- Phân tích sâu chiến thuật trận đầu tiên của Van Gaal tại Man Utd
- Sơ lược về tài năng trẻ "bí ẩn" toả sáng trong ngày ra mắt tưng bừng của Van Gaal
- Những điểm nhấn rút ra từ màn khởi đầu như mơ của Man Utd kỷ nguyên Van Gaal
Trong suốt sự nghiệp cầu thủ cũng như HLV của ông, Louis van Gaal từng ghi dấu ấn với những màn khẩu chiến, những cuộc chiến tranh lạnh không khoan nhượng. Đó cũng là lý do khiến chiến lược gia này bị chê là có khuynh hướng độc tài. Trong buổi ra mắt trên cương vị tân HLV Man Utd mới đây, Van Gaal phân bua rằng ông thực chất là người có cá tính mạnh, chứ không phải là kẻ chuyên quyền. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì Van Gaal từng làm, nhiều HLV tại giải Ngoại hạng Anh - những người nổi tiếng, chua ngoa, thích đấu khẩu trên mặt báo - ắt cũng sẽ có đôi chút e dè trước một đối thủ như ông.
Thi gan cùng HLV
Thời còn làm cầu thủ, Van Gaal từng đá cho CLB Bỉ Royal FC Antwerp, dưới quyền HLV huyền thoại Guy Thys. Lúc ấy, một CLB chỉ được cho ba ngoại binh ra sân cùng thời điểm. Royal FC Antwerp thì có tới bốn cầu thủ nước ngoài và Van Gaal rất không vui khi HLV thường xuyên cho ông ngồi dự bị.
“Cậu ấy đến gần và hỏi tại sao tôi không cho cậu ấy ra sân. 'Này sếp, tôi có phải người giỏi nhất?', cậu ấy hỏi như thế và tôi đáp rằng không. Cậu ấy không tin điều đó. Sau đó, tôi phải giải thích rằng cậu ấy là cầu thủ cá tính nhất tôi từng gặp, nhưng rất tiếc, cậu ấy quá chậm”, Guy Thys kể lại trong hồi ký. Ngay cả khi được trao cơ hội ra sân, Louis van Gaal cũng thường bất đồng về chiến thuật với HLV. Van Gaal thậm chí công khai nói rằng ông không đánh giá cao Guy Thys.
Sau đó, vì không được tạo cơ hội, Van Gaal muốn ra đi. Guy Thys dọa rằng ông sẽ yêu cầu một mức phí chuyển nhượng cao để ngăn cản cậu học trò ngỗ nghịch. Tuy nhiên, Van Gaal khi đó tuyên bố: “Cứ làm gì ông muốn, cùng lắm tôi về làm giáo viên như ngày xưa. Nếu ông làm thế, sẽ chẳng còn tình nghĩa gì cả”. Thys và Antwerp đã chấp nhận để Van Gaal ra đi.
Chiến tranh lạnh với các cầu thủ
Năm 1999, sau khi trở thành nhân tố quan trọng giúp Barca vô địch La Liga hai năm liền, ngôi sao một thời của bóng đá Brazil Rivaldo được FIFA trao Quả Bóng Vàng. Tuy nhiên, Rivaldo cảm thấy không thoải mái khi bị Van Gaal - HLV Barca khi ấy - xếp đá ở cánh trái.
Boudewijn Zenden - tiền vệ khi ấy cũng chơi cho Barca kể lại: “Rivaldo nghĩ rằng anh ấy sẽ chơi tốt hơn ở phía sau tiền đạo cắm. Sau khi giành Quả Bóng Vàng, anh ấy yêu cầu Van Gaal 'Tôi không muốn chơi ở cánh trái nữa, tôi muốn đá sau tiền đạo cắm'. Van Gaal đáp: 'Được thôi, đó là quyết định của cậu'. Và sau đó, Rivaldo phải ngồi dự bị, vì chỉ có HLV mới được quyền quyết định anh ấy sẽ chơi ở đâu”.
10 năm sau, khi đến Đức làm việc, Louis van Gaal từng khiến hậu bối đồng hương Mark van Bommel bị sốc khi nói thẳng rằng anh phải từ bỏ băng thủ quân và chuẩn bị tinh thần cạnh tranh suất đá chính với các cầu thủ trẻ. Van Bommel, khi đó, đang là đội trưởng và là trụ cột ở tuyến giữa của Bayern Munich.
Và Van Gaal đã làm thật, sau khi mua được Luiz Gustavo. Ông cũng mạnh tay trẻ hóa đội hình. Chiến lược gia Hà Lan được cho là lo ngại tầm ảnh hưởng của Van Bommel, người có quan hệ rất thân thiết với hai trụ cột khác là Robben và Schweinsteiger. Van Bommel sau đó phải chuyển sang AC Milan.
Cũng ở Bayern, Van Gaal từng nhéo tai Luca Toni khi cầu thủ này ngồi ăn với thái độ thiếu tôn trọng. Toni - đường đường là nhà vô địch World Cup 2006 và đang có phong độ tốt tại Bayern - ngay lập tức bị Van Gaal bắt xuống đá với đội dự bị khi dám quay sang chỉ trích ông. Một cầu thủ Bayern khác là trung vệ Lucio cũng có mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” với HLV người Hà Lan và sau đó bị bán cho Inter Milan.
Sao số như Rivaldo (giữa) cũng bị Van Gaal trừng trị nếu dám chống lệnh ông |
Cuộc chiến không hồi kết với 'Thánh' Cruyff
Người Hà Lan cho đến bây giờ vẫn chia hai phe: phe ủng hộ Van Gaal và phe ủng hộ Johan Cruyff. Cruyff là một cầu thủ huyền thoại và sau này cũng trở thành một HLV tài năng. Van Gaal thì có xuất phát điểm là cầu thủ hạng xoàng nhưng sau trở thành một quái kiệt trong giới cầm quân.
Điều đầu tiên khiến Cruyff không ưa Van Gaal là chuyện hậu bối đi đúng con đường mà ông đã đi từ Ajax đến Barca. Van Gaal cho biết mối hiềm khích bắt đầu từ năm 1989 khi ông rời nhà Cruyff sau khi được mời ăn tối mà quên nói cảm ơn. Hôm đó, Van Gaal đang vội vì vừa nhận tin báo chị gái của ông qua đời.
Louis van Gaal không bao giờ tha thứ việc Cruyff hùa theo báo chí Catalan để chỉ trích công việc của ông tại Barca. Sự đối địch giữa hai người lên đến đỉnh điểm vào năm 2011, khi Johan Cruyff, với tư cách là một trong năm cố vấn của Ajax, kịch liệt phản đối việc CLB này định bỏ nhiệm Van Gaal làm Giám đốc Điều hành. Thậm chí, sau khi bốn thành viên còn lại quyết định chấp nhận Van Gaal, Cruyff đã nổi xung và làm mọi cách để ngăn cản. Cuối cùng, huyền thoại người Hà Lan đã thành công. Còn Van Gaal thừa nhận: “Tất nhiên, nó khiến tôi đau đớn. Mọi người quên rằng Ajax là một phần đời tôi”.
Kết thúc có hậu với Van Persie
Không phải trận chiến nào của Van Gaal cũng kết thúc bằng hận thù. Năm 2012, khi mới trở lại làm HLV của đội tuyển Hà Lan, Van Gaal đã tập hợp tất cả mọi cầu thủ để hỏi lý do tại sao họ bị loại sớm tại Euro trước đó. Tất cả mọi người đều bày tỏ ý kiến, trừ Robin van Persie, cầu thủ không muốn đổ lỗi cho người khác sau thất bại. Van Gaal coi đó là thái độ thiếu tôn trọng và ngày hôm sau HLV này tuyên bố Klaas-Jan Huntelaar sẽ là tiền đạo số một của ông. Van Gaal hiện thực hóa tuyên bố đó bằng cách cho Van Persie ngồi dự bị suốt 90 phút trận đấu với Bỉ.
Tuy nhiên, khi Van Persie được hỏi liệu anh có thấy tiếc về quyết định bổ nhiệm Van Gaal, cầu thủ này đáp rằng không. Không những thế, Van Persie còn ca ngợi tài năng của Van Gaal sau khi chứng kiến cách ông làm việc. Điều này khiến Louis van Gaal sửng sốt. Sau đó, ông nhận ra Van Persie là một cầu thủ chuyên nghiệp và nhanh chóng đưa anh lại đội hình chính. Tại World Cup 2014 vừa qua, Van Gaal trao cho Persie chiếc băng đội trưởng.
Theo Vnexpress