Vấn đề của Arsenal không hoàn toàn nằm trên sân cỏ
Thứ Bảy 23/07/2016 20:57(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên (Bongda24h) - Thật đáng buồn khi phải nhìn nhận vào thực tế rằng vấn đề của Arsenal không nằm trên sân cỏ, mà phần lớn bắt nguồn từ những vấn đề ngoài sân cỏ.
Năm 2006, Arsenal hân hoan chuyển về ngôi nhà mới Emirates khi chia tay sân Highbury sau gần một thế kỷ gắn bó. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sân Emirates rộng rãi lại khiến tham vọng của Arsenal dường như nhỏ lại. Khoản nợ 390 triệu bảng từ việc xây dựng sân Emirates buộc Arsenal phải "thắt lưng buộc bụng" để duy trì sự ổn định về mặt tài chính.
|
Arsenal phải hướng đến những danh hiệu lớn. |
Chỉ hai năm sau khi Emirates khánh thành, Arsenal bán đi một loạt cầu thủ để trả nợ. Trong một thời gian dài, HLV Wenger không có tiền để mua sắm những ngôi sao hàng đầu mà buộc phải sử dụng những cầu thủ trẻ. Điều đó khiến Arsenal ngày một lép vế trong cuộc đua tới ngôi vô địch
Premier League.
Chủ tịch thiếu tham vọng
Trên thực tế, vấn đề của Arsenal bắt nguồn từ chính... ngài chủ tịch Stan Kroenke. Các cổ động viên Arsenal đang đặt tên cho ngài chủ tịch của họ là "Stan câm lặng" khi chứng kiến vị tỷ phú người Mỹ chẳng mấy khi ra mặt giải quyết các vấn đề của "pháo thủ".
CĐV Arsenal cực kỳ thất vọng khi so sánh Kroenke với những người đứng đầu của các CLB lớn tại Premier League như M.U, Chelsea và
Man City. Nhà Glazer thay hai chiến lược gia trong vòng ba năm, sẵn sàng "nhuộm đỏ trời Âu" để mang về Old Trafford những bản hợp đồng đắt giá với mục tiêu trở lại cuộc đua tới ngôi vô địch.
|
Người hâm mộ Arsenal gọi Chủ tịch Stan Kroenke bằng cái tên đầy mỉa mai là "Stan câm lặng". |
Chủ tịch Abramovich của Chelsea chưa bao giờ giấu giếm tham vọng vô địch
Champions League, còn chuyện đăng quang ở Premier League đã là đương nhiên. Điều tương tự cũng xảy ra ở Man City với sự điều hành của vị tỷ phú Ả-rập Sheikh Mansour. Điểm chung của hai vị chủ tịch này là sẵn sàng chi tiền, thậm chí là rất nhiều tiền để giúp Chelsea và Man City vươn tới ngôi vô địch.
Mục tiêu của M.U, Chelsea hay Man City trong việc cạnh tranh cho những danh hiệu rất rõ ràng. Trong khi đó, mục tiêu của Arsenal dường như chỉ là... "hút máu" người hâm mộ.
Arsenal là câu lạc bộ có giá vé vào sân đắt bậc nhất tại Premier League cũng như toàn châu Âu, họ cũng tìm mọi cách để thu lại tiền và tiết kiệm chi tiêu tối đa để bù vào khoản lỗ đã chi để xây sân Emirates, cũng như lấp đầy túi của vị chủ tịch Kroenke.
HLV Wenger đến lúc phải ra đi?
Nếu nói Arsenal thất bại vì không có những bản hợp đồng bom tấn thì cũng không đúng. Thành công của
Leicester, hay thậm chí là Tottenham ở mùa giải trước là minh chứng rõ rệt nhất. Arsenal có những bản hợp đồng như Alexis Sanchez, Ozil hay Petr Cech nhưng vẫn chỉ chật vật kết thúc mùa giải ở vị trí trong top 4 và suýt kém cả Tottenham.
|
Có lẽ đã đến lúc HLV Wenger phải thay đổi suy nghĩ hoặc ra đi. |
Trong khi Arsenal chơi thứ bóng đá đẹp, có phần phức tạp để tìm kiếm chiến thắng thì Leicester vô địch Premier League bằng lối chơi đơn giản, trực diện. Đó là xu thế của hiện tại khi lối chơi trực diện đang lên ngôi với thành công của Atletico Madrid hay Bồ Đào Nha tại Euro 2016.
Dễ nhận thấy rằng Arsenal đang thiếu đi tính chiến đấu cần thiết để vươn tới ngôi vô địch. HLV Wenger bảo thủ duy trì lối đá duy mỹ trong môi trường giàu thể lực tại Premier League. Điều đó khiến Arsenal thường hụt hơi trong cuộc đua đến ngôi địch.
Cuối mùa trước, các CĐV Arsenal liên tiếp giăng lên biểu ngữ trong các trận đấu của Arsenal với dòng chữ "Wenger out". Một loạt huyền thoại của Arsenal cũng tỏ ra mất kiên nhẫn với HLV Wenger. David Seaman thậm chí còn hết kiên nhẫn tuyên bố: "Ông ta muốn làm gì thì làm".
Phải chăng đã đến lúc Wenger kết thúc nhiệm kỳ của mình để nhường chỗ cho một người sẵn sàng đổi mới? Một người xây dựng lối đá thực dụng hơn để tìm kiếm chiến thắng thay vì mãi theo đuổi triết lý duy mỹ như Wenger?
Như Đạt