cũng là do 30.000 bảng tiền lương mà Man City hứa trả cho anh này đưa đẩy. Và giờ đến lượt Robin Van Persie rục rịch ra đi, người ta cũng lại quy cho đội trưởng của Pháo thủ cái tội hám tiền.
Từng nhớ cách đây gần 2 năm, Wayne Rooney cũng có động thái tương tự và kết quả là gã Shrek đã được nhân đôi số tiền kiếm được hàng tuần. So về tầm ảnh hưởng cũng như đẳng cấp, số 10 của Arsenal và của MU không có mấy sự chênh lệch. Bởi vậy, động thái của chân sút người Hà Lan được cho là kế “nhất tiễn hạ song điêu”: ép Pháo thủ tăng lương (ít nhất là gấp đôi như Rooney), hoặc không thì sẽ chuyển đến sân Etihad (nơi anh được chào đón với con số thậm chí còn khủng hơn… 200.000 bảng/tuần)
3. Giới trẻ hiện nay vẫn thường nói đùa với nhau thế này: “Tiền không thể mua được tất cả mọi thứ nhưng con người lại sẵn sàng làm tất cả mọi thứ chỉ vì tiền”.
Sức mạnh của đồng tiền thật đáng ngưỡng mộ. Nó giúp Chelsea vô địch Premier League sau 50 năm chờ đợi và giải cơn khát danh hiệu kéo dài hơn 40 năm của Man City, để rồi những biểu hiện thành công ấy lại trở thành những hình ảnh hoán dụ cho những tờ giấy bạc.
Bóng đá, theo quan điểm truyền thống, vẫn được xem là kết tinh của cả một quá trình. Trong suốt chiều dài lịch sử của môn thể thao vua, thành công của một đội bóng chưa bao giờ đến từ sự nóng vội và bột phát. Những nền bóng đá lớn như Brazil, Italia, Đức, Argentina, Hà Lan… luôn hùng mạnh và duy trì vị thế độc tôn từ thuở ban đầu. Vì lẽ đó, những đột biến như Chelsea hay Man City rất khó làm giới mộ điệu trân trọng. Có cảm giác như khi “bị” đặt cạnh những đồng tiền, bóng đá không còn vẻ đẹp lung linh nữa.
Van Persie là một nghệ sĩ với lối đá kỹ thuật và từ lâu được xem là hiện thân của cái đẹp. Và nếu Man City không phải là điểm đến thích hợp nhất với ngôi sao 29 tuổi, có lẽ người ta sẽ tin nhiều hơn vào lời tâm sự của anh: “Tôi ra đi vì muốn kiếm tìm những danh hiệu”.
Nhưng điều ấy đã không xảy ra. Bởi vậy mà dù tuyển thủ người Hà Lan chẳng còn trẻ trung gì, người ta vẫn tin rằng anh này luôn sẵn sàng làm tất cả mọi thứ chỉ vì tiền.
(Theo VTC)