- Man Utd lâm vào cảnh "bất lực" sau phút 62
- Man Utd: Chờ Carrick trở lại
- Man Utd: Sướng mắt rồi .... đau tim
Khi tình yêu biến thành thù hận
Cũng giống như những cầu thủ khác và ngay cả như ông thầy Ferguson, đội trưởng của Manchester United một thời, Roy Keane cũng quyết định xuất bản một cuốn tự truyện của riêng mình. Dĩ nhiên nó sẽ được đón nhận nhiệt tình như bình thường nếu như không có những lời lẽ cay nghiệt mà Roy Keane đã dùng để miêu tả quãng thời gian ở MU. Những bí mật dần được hé lộ và người ta không khỏi cảm thấy bất ngờ về những gì diễn ra ở trong Nhà hát của những giấc mơ. Roy Keane miêu tả anh đã không ngần ngại bật lại cả ông thầy Ferguson khi bị chỉ trích, đã cho người đồng đội Edwin Van Der Sar một bài học vì dám chen vào chuyện của anh, thậm chí anh còn mỉa mai rằng trước khi Becks nhận chiếc áo số 7 huyền thoại, chính anh đã từ chối chiếc áo đó.
Dĩ nhiên đã có rất nhiều những ý kiến phẫn nộ cho rằng Roy Keane đã quá đáng khi khơi lại chuyện cũ và dù Keane có là công thần nhưng cũng không thể so sánh với tượng đài Ferguson được. Thế nhưng đằng sau những lời lẽ cay độc ấy, nhiều người cũng nhận ra tình yêu đối với Manchester United của người đội trưởng. Một phần do tính cách, một phần do những năm tháng gắn bó với sân Old Trafford, Roy Keane đã cháy hết mình và cống hiến những năm tháng đẹp đẽ nhất cho Man United. Ở anh người ta luôn thấy được tinh thần thi đấu như một chiến binh mà đã từ lâu lắm rồi các CĐV không còn được chứng kiến ở đội bóng. Không có một tình huống tranh chấp nào vắng mặt anh, và cũng không có cuộc ẩu đả nào anh không tham gia. Vậy mà anh bị vứt bỏ một cách không thương tiếc ở mùa giải 2004/2005, mùa giải mà những bất đồng giữa anh và HLV Ferguson lên tới đỉnh điểm.
Sự ra đi của Roy Keane cũng là cho người ta nhớ lại một trường hợp khác, đó là Carlos Tevez. Cũng là lối chơi máu lửa, cũng là tình yêu đến cháy bỏng với Quỷ đỏ. Nhưng cuối cùng, tình yêu ấy rốt cuộc cũng biết thành sự thù hận khi anh không được trọng dụng và bị ruồng bỏ bởi tính cách ngỗ ngược của mình. Những bất đồng với Sir Alex cộng với sự xuất hiện của Dimitar Berbatov khiến Tevez không còn chỗ đứng ở Old Trafford và ra đi khi còn chưa kịp ký hợp đồng chính thức với CLB (trước đó anh thi đấu cho MU theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 2 năm). Sau này khi mọi chuyện đã qua, Tevez vẫn luôn nhắc lại chuyện cũ với thái độ giận dữ. Thậm chí trong lễ ăn mừng chức vô địch của Man City mùa giải 2011/2012, mùa giải mà Tevez và các đồng đội đã vượt qua Man United bằng trận thắng nghẹt thở trước QPR, anh đã giơ tấm bìa với dòng chữ: "Yên nghỉ nhé Fergie".
Cả Keane và Tevez đều đã yêu MU đến cuồng nhiệt, để rồi khi tình yêu ấy không được đền đáp như sự kỳ vọng, họ xù lông và quay trở lại căm ghét mọi thứ.
Bài học cho Van Gaal?
Nhìn lại những trường hợp của Roy Keane và Carlos Tevez, phần nào có thể thấy được môi trường khắc nghiệt ở Old Trafford. Nơi được mệnh danh là Nhà hát của những giấc mơ này có thể cho người ta những giấc mơ đẹp nhất, nhưng cũng có thể vùi dập những giấc mơ theo một cách tàn nhẫn nhất. Ở MU, sức ép luôn là rất lớn kéo theo đó là sự đào thải không ngừng. Đó cũng chính là những gì mà người ta đang lo ngại khi HLV Louis Van Gaal lên nắm quyền.
Không ai phủ nhận tài năng của Sir Alex Ferguson và những đóng góp to lớn của ông cho đội bóng, kể cả những quyết định sẵn sàng loại bỏ những nhân tố phá hỏng đội bóng. Nhưng đôi khi, chính những quyết định có phần hà khắc đó lại khiến chính Man United trở thành bên thiệt thòi. Đã bao lâu rồi MU vẫn mòn mỏi tìm kiếm một người thừa kế Roy Keane? Một người đàn ông bản lĩnh và một người mang trong mình tố chất thủ lĩnh. Kể từ khi Keane ra đi, không ai có thể chơi bóng như anh, và cũng không ai có thể vực dậy đồng đội như cách anh đã làm. Và còn cả Tevez nữa, liệu ai có thể luôn cháy hết mình và chạy thục mạng cho tới phút 90 như anh đã từng làm? Chỉ còn lại một Berbatov vật vờ, thiếu nhiệt huyết và làm người ta càng thêm nhớ Tevez hơn.
Giờ đây Van Gaal cũng giống như Alex Ferguson, là một con người cứng rắn. Thế nhưng cứng rắn thôi chưa đủ, bởi ông còn phải biết truyền cảm hứng và nhiệt huyết thi đấu cho các cầu thủ. Trong tay ông cũng đang có một cầu thủ có thể vực toàn đội dậy như thế, chẳng ai khác đó chính là người đội trưởng Wayne Rooney. Cũng là một người đội trưởng “máu nóng” và có phần ngang ngược như Keane, cũng là một tiền đạo luôn lăn xả mình vì đội bóng như Tevez, Rooney hoàn toàn có thể là người đội trưởng dẫn dắt MU trong giai đoạn khó khăn này. Cái chính là giờ đây Van Gaal phải tìm cách để truyền cảm hứng cho cậu học trò của mình.
Rooney đã nhận phải rất nhiều chỉ trích từ chiếc thẻ đỏ không đáng có trong trận đấu với West Ham, nhưng đó chỉ là một tai nạn và anh cũng đã nhận được những sự thông cảm. MU đang thi đấu lên chân nhưng quan trọng là họ chỉ thắng mà chưa cho thấy được bản sắc của mình. Một đội bóng quá thiếu cá tính và không có một người thủ lĩnh đích thực. Van Gaal đã có Rooney, và ông sẽ phải làm thế nào để phát huy tối đa tố chất của Wazza để anh trở thành Quỷ đầu đàn thực thụ, và không trở thành một Roy Keane hay Tevez thứ hai. Lúc đó Quỷ đỏ mới thật sự trở lại.
Thế Hưng