"Mẹ kiếp, Millwall, chúng tôi là Man Utd. Chúng tôi là một gia đình. Và chúng tôi sẽ thắng trận này".
Forlan, Veron và lí do David Moyes thất bại ở Man Utd
Tôi ghi bàn trong trận thắng Leicester 4-1. Tới lúc đó tôi không còn hay nổ súng cho Man Utd như tôi từng làm. Vai trò của tôi tai đội bóng hoàn toàn thay đổi: di chuyển ít hơn, “đóng đinh” nhiều hơn. Tôi chắc rằng HLV và trợ lý của ông, Carlos Queiroz, đã có rất nhiều cuộc bàn thảo về việc liệu tôi có đủ tính kỉ luật để chơi theo cách ấy hay không, bởi lẽ từ trước đó, tôi luôn lao lên hỗ trợ tấn công. Thế nhưng, tôi chơi vị trí này một cách rất thoải mái, tiết kiệm thể lực, sử dụng kinh nghiệm bản thân; đơn giản tôi hợp với cách đá này. Vẫn có những cơ hội để xông lên tuỳ thời điểm có khoảng trống, chứ tôi không phải kiểu tiền vệ lùi sâu đơn thuần như Claude Makelele. Trước Leicester, cơ hội chạy vào giữa khe hở hậu vệ đối phương đã mở ra, và tôi đơn giản là di chuyển vào đó, đánh bai Ian Walker.
Khi bắt đầu năm 2004, chúng tôi đứng đầu bảng xếp hạng. Thực ra Man Utd đã quen với việc đứng trên các đội bóng khác. Chúng tôi thắng 15 trận, hoà 1 và thua 3 trước Chelsea, Southampton và Fulham. Lúc ấy, có một số tân binh đang cố gắng hoà nhập: Kheberson không gặp may mắn, không thích nghi nổi trong khi bạn gái của cậu ta lúc ấy đang mang thai lớn. Cô ấy sang tận Anh để sống với Kleber nhưng việc trình diễn tốt và ổn định dường như là quá khó. Eric Djemba-Djemba, một gã trẻ đáng mến, cũng gặp nhiều khó khăn; David Bellion lại chưa đủ đẳng cấp khi mới chuyển sang từ Sunderland. Nhìn vào họ, tôi chỉ nghĩ rằng họ không phải là câu trả lời cho những Jaap Stam hay David Beckham vừa rời đội.
|
Forlan không hề thất bại tại Old Trafford |
Điểm tích cực là chúng tôi luôn có một phòng thay đồ tuyệt vời, một điều cực kì quan trọng. Tôi vẫn nhớ khi Diego Forlan đến với đội bóng, chúng tôi luôn cố gắng để giúp đỡ cậu ấy: rất nhiều lời khen được đưa ra trong quá trình luyện tập hay các trận đấu. Không có chuyện chúng tôi nói với Diego những câu như: “Chết tiệt, cậu có thể làm tốt hơn thế”, mà sẽ là “Xui quá, mọi chuyện rồi sẽ tốt hơn vào ngày mai”. Thế nhưng đúng lúc sự hoà khí ấy lên cao, tôi lại tự hỏi mình về tương lai của phòng thay đồ Man Utd. Nếu như một người như Alex Ferguson mà giải nghệ, một cái tên khác sẽ phải lên thay thế. Làm gì có chuyện tất cả các cầu thủ thích tất cả mọi mặt của HLV, tất cả giáo án mà ông ta đưa ra?
Tuy vậy, nếu không thích một HLV vì bất kì một lí do nào đó, thì đó cũng không phải lí do để bạn bào chữa cho màn trình diễn kém trên sân cỏ. Hãy nhìn vào những gì mà David Moyes đã phải trải qua. Việc sở hữu trong tay một phòng thay đồ yếu đã khiến cho ông ta không nhận được 100% sự cống hiến của các học trò. Tôi không nghĩ rằng mùa giải năm ngoái tất cả các cầu thủ Man Utd đều cống hiến toàn tâm toàn ý cho David Moyes, bởi ông ta không có những cái cần thiết: dấu ấn tính cách, sự quan tâm đến phong độ các cầu thủ. Là một HLV, bạn có thể gặp phải khủng hoảng chấn thương hoặc đội bóng phải trải qua giai đoạn chuyển giao, nhưng cái quan trọng là lúc nào các cầu thủ cũng cần chơi đến bứt gân. Man Utd cán đích xa ngoài top 4; tôi nhìn họ thi đấu và nghĩ “Các cậu rõ ràng giỏi hơn thế”.
Tôi vẫn nhớ khi Forlan rời đội, cậu ta có một cuộc nói chuyện chia tay chúng tôi. Trong nhiều trường hợp, cầu thủ chỉ đi mà không nói gì, nhưng Diego thì rất nghẹn ngào. Cậu ta bắt tay tôi. Tôi hỏi:
- Cậu sẽ đến đâu?
- Villarreal. - Lúc đó Villarreal mới nổi lên tại TBN.
- Villarreal là ở đâu?
- 20 phút đi xe từ bãi biển.
Chúng tôi phá lên cười vì câu đùa này của cậu ấy, nhưng rồi mọi thứ lắng lại đầy xúc động: “Cậu phải tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ, Diego”. Rồi sau đó Diego có một sự nghiệp trên cả thành công, tôi chẳng ngạc nhiên chút nào. Tôi gọi điện cho cậu ta khi đang là HLV trưởng của Sunderland:
- Diego, muốn sang Sunderland thi đấu chứ?
- Được, được. Tuy nhiên tôi vừa kí hợp đồng mới có mức phí giải phóng khá cao.
- Tiếp đi, nói cho tôi nghe là bao nhiêu.
- 38 triệu euro (hay gì đó mà tôi không nhớ rõ).
- Tôi sẽ gọi lại cho cậu. - Tôi hứa, nhưng không bao giờ làm.
Tôi không nhớ là cậu ta đã bao giờ là một người tệ đến mức như thế hay chưa. Thái độ rõ ràng là kém hơn hăn so với thời còn ngồi với tôi trong phòng thay đồ Man Utd.
Ngày trước, có người hỏi tôi rằng đi tập muộn có phải là biểu hiện của sự kém cỏi? Có đấy, khi trong phòng thay đồ của bạn là những cầu thủ khát khao chiến thắng. Nếu như một buổi tập bắt đầu vào lúc 10h30, mà ai đó đến vào lúc 10h20, tôi sẽ coi đó là đi muộn. Đúng ra là đúng giờ, nhưng đừng nói nhiều, bạn đã muộn. Nếu như không đến vào lúc 10 giờ, sẽ có những lời xỉa xói bạn đến từ các đồng đội khác. Bạn sẽ không chuẩn bị kịp trang phục, khởi động và được mát-xa đủ. Sự chuẩn bị tốt chiếm tới 50% sự thành công của buổi tập.
|
"Veron là một gã giỏi giang, nhưng thời tiết ở đây không ủng hộ hắn" |
Tôi đã hi vọng Veron mang lại nhiều thứ hơn so với thực tế. Khi anh ta đến vào năm 2001, tôi đã rất vui mừng. Anh ta chơi ở vị trí của tôi, nhưng sự cạnh tranh luôn luôn tốt cho cả tôi và đội bóng. Việc đấu đá với Veron giúp tôi đứng vững tên mặt đất và không tự mãn. Tôi không bao giờ có kiểu ghen ghét với các cầu thủ vừa tới, kể cả khi họ chơi cùng vị trí; nhưng Veron là một ngoại lệ. Về mặt kĩ thuật mà nói, anh ta khá xuất sắc; chỉ là do khí hậu, điều kiện, sân bãi… ở Anh không hợp với cách chơi của Veron. Điều tốt nhất mà tôi được trải nghiệm khi mới đến Man Utd là có rất nhiều người ở đó đã giúp đỡ tôi, từ cầu thủ cho đến nhân viên. Chỉ cần một cử chỉ ấm áp của họ, bạn sẽ thấy mình được chào đón. Tôi không biết với các cầu thủ khác thế nào, nhưng những điều này là thực sự quan trọng.
Thử thách lớn - những cơn mưa khó chịu tại Manchester
Với nhiều cầu thủ nước ngoài, họ không hiểu nhiều về khí hậu và văn hoá ở Anh, điều mà tôi coi như lẽ tất yếu. Tôi đã từng nói chuyện với Ronaldo và Mikael Silvestre, những người kêu ca tương đối nhiều về việc khác biệt thời tiết. Tôi chỉ bảo họ rằng: “Khi kí hợp đồng, các cậu phải biết là ở Manchester trời mưa rất nhiều”. Họ bộc bạch thẳng: “Chúng tôi biết, nhưng không ngờ lại khủng khiếp tới mức này”. Nói thật, tôi không có đủ kiên nhẫn để nhìn những người kiếm 50 đến 60 ngàn bảng/ tuần thích nghi với cái gọi là “môi trường” và “thời tiết”. Họ có vẻ quen hơn với việc nhâm nhi một ly cappucino vào 10 rưỡi tối mỗi đêm, ngồi ở bờ ban công thơ mộng, tận hưởng thứ gió thổi hiu hiu vào lúc 4 rưỡi sáng thì đương nhiên họ sẽ phải thay đổi. Còn nữa, Fabien Barthez và Laurent Blanc thường xuyên hút thuốc cùng nhau trong nhà vệ sinh vào giữa các trận đấu. Họ là người Pháp nên… phải hút thuốc? Nếu như tôi mà đi cùng một vài gã Ireland, nhìn thấy cảnh tượng đó, chắc chắn tôi sẽ chửi bục mặt 2 gã đó: “Đồ nhơ nhuốc, cút ngay ra khỏi đây!”.
|
HLV Laurent Blanc đạo mạo bây giờ là một gã chuyên hút thuốc trong WC Man Utd |
Chúng tôi mất Beckham. Thật buồn khi nhìn thấy cậu ấy rời đi, nhưng trát đã được kí, mọi quyết định đều đã xong. Tôi nghĩ thời điểm đó là hoàn hảo cho HLV và cậu ấy chia tay nhau. Có những sự chia tay mang lại lợi ích cho tất cả các bên, và đây là một trường hợp như vậy. Giữa cả 2 đã có những xích mích, bắt đầu từ trận thua 0-2 của chúng tôi trên sân nhà trước Arsenal thuộc vòng 5 FA Cup mùa trước đó. Thế là Becks đến Real Madrid, chẳng có ai ngạc nhiên cả. Ván đã đóng thuyền. Thực ra tôi cũng không nhớ là Becks có chia tay đồng đội hay không; đó là một điểm rất dở của bóng đá chuyên nghiệp, có những người nói đi là đi luôn chẳng thèm ngó lại, như Jaap Stam chẳng hạn. Họ không đến với những đôi bóng ở đẳng cấp thấp hơn trong nước Anh mà chuyển ra nước ngoài thi đấu. Đó thực sự mới là cuộc sống.
Tôi luôn cho rằng với một cầu thủ, bạn sẽ luôn luôn thấy mặt ích kỉ của anh ta. Đơn giản thôi, khi người ta đến và đi, bạn cũng phải nghĩ đến mình. Becks là một kẻ bề tôi trung thành của đội bóng, nhưng rồi cũng đến với một CLB cần cậu ấy hơn vì lợi ích của các bên. Man Utd là cỗ máy xay người thực sự: bây giờ là Becks, vậy bao giờ đến tôi? Tôi đã chứng kiến vụ giày bay nổi tiếng đó trong phòng thay đồ của Man Utd. Tôi thấy trò đó khá thú vị đấy chứ, dù thời điểm có vẻ không thích hợp cho lắm. Thật buồn vì bị đánh bại bởi Arsenal ngay trên sân Old Trafford; họ loại chúng tôi khỏi giải đấu ngay trước mặt các CĐV nhà. Vì vậy việc HLV đá văng chiếc giày đó là hoàn toàn hiểu được. Ông ta tuần nào mà chẳng có những hành động như vậy. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là Ferguson không chủ động nhắm vào Becks, và vết thương của cậu ấy chỉ đơn thuần là một tai nạn. Chiếc giày ấy trong một ngày khác có thể trúng vào một người nào khác, và chúng ta lại có một câu chuyện khác. Nhưng với Becks, cậu ấy không chịu được điều đó, chiếc giày đã lẹm qua mắt cậu ấy. Không có chuyện HLV đánh hay túm hay khiến cho cầu thủ bị thương. Câu chuyện đó đã bị báo chí thổi phồng, thật vớ vẩn. Kiểu làm truyền thông đó không giúp gì được cho đội bóng.
Rio Ferdinand và án treo giò 8 tháng "bỗng nhiên" rơi vào đầu
Tôi vẫn còn nhớ bác sĩ của đội bóng, Mike Stone. Một hôm, ông ấy đi vào khu tập luyện sau khi giờ tập đã kết thúc, và bảo Rio đi kiểm tra sức khoẻ. Những người chuyên về kiểm tra doping có thể xuất hiện bất kì lúc nào, và có vẻ Rio đã quên mất điều đó. Cậu ta bị treo giò 8 tháng, và tôi nghĩ đó là một án phạt nặng. Có thể cậu ta đã làm gì đó không đúng một cách vô tình, tại sao các bác sĩ này nhất thiết phải có mặt vào đúng cái thời điểm chết tiệt đó? Hệ thống kiểm tra y tế có thể được linh động một chút mà. Tuy vậy, rõ ràng trốn khám thì bị coi là dương tính, Rio chẳng có lựa chọn khác. Cậu ta đau khổ, và đội bóng gặp khó khăn. Nếu là tôi, tôi sẽ không sơ sểnh đến mức quên việc kiểm tra doping như vậy. Đây là Manchester United, nên chẳng mấy chốc mọi chuyện trở nên to tát. Tôi cảm thấy hơi vô lý một chút: từ điểm nhìn của một bác sĩ, họ nên hiểu rằng chúng tôi là các cầu thủ, chúng tôi có “trên mây” một chút, và đôi khi những kết quả chỉ là tai nạn. Họ đơn giản là không chấp nhận điều đó. Kiểm tra là kiểm tra.
|
Án treo giò của Rio Ferdinand hồi đó làm Man Utd choáng váng |
Thực ra kết quả kiểm tra của Rio không liên quan gì đến tôi và các đồng đội khác. Tuy nhiên cuối cùng đội bóng cũng bị ảnh hưởng. Tôi không đánh giá xấu gì về Rio, và cũng không tò mò về những gì vẫn còn ẩn giấu sau bức màn sự thật. Chỉ biết rằng tất cả chúng tôi đều phải trả giá; cậu ta là một cầu thủ giỏi và chúng tôi nhớ cậu ta. Đặc biệt là trong giai đoạn hai của mùa bóng, khi các trận đấu trở nên nóng bỏng. Bản thân tôi cũng dã bị kiểm tra mấy lần, hầu hết là sau các trận đấu, và cũng có 2 lần trên sân tập. Các bác sĩ chỉ đang làm đúng công việc của họ, nhưng không hiểu sao tôi lại thấy khó chịu và mất thời gian. Sau trận đấu thường các cầu thủ bị mất nước rất trầm trọng, và đương nhiên trong lúc ấy chúng tôi muốn ăn mừng nếu thắng, còn nếu thua ít nhất chúng tôi cũng không muốn bị làm phiền. Ấy thế mà đã từng có lúc tôi ở trong phòng xét nghiệm của họ tới 3 tiếng đồng hồ ngay sau khi chúng tôi vừa bị Hà Lan loại khỏi World Cup 1994 bởi Hà Lan. Tôi thực sự khá bực mình. Cứ thử tưởng tượng chúng tôi thắng trong trận đấu đó, tôi sẽ… đi tiểu nhanh hơn một chút để quay về với các đồng đội.
Man Utd và thời kì khủng hoảng mùa 2003/04
Lượt đi của mùa giải năm đó chúng tôi chỉ hoà 1 trận; nhưng khi giai đoạn lượt về tới, Man Utd có vẻ chia điểm nhiều hơn, trước Newcastle, Leeds, Fulham, Arsenal và Chelsea. Đương nhiên việc hoà tại Premier League không phải thảm hoạ như kiểu trời sập, nhưng với một đội bóng lớn, những lần chia điểm sẽ mang tới hậu quả không tích cực. Thực ra hoà trên sân khách trước Chelsea và Arsenal là điều tốt; tuy nhiên bị cầm chân bởi Newcastle, và sau đó là Fulham ngay trên sân nhà không phải điều gì hay ho. Dù là hoà theo kiểu gì thì chia điểm nhiều quá cũng không vô địch được. Lúc đó chúng tôi thi đấu không thực sự tốt lắm. Chúng tôi thắng Bolton và Southampton, rồi sau đó chuyến làm khách của Everton đánh dấu một Man Utd cực xuất sắc. Trong trận đó, chúng tôi dẫn 3-0 khi hiệp 1 kết thúc, với một cú đúp của Saha và 1 bàn của Ruud. Họ gỡ hoà 3-3, nhưng rồi Ruud lại ghi tiếp bàn thứ 2 để chốt hạ trận đấu. Thế nhưng sau màn trình diễn hứng khởi đó, Man Utd lại thua Wolves và Middlesbrough.
Scholesy ghi bàn rất đều đặn; rõ ràng cậu ấy là một cầu thủ thuộc đẳng cấp rất, rất cao. Nhưng tôi không muốn chứng kiến cảnh vai trò của các cầu thủ thế hệ 1992 bị thổi phồng, dù đúng là họ rất giỏi. “Thế hệ 1992” đã vươn mình mạnh mẽ đến mức trở thành một thương hiệu ở Old Trafford. Tôi nghĩ nếu họ không thuộc Man Utd thì có lẽ đã không thành công đến mức ấy, nhưng thôi, điểm quan trọng là chúng tôi đều có chung một mục đích, khát khao vô địch. Tất cả chúng tôi đều biết rằng đội bóng đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Đó không phải là hậu quả của án treo giò trên đầu Rio hay việc Becks rời đội. Tuy nhiên, những thứ nhỏ nhặt như vậy cộng hưởng lại, cộng thêm với việc HLV dính vào vụ kiện tụng với các cổ đông người Ireland tạo nên một không khí tiêu cực bao trùm chúng tôi.
|
Scholes lúc ấy ghi bàn nhiều chẳng kém Rooney bây giờ |
Tôi hiểu việc một đội bóng có thăng có trầm là điều bình thường, chuyện nhan nhản khắp nơi. Bạn thấy đấy, gần đây Barcelona đã suy tàn; và sau khi bị đánh bại bởi Real Madrid tại Champions League mùa trước, Bayern Munich và Pep Guardiola bị đặt những dấu hỏi lớn. Việc đứng trên đỉnh cao là cực khó, nó liên quan đến cả việc ai đi ai ở, có ổn định hay không. Điểm khác biệt là nếu như Man Utd có vấn đề, nó sẽ bị thổi cho to hơn mức bình thường; nhiều người chú ý đến chúng tôi lắm. Tập thể này đã học làm quen với điều đó, vì đó là một phần của việc làm cầu thủ tại Man Utd. Gánh nặng luôn ở đó. Tôi nói không có chút kiêu ngạo nào đâu, sự thật là vậy.
Chúng tôi thua Liverpool trên sân nhà trong một trận đấu khó khăn; rồi phơi áo tiếp trước Man City với tỉ số 1-4 trên sân khách. Nên nhớ ngày đó City không hề mạnh như bây giờ, không có nhiều tiền và cầu thủ chất lượng như lúc này. Tôi không bận tâm lắm về các trận thua, vì kiểu quái gì Man Utd cũng sẽ phải bước tiếp; mà tôi đủ thông minh để hiểu rằng chúng tôi đang trải qua một thời kì chuyển mình. Lực lượng cũng có vấn đề. Louis Saha đến với Man Utd, và chơi tốt. Cậu ấy gây ra những khó khăn nhất định cho Man Utd ngay từ thời còn ở Fulham. Tuy nhiên, Saha lại gặp nhiều những chấn thương lắt nhắt, và thường không sẵn sàng ra sân nếu bị đau dù là nặng hay nhẹ. Các nhân viên y tế bị cậu ấy bắt làm việc liên tục, không được nghỉ ngơi.
Tôi hiểu chặng đường sau đó sẽ là rất khó khăn. Arsenal và Chelsea đã bám đuổi sát sạt ở vị trí thứ 2 và 3. Đừng coi thường Chelsea kể cả ở thời điểm Mourinho và cả sức mạnh tiền bạc chưa đến với Stamford Bridge. Chúng tôi không thể ngồi bất lực và nói những câu như kiểu “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”, mà chỉ có cách đứng lên. Có những thời điểm khá tuyệt vọng, chúng tôi đã phải chia sẻ thực lòng với các CĐV về các rào cản khó khăn; nhưng mọi thứ cũng không quá tệ. Chúng tôi đã có Ronaldo ở đây rồi, năm sau Man Utd đón tiếp Rooney. Họ đều là những cầu thủ siêu đặc biệt. Tôi nhìn vào họ và tự nhủ rằng “Man Utd ổn”. Họ thích nghi với đội bóng, khi mà Ronaldo chỉ với 17 tuổi. Cho cậu ấy thời gian và sẽ chẳng có vấn đề gì hết.
Tại Champions League, chúng tôi vẫn phi qua vòng bảng như một cơn bão. Man Utd có trận đấu trước Rangers, và cảm giác thật tuyệt. Đó là lần đầu tôi thi đấu tại Ibrox, dù trước đó đã từng đến SVĐ này với tư cách một CĐV của Celtic. Chúng tôi làm quen mặt sân một ngày trước khi trận đấu diễn ra, và chắc chắn là sẽ không vất vả; khối lượng công việc không quá lớn. Tuy nhiên, sự chào đón “nồng hậu” làm tôi khá nóng máu. Có ai đó trong sân đã đón tiếp tôi với câu nói “Thằng Ireland chó chết”; nhưng không vấn đề, chúng tôi thắng 1-0, Phil Neville ghi bàn. Đó là khoảnh khắc cực ki đáng nhớ. Ý tôi là bàn thắng hiếm hoi của Phil chứ không phải câu nói đầy mùi ghen ghét kia. Rồi sau đó, chúng tôi nhấn chìm Rangers trên sân nhà. Diego Forlan đã có trận đấu tuyệt vời.
Porto và gã điên chuyên chạy dọc biên ăn mừng Mourinho
Chúng tôi dẫn đầu bảng với 15 bảng, và sẽ phải gặp Porto trong vòng knock-out đầu tiên. Man Utd vươn lên dẫn 1-0 bằng pha tận dụng thời cơ của Quinton Fortune sau pha phá bóng của Victor Baia (thủ môn Porto). Tuy nhiên chúng tôi lại bị dẫn ngược lại 2-1. Benni McCarthy ghi 2 siêu phẩm, mà một trong số đó siêu dị: đánh đầu từ rìa vòng cấm. Trong một tình huống sau đó, tôi trực tiếp theo kèm McCarthy. Tôi không chơi xấu, mà chỉ chống chân vào lưng hắn ta như một đòn bẩy. Thế rồi hắn ta lăn ra sân như thể vừa bị bắn, còn tôi nhận thẻ đỏ rời sân. Tất cả những gì mà tôi có thể nói là chúng tôi đã thua vì đối phương chơi tương đối mưu mẹo và tạo nên một chút bất ngờ. Ở Champions League, thua 1-2 trên sân khách là kết quả chấp nhận được, nhưng tôi muốn thắng trong tất cả các trận đấu.
|
Keane (áo đỏ) luôn tự vấn mình sau mỗi chiếc thẻ đỏ |
Bạn có thể tưởng tượng sau đó trong phòng thay đồ, tôi đã buồn và xấu hổ đến như thế nào. HLV không mắng chửi tôi, mà chỉ nói đơn giản “Chết tiệt, Roy”. Không có ai trong số các đồng đội muốn chất vấn tôi, mà tôi phải tự làm điều đó với mình. Tôi biết rằng tôi đã khiến mọi người thất vọng và chẳng có lời nào bào chữa được cả. Tôi phải ngồi trên ghế dự bị trong suốt trận lượt về. Mà không, chính xác là ở khu của ban Lãnh đạo. Một sự tra tấn thực sự. Scholesy có một bàn thắng hợp lệ bị từ chối bởi trọng tài biên. Đáng ra đến lúc đó chúng tôi đã có thể dẫn đến 2-0. Thế nhưng trong những phút cuối, Tim Howard mắc một lỗi từ pha đá phạt trực tiếp của đối thủ. Rồi tôi thấy Mourinho nhảy xuống khỏi băng ghế chỉ đạo, ăn mừng trong phấn khích và chúng tôi bị loại. Việc làm một khán giả trong tình huống ấy thật sự là một điều tệ hại. Nếu tôi ra sân, kết quả đã khác, tất cả mọi người đều nghĩ vậy. Tôi biết mình có thể tạo ra sự khác biệt.
Porto vô địch Champions League năm đó sau khi thắng Monaco, đội vượt qua Chelsea trong vòng Bán kết. Đáng ra kết quả đã khác nếu Chelsea vượt qua được Monaco. Đội bóng Pháp quá tầm thường. Mùa giải năm đó khiến chúng tôi thực sự phải để ý đến Mourinho, một gã điên chuyên chạy dọc biên ăn mừng cùng các học trò. Dù hắn có là ai, thì cũng thật khó tin. Porto ư? Đánh bại Man Utd ư? Đó chính là thời điểm sự nghiệp của hắn ta được định hình. Hắn ta khá giỏi, nhưng tôi không chắc về việc có thể chơi trong đội hình của hắn, vì hắn nói quá nhiều với giới truyền thông như một cái máy khâu. Tôi chỉ nói những gì cần thiết cho trận đấu, còn Mourinho thì luôn chơi bài tâm lý. Tôi sẽ không bao giờ chọc vào mắt Tito Vilanova. Phong cách của Pep Guardiola có vẻ hợp hơn với tôi.
"Mẹ kiếp, Millwall, hãy nhìn chúng tôi đi. Man Utd là một gia đình".
Vào được FA Cup năm đó thật là vất vả. Nhưng nếu chúng tôi bị đánh bại, tôi nghĩ đó chỉ là một tai nạn vì luôn có điều gì đó ở Man Utd vượt trội những đối thủ. Chúng tôi phải thắng 4 đội tại Premiership, gồm Villa, Man City, Fulham và rồi cuối cùng là Arsenal ở Bán kết. Hôm đó, chúng tôi vào trận với Arsenal với tâm thế “Man Utd đang đá chung kết”, và không khí trên sân Villa Park lúc đó thật tuyệt vời. Arsenal cực quyết tâm, nhưng chúng tôi thắng 1-0. Luôn có những trận theo kiểu đó, rất khó khăn, nhưng nếu bạn đạt phong độ cao nhất, bạn biết đội bóng sẽ thắng. Đó là cách hoàn hảo để bước vào trận Chung kết, Man Utd hiểu rằng kể cả chúng tôi có làm điều gì đó ngu ngốc trên sân, chúng tôi vẫn hoàn toàn có thể đánh bại Millwall.
Thế nhưng sự chuẩn bị cho trận đấu lại tồi vô cùng. Tồi nhất trong những lần tôi chuẩn bị cho các trận đấu. Tôi thấy không được khoẻ. Trận đấu này được tổ chức tại Millenium, khi Wembley đang được tu sửa, và ai cũng thích đá ở đây hơn là Wembley. Thế nhưng chúng tôi chỉ tới Cardiff 2 ngày trước tiếng còi khai cuộc. Đêm thứ Năm, chúng tôi ăn ở một nhà hàng chuyên hải sản; tôi lại còn chẳng thích ăn cá chút nào. Chỉ đến khi có người nói rằng chúng tốt cho sức khoẻ, tôi mới thử một chút sò điệp. Thế nhưng sau đó tôi gặp một chút vấn đề về sức khoẻ, rõ ràng là món này có vấn đề. Tôi hơi lo lắng, vì hiểu rằng tôi đứng trước nguy cơ một lần nữa ngồi ngoài mà không được vào sân tạo sự khác biệt.
Vào ngày thứ Sáu, chúng tôi không ăn quá nhiều và trước trận đấu, tôi không ăn gì cả. Thế nhưng tôi vẫn thấy cực kì tồi tệ. Trước khi trận đấu bắt đầu khoảng 10 phút, chúng tôi đã hoàn thành phần khởi động nhưng tôi vẫn thấy cực kì nôn nao. Tôi quyết định vào nhà vệ sinh và nôn hết ra, rồi cảm thấy thật tuyệt vời. Bụng trống rỗng, tôi nốc một chút nước tăng lực vào, hình như là Lucozade hoặc Red Bull, và đá trận đấu như thể đi dạo. Chúng tôi kiểm soát thế trận, và tôi thì chẳng cần làm việc gì mấy.
Một điểm mạnh của Ferguson mà tôi luôn đánh giá cao là ông ta biết nói những gì với các học trò khi cần. Ông ta đã nói với chúng tôi cả tuần rằng hãy đánh bại Millwall đi. Đó là lời nói rất bình thường thôi; nhưng ngay trước khi trận đấu diễn ra, Ferguson nói về việc chúng tôi đến từ nhiều quốc gia khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh. Ông ta chỉ ra sự khác nhau giữa chúng tôi, rồi nhấn mạnh rằng dù thế nào chúng ta cũng là một khối thống nhất. Đó là thứ mà ai cũng cần, một cảm giác về sự tự hào; đương nhiên nó không giúp được gì nhiều, nhưng những lời nói ấy chỉ đơn giản là rất thông minh, nếu không muốn nói là thiên tài.
Chúng tôi ra sân với tâm thế theo kiểu: “Tôi đến từ Mayfield, đá bóng với Ruud van Nistelrooy ở Hà Lan và những người khác như Ronaldo ở Bồ Đào Nha. Thật may mắn vì chúng tôi đã được ở đây cùng nhau”. Và chúng tôi thi đấu như chưa bao giờ đoàn kết hơn thế. Chúng tôi chẳng cần một cuộc nói chuyện về chiến thuật vào lúc đó, không có bất kì lời nào như kiểu “Nhìn hậu vệ của họ, cảnh giác tuyến giữa, theo dõi Dennis Wise, hắn rõ là một gã chơi bẩn chuyên túm bi hoặc kéo người đối phương”. Thái độ của chúng tôi khi ra sân là: “Mẹ kiếp, Millwall, nhìn đây, chúng tôi là Man Utd, chúng tôi sẽ làm bổn phận của mình, và làm cùng nhau. Chúng tôi là một gia đình, dù không cùng gốc gác. Chúng tôi sẽ thắng.”
Với kiểu thái độ máu lửa, đầy tự tin mà không hề mù quáng đó, chúng tôi hiểu rằng mình sẽ thắng. Man Utd đè bẹp đối phương 3-0. Tôi đề nghị cả đội mặc lên người chiếc áo của Jimmy Davis, số 36, khi lên nhận huy chương và cúp. Jimmy là một cầu thủ giỏi và đang thi đấu cho Watford dưới dạng cho mượn. Cậu ấy lái xe va chạm với một chiếc xe tải vào lúc 5h sáng. Ngay sau đó, chúng tôi đến đám tang. Một đám tang rất, rất buồn.
Chúng tôi vô địch FA Cup, Arsenal lên ngôi tại Premier League, và kể từ đó tới nay họ không còn được sờ vào cúp nữa. Tính cách mạnh mẽ của Arsenal vào thời đó đã mất đi, và không thể tái tạo lại thêm một lần nữa. Lúc đó, tôi hiểu rằng cá tính của đội bóng cũng quan trọng chẳng kém gì các kĩ năng…
Thành Nguyễn