(Bongda24h) - Chủ tịch La Liga, Javier Tebas thừa nhận ông e ngại rằng Premier League có thể trở thành NBA của giới bóng đá. Với những gì đang diễn ra trong mùa hè cũng như ở trận derby Manchester, mọi thứ có thể trở thành sự thật.
Khi Premier League công bố khoản tiền bản quyền truyền hình lên tới hơn 5 tỉ bảng cho giai đoạn 2016-19, Chủ tịch Javier Tebas thừa nhận ông giật mình về khả năng cạnh tranh của La Liga so với
giải ngoại hạng Anh.
Không chỉ La Liga, những Serie A,
Bundesliga hay Ligue 1 đều cảm thấy e ngại rằng Premier League sẽ trở thành NBA trong giới bóng đá khi họ dùng tiền mang hết những siêu sao các các giải đấu khác về (NBA - giải bóng rổ nhà nghề Mỹ).
|
Từ derby Manchester: Premier League có thể trở thành NBA của bóng đá. |
Đó không phải là sự e ngại suông. La Liga, giải đấu được đánh giá là hấp dẫn thứ hai của thế giới có doanh thu kém xa so với Premier League khi chỉ đạt hơn 1 tỉ bảng ở giai đoạn tiếp theo. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc một loạt ngôi sao sáng giá nhất tại giải đấu cấp độ cao nhất của Tây Ban Nha tìm đường sang Premier League như Shkodran Mustafi, Lucas Perez, Borja Baston, Nolito hay Eric Bailly,...
Tác động của derby Manchester từ góc độ ngoài bóng đá
Không tính những yếu tố chuyên môn, trận derby Manchester đang cho thấy khả năng trở thành NBA của bóng đá của Premier League. Trước trận đấu này, nhiều người đánh giá rằng sở dĩ giải ngoại hạng Anh chưa thể trở thành kẻ thống trị giống NBA trong môn bóng rổ bởi nơi đây không phải mảnh đất đỉnh cao về chiến thuật. Các chuyên gia nhận định Bundesliga hay La Liga mới là nơi các trận đấu mang tính chiến thuật cao hơn.
Premier League được đánh giá cao nhờ sự cạnh tranh, tốc độ trận đấu cao, cách làm thương hiệu tốt và đặc biệt là khả năng tạo hiệu ứng truyền thông bằng những bản hợp đồng kỷ lục, khai thác câu chuyện về cầu thủ,... Nhưng từ sau trận derby Manchester, người ta hiểu rằng tính chiến thuật - thứ từng bị đánh giá thấp hơn các giải đấu khác - đang dần trở thành thế mạnh tại Premier League.
Ngoài những
Claudio Ranieri hay
Arsene Wenger, ngoại hạng Anh mùa vừa qua đón thêm một loạt chiến lược gia có triết lý chiến thuật danh tiếng nữa gồm Jose Mourinho,
Antonio Conte. Cả Pep Guardiola và Jurgen Klopp - hai HLV hàng đầu tại Bundesliga - cũng nối đuôi nhau đến xứ sở sương mù.
Điều gì đưa một loạt ngôi sao trên băng ghế huấn luyện tới Premier League? Thật phũ phàng khi lý do là nhờ sự hấp dẫn của đồng tiền. Pep Guardiola đến Man City để trở thành chiến lược gia hưởng lương cao nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại.
Ngay trong tuần trước, Paul Scholes - một huyền thoại của bóng đá Anh - cũng than thở rằng hàm lượng chiến thuật của Premier League còn kém xa so với La Liga. Nhưng kể từ sau trận derby Manchester, những ý kiến kiểu như vậy không còn xuất hiện nhiều nữa.
Liệu La Liga còn có thể duy trì sự cạnh tranh với Premier League bao lâu nữa nếu sức mạnh tài chính giúp người Anh khỏa lấp được những điểm yếu?
Những biện pháp đối phó
Chính ban điều hành La Liga cũng nhận thấy sự nguy hiểm từ việc Premier League sở hữu nền tảng tài chính quá mạnh mẽ. Họ đang áp dụng một loạt biện pháp để rút ngắn khoảng cách tài chính với đối thủ. Một trong những biện pháp đầu tiên là nâng cao năng lực cạnh tranh của giải đấu là phân chia đều tiền bản quyền truyền hình cho các câu lạc bộ tại La Liga, thay vì phần lớn dành cho
Real Madrid và Barcelona như trước.
|
La Liga vẫn gặp khó khăn dù các CLB đến từ Tây Ban Nha đang thống trị cúp châu Âu. |
Biện pháp thứ hai là kêu gọi đầu tư. Sau Atletico Madrid, Granada và Espanyol đang đàm phán với các nhà đầu tư Trung Quốc trong những tháng vừa qua.
Chủ tịch Tebas của La Liga kêu gọi: "Chúng tôi cần những nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ tài chính của họ để giúp câu lạc bộ nước ngoài không lấy mất tài năng từ các câu lạc bộ tại La Liga. Nếu điều đó cứ tiếp diễn, giải đấu sẽ chết".
Hai câu lạc bộ hàng đầu tại La Liga cũng đang nỗ lực tìm cách nâng cao sức mạnh tài chính. Barcelona đã mở văn phòng đại diện tại New York nhằm tăng cường thị phần trên toàn cầu thông qua hình thức cổ phiếu. Tuy nhiên, người xứ Catalan vẫn không mấy lạc quan về khả năng cạnh tranh với các đội bóng tại Premier League về khía cạnh tài chính.
Chủ tịch Josep Maria Bartomeu thừa nhận trên BBC: "Các câu lạc bộ tại Premier League đang có nền tảng tài chính khó tin, điều đó khiến chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi buộc phải tăng doanh thu. Các câu lạc bộ tại La Liga đều muốn giữ những tài năng ở lại".
Tất nhiên tiền bạc không phải là tất cả. Bằng chứng là việc các câu lạc bộ tại Premier League không có được thành tích tốt tại đấu trường châu Âu, thay vào đó La Liga mới là những kẻ thống trị trong ba năm gần nhất. Real Madrid và Barcelona luân phiên vô địch Champions League còn ở đấu trường Europa League, Sevilla vô địch liền ba mùa.
Nhưng với việc các câu lạc bộ lớn tại Premier League đưa một loạt chiến lược gia lừng danh về, thành tích của Chelsea, Man City sẽ được cải thiện. Thậm chí ở đấu trường Europa League, Manchester United cũng đang là ứng cử viên hàng đầu khi người Anh muốn lấy lại vị thế ở cấp độ châu lục.
Liệu La Liga có thể phá vỡ khả năng trở thành "NBA của giới bóng đá" của Premier League?
Như Đạt