Đó là trận đấu mà Van Gaal đã thay gần như toàn bộ đội hình sau giờ nghỉ giải lao, ngoại trừ Fletcher và Herrera. Anh đá vị trí tiền vệ trung tâm sở trường trong hiệp một, bên cạnh tân binh Ander Herrera, và sau đó lui về đá trung vệ để dìu dắt các tài năng trẻ như Michael Keane và Tyler Blackett. Ở cả hai vị trí đó, Fletcher đều thi đấu rất ấn tượng.
Fletcher (phải) mới chỉ là thử nghiệm đầu tiên của Van Gaal trên vai trò đội trưởng |
Mới chỉ là thử nghiệm
Fletcher thật ra chẳng xa lạ gì với tấm băng đội trưởng của Man United. Cách đây hơn 4 năm, sau khi sút tung lưới AC Milan ở Champions League, anh được tưởng thưởng bằng vinh dự mang băng đội trưởng lần đầu tiên trong trận đấu với West Ham tại Premier League. Sau đó, anh được chọn làm một trong những đội phó của CLB. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Fletcher cũng chính là đội trưởng đội tuyển Scotland.
Có lẽ đó chính là lý do anh được Van Gaal chọn mang băng thủ quân, trong trận đấu ra mắt của ông. Trong bối cảnh chiến lược gia này còn chưa biết nhiều về các học trò, lý lịch 19 năm gắn bó với Man United (từ đội trẻ) cùng vị thế thủ lĩnh ở ĐTQG đã giúp Fletcher nhận được vinh dự ấy.
Nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu ở trận đấu với AS Roma sáng mai, cầu thủ mang băng đội trưởng Man United lại là một người khác. Đây là giai đoạn mà Van Gaal đang muốn thử nghiệm trên nhiều khía cạnh: từ lối chơi cho đến con người, nhằm tìm ra những nhân tố tích cực nhất cho cuộc cách mạng của mình tại Old Trafford. Nên nhớ, cách đây vài ngày, chính van Gaal từng bảo ông chỉ chọn ra đội trưởng mới sau khi Michael Carrick trở lại sau chấn thương.
“Mọi cầu thủ đều có thể là ứng viên. Nhưng tôi phải tìm hiểu về họ đã. Quá trình ấy có thể kéo dài 4, 5, 6 tuần, hoặc có thể là 2 tháng. Đôi khi tôi quyết định rất nhanh, nhưng như thế không phải lúc nào cũng tốt. Tôi sẽ dùng thời gian của mình để suy nghĩ kĩ, trước khi chọn ra tân đội trưởng”, van Gaal đã phát biểu như thế trong buổi họp báo ra mắt CLB. Và có lẽ ông cũng đã biết đến tiền sử bệnh án về đường ruột của Fletcher vài năm qua, để căn cứ vào đó khi đưa ra quyết định.
Cách mạng từ vị trí thủ quân
Danny Blind có lẽ là đội trưởng duy nhất của một đội bóng cũ “hợp rơ” với Van Gaal. Ông được Johan Cruyff đưa về làm thủ lĩnh hàng thủ Ajax và sau đó tiếp tục là thủ quân của một thế hệ tài năng do van Gaal xây dựng lên, với đỉnh cao là chức vô địch Champions League 2004-05.
“Không phải lúc nào tôi cũng ấn tượng trước những cầu thủ giàu kinh nghiệm”, van Gaal bảo “Một cậu bé 16 tuổi như Clarence Seedorf khi ra mắt ở Ajax có thể còn giàu kinh nghiệm hơn một cầu thủ 30 tuổi. Tất cả phụ thuộc vào tố chất”. Năm 1997, trong mùa giải đầu tiên của van Gaal ở Barcelona, ông đã chọn Pep Guardiola (26 tuổi) làm đội trưởng thay Bakero vừa giải nghệ, chứ không phải những ngôi sao đàn anh như Hristo Stoitchkov, Amor, hay Miguel Nadal. Và ai cũng thấy Pep là một thủ lĩnh có đầu óc như thế nào, và những phẩm chất ấy sau này còn khiến ông trở thành một HLV đẳng cấp.
Rất nhiều người nghĩ rằng khi Van Gaal cập bến Old Trafford, Van Persie sẽ là người có lợi thế trong cuộc đua giành tấm băng đội trưởng của Man United. Chưa chắc. Hồi mới dẫn dắt Bayern Munich, chính ông là người đã tước tấm băng đội trưởng của người đồng hương Mark van Bommel (từ thời Ottmar Hitzfeld) để trao lại cho Philipp Lahm, sau khi anh này có những biểu hiện chống đối vì phải cạnh tranh vị trí với Luiz Gustavo và Anatoliy Timoshchuk. Khi Van Bommel có ý đồ “xây dựng vây cánh” với Arjen Robben và Bastian Schweinsteiger, Van Gaal “đàn áp” thẳng tay khi đẩy anh này sang AC Milan, và giao lại băng đội trưởng cho Philipp Lahm.
Nói đâu xa, ngay ở World Cup vừa rồi, dù mang băng đội trưởng và tỏa sáng ở vòng bảng, nhưng van Persie đâu phải "bất khả xâm phạm" trong đội hình bởi anh đã gây thất vọng trong những trận knock-out. Van Gaal là như thế: Không khoan nhượng với bất cứ ai, kể cả khi người đó được xem là học trò cưng của ông.
Theo Thể Thao Văn Hoá