Pep Guardiola đang sa đà vào việc khôi phục những giá trị cổ của bóng đá với tôn chỉ tấn công là tất cả. Đó là lời giải thích thuyết phục nhất cho sự sa lầy của Manchester City mùa này.
Trong trận lượt đi trên sân Vicente Calderon tại bán kết Champions League mùa trước, Pep Guardiola gây bất ngờ khi chuyển khôi phục lại sơ đồ cổ điển 2-3-5 chuyển thể từ 4-1-4-1 khi chạm trán Atletico Madrid. Tuy nhiên, ý đồ khôi phục những giá trị cổ điển của bóng đá từ Guardiola đã thất bại bởi thứ bóng đá cấp tiến phù hợp với thời hiện đại bởi Diego Simeone.
|
Man City đang trồi sụt phong độ dưới triết lý của Pep Guardiola. |
Đó không phải lần đầu tiên Pep Guardiola ấp ủ những phát kiến về việc đưa bóng đá trở về những giá trị của thời hoang sơ, với tấn công là tôn chỉ duy nhất. Cho đến trước khi sơ đồ WM của Herbert Chapman ra đời, 2-3-5 vẫn là xu hướng chiến thuật thời thượng với tấn công là tất cả những gì các chiến lược gia cũng như cầu thủ biết.
Chapman đã mang phòng ngự phản công đến giới làng túc cầu. Những trận cầu dần trở nên "tẻ nhạt" hơn khi các đội bóng không còn cống hiến tất cả cho mặt trận tấn công nữa. Là học trò Johan Cruyff với triết lý tôn thờ bóng đá tấn công, Pep Guardiola chưa bao giờ nguôi ngoai ý định đưa bóng đá đi ngược bánh xe lịch sử để tìm về những giá trị truyền thống, thời vẫn còn sơ đồ 2-2-6 và 2-3-5.
Bất hạnh thay đó lại là vật cản khiến Pep Guardiola dần lún sâu trong triết lý từng đưa ông đến đỉnh cao danh vọng. Pep luôn muốn dồn tất cả cho mặt trận tấn công.
Joe Hart bị đẩy đi khi Pep đánh giá thủ môn này đóng góp ít vào mặt trận tấn công hơn
Claudio Bravo. John Stones được trọng dụng bởi trung vệ này... có thể hỗ trợ tấn công.
Đó là tư duy kiểu cổ của bóng đá. Từ sau WM, mọi chiến thuật đều hướng đến sự cân bằng giữa phòng ngự và tấn công. Nếu ở thời đầu tiên của bóng đá, những tiền vệ phòng ngự thuần túy như Claude Makelele hay N'Golo Kante không bao giờ được đánh giá cao. Giờ thì ai cũng thấy tầm quan trọng của họ.
Tiếc thay Pep Guardiola là một ngoại lệ hiếm hoi của thời hiện đại. Với Pep, mọi cầu thủ đều phải biết tấn công. Thủ môn và trung vệ phải biết cầm giữ bóng để kéo dãn đội hình đối phương. Tiền vệ phòng ngự phải có nhãn quan chiến thuật cùng cái chân "ngoan" để tung ra những đường chuyền "chết người" nhằm vào nơi hổng nhất của hàng thủ đối phương.
|
Guardiola không giấu nổi sự giận dữ với hàng công Man City. |
Nhìn chung, Guardiola muốn mọi cầu thủ đều phải dốc sức cho mặt trận tấn công, đó là một bi kịch của bóng đá hiện đại. Năm 2016,
Leicester vô địch Premier League nhờ phòng ngự phản công, Bồ Đào Nha lên đỉnh châu Âu bằng phòng ngự phản công. Ngay ở Premier League mùa này,
Chelsea của
Antonio Conte thăng hoa nhờ sự cân bằng giữa phòng ngự và tấn công.
Trong thời hiện đại, sự chuyên môn hóa được đánh giá cao. Thủ môn trước tiên phải bắt bóng tốt, hậu vệ phải biết cách kèm người, tranh chấp,... Thay vì chuyên môn hóa, Pep Guardiola dường như bắt các học trò phải làm trái tự nhiên như việc bắt cá cũng phải biết leo cây.
Sau trận thua Everton, thất bại có cách biệt lớn nhất trong nghiệp cầm quân, Pep Guardiola khẳng định hàng phòng ngự không có lỗi. Thay vào đó, ông chỉ trích thậm tệ hàng công khi không thể ghi bàn khiến đội bóng... thua nhiều bàn hơn. Đó là vấn đề của Pep.
Ngày nào Guardiola vẫn còn ám ảnh với triết lý bóng đá tấn công cổ điển, chừng đó ông còn bắt cá phải biết leo cây. Tất nhiên, Man City sẽ còn chứng kiến những sai lầm của Claudio Bravo hay John Stones.
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)