- Chi 7 triệu bảng, Man Utd sẽ giành được chữ ký của sao trẻ Hà Lan
- Thêm một cựu Quỷ Đỏ khiển trách Sir Alex vì Paul Pogba
- Man Utd quyết chặn đứng Barca trong thương vụ Cuadrado
Dù vẫn đang dẫn dắt cực kỳ thành công ĐTQG Hà Lan trên chặng đường chinh phục chiếc cúp vàng VĐTG lần đầu tiên trong lịch sử nhưng Van Gaal luôn dành thời gian nghĩ tới thách thức mới của mình trong sự nghiệp huấn luyện tại Man Utd, đội bóng giàu truyền thống nhất Anh quốc với trách nhiệm nặng nề giúp "Quỷ đỏ" lấy lại vị thế vốn có sau mùa giải thảm bại. Trong động thái mới nhất, ông đã tăng cường thêm một nhân sự nữa cho đội ngũ giúp việc và gương mặt được ông tin tưởng là Albert Stuivenberg, một người đồng hương Hà Lan khác mà ông cũng khá am hiểu qua quãng thời gian gần đây khi Stuivenberg làm việc ở các cấp độ trẻ của ĐTQG Hà Lan.
Albert Stuivenberg vừa được bổ nhiệm vào ban huấn luyện Man Utd |
Trước đó, ai cũng biết, Van Gaal đã mang theo hai cộng sự vô cùng thân thiết tới Old Trafford. Đó là Frans Hoek (57 tuổi), HLV chuyên trách thủ môn và Marcel Bout (51 tuổi), chuyên gia phân tích chiến thuật, "do thám" đối thủ. Cùng với đó, ông đã mời Ryan Giggs, huyền thoại vĩ đại bậc nhất trong lịch sử Man Utd và từng dẫn dắt "Quỷ đỏ" trong 4 vòng cuối Premier League mùa vừa rồi thay cho "thảm hoạ" David Moyes, ngồi vào vị trí trợ lý số 1 hay có thể coi là HLV phó đội bóng mà trên nguyên tắc, sẽ sở hữu quyền lực trong ban huấn luyện Man Utd chỉ thua kém duy nhất HLV trưởng mà thôi (tất nhiên, chuyện Giggs có thực sự trở thành cánh tay phải đắc lực của Van Gaal hay không thì còn tuỳ thuộc vào sự cộng tác, mối quan hệ giữa họ trong tương lai). Tuy nhiên, Van Gaal có vẻ vẫn chưa thật sự an tâm về đội ngũ giúp việc này nên ông mới thuyết phục thành công Stuivenberg bỏ công việc dẫn dắt tuyến trẻ của ĐT Hà Lan để đầu quân cho Man Utd hỗ trợ ông. Stuivenberg sẽ chính thức có mặt ở Old Trafford ngay sau khi Van Gaal hoàn tất chiến dịch World Cup 2014 ở ĐTQG Hà Lan để bắt đầu sự nghiệp tại Man Utd.
Sinh năm 1970, Stuivenberg không xuất thân từ một cầu thủ chuyên nghiệp mà ngay từ khi còn rất trẻ (mới ngoài 20 tuổi), Stuivenberg đã xác định cuộc đời của mình chỉ gắn liền với công tác huấn luyện. Trong nhiều năm trời, ông gắn bó với học viện đào tạo bóng đá trẻ của Feyenoord, một đội bóng hàng đầu Hà Lan. Đến năm 2006, ông được Liên đoàn bóng đá quốc gia mời về dẫn dắt đội U17 rồi U21 của Hà Lan. Thành tích đáng nể nhất của Stuivenberg là giúp lứa U17 của xứ sở hoa Tulip lên ngôi vô địch giải U17 châu Âu vào hai năm liên tiếp: 2011, 2012. Stuivenberg bắt đầu quen thân và cộng tác nhiều hơn với Van Gaal sau khi vị HLV 62 tuổi này trở lại dẫn dắt Oranje vào mùa hè 2012, thay cho Bert Van Marwijk. Với sự am hiểu sâu sắc lứa tài năng trẻ giàu triển vọng của quốc gia, chính Stuivenberg đã tư vấn cho Van Gaal hàng loạt gương mặt sáng giá đủ sức khoác áo ĐTQG Hà Lan từ khi còn rất trẻ mà trong số này, không ít cái tên đang toả sáng tại Brazil như Daley Blind, Depay, De Vrij, Janmaat. Đây có lẽ chính là nguyên do mà Van Gaal đã quyết định chọn Stuivenberg để gần như hoàn toàn thành phần ban huấn luyện Man Utd mùa tới.
Theo phân công, Stuivenberg sẽ phải hỗ trợ đắc lực cho Ryan Giggs trong việc cai quản các thành viên thuộc đội 1 Man Utd cũng như làm "tai mắt" báo cáo cho Van Gaal những vấn đề phát sinh nơi hậu trường, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Song với kinh nghiệm "chăm nom lớp trẻ" thì tin chắc, trọng trách của Stuivenberg sẽ bao gồm cả khâu phát hiện, bồi dưỡng những "viên ngọc thô" đang "lẩn khuất" đâu đó ở học viện đào tạo bóng đá trẻ của Man Utd. Rõ ràng, với quyết định bổ nhiệm này, Van Gaal thêm một lần chứng tỏ cho các CĐV Man Utd thấy ông sẽ tiếp tục duy trì triết lý "phát triển bóng đá từ gốc", "trao nhiều cơ hội cho các gương mặt trẻ" mà ông luôn theo đuổi từ ngày khởi nghiệp. Dù cho Van Gaal đã 62 tuổi và hợp đồng của ông với Man Utd chỉ kéo dài 3 năm cũng như ông là mẫu HLV rất thích "xê dịch" chứ không khoái trung thành lâu dài với một đội bóng nhưng xem ra, Van Gaal sẽ không vì chạy theo thành tích trước mắt mà bỏ bê công tác xây dựng nền móng bền vững cho Man Utd và chỉ chăm chăm yêu cầu ban lãnh đạo cung cấp thật nhiều tiền để đưa về những ngôi sao sáng nhằm nâng cấp ngay tức thì chất lượng, sức mạnh của đội bóng trong thời gian ngắn nhất giống như cách làm quen thuộc của đối thủ sắp tới ông sẽ phải thường xuyên giáp mặt tại nước Anh, Jose Mourinho. Dĩ nhiên khó có thể nói con đường nào đúng đắn, sáng suốt hơn nhưng riêng với Man Utd, đó chính là những gì họ chờ đợi vào người thuyền trưởng mới bởi xưa kia, Sir Alex Ferguson vĩ đại cũng luôn áp dụng chính sách này ở Man Utd.
Sự có mặt của Stuivenberg gần như đặt dấu chấm hết cho hy vọng của Nicky Butt, Phil Neville hay Paul Scholes, những cựu "Quỷ đỏ" lừng danh khác, tiếp tục có mặt trong ban huấn luyện đội 1 như mùa giải vừa rồi, đặc biệt trong quãng thời gian Giggs tạm nắm quyền vì đơn giản, Van Gaal chẳng dại gì làm phình to đội ngũ cộng sự để rồi dễ dẫn đến mâu thuẫn, va chạm, xích mích, người nọ dẫm chân lên người kia. Cùng lắm, họ sẽ chỉ còn được gắn bó với Man Utd trong tư cách dẫn dắt các lứa trẻ của đội bóng. Thực ra, đó cũng không hẳn là công việc kém vinh quang, nhất là khi trong triều đại mới, bóng đá trẻ vẫn rất được coi trọng. Dù sao, tất cả còn phụ thuộc vào ý nguyện của họ cũng như kế hoạch của Van Gaal nhưng bản thân tân thuyền trưởng của Man Utd cũng thừa hiểu chẳng gì tuyệt vời hơn khi giao lớp "hậu bối đàn em" của CLB cho các "tiền bối huyền thoại" được kính trọng như Scholes vì những giá trị trường tồn làm nên bản sắc Man Utd kiểu gì cũng được giữ vững hơn là đưa về những con người chẳng biết gì về Man Utd.
Bảo Phương.