- Barca buông lời cay đắng sau khi bán Fabregas
- Fabregas gia nhập Chelsea: Chủ nghĩa thực dụng lên ngôi
- Cesc Fabregas gia nhập Chelsea: Đừng chỉ trích một mình F4!
Fabregas có khác Van Persie?
Tất nhiên là họ không giống nhau, nếu không từ đầu Fabregas đã phải chịu sự thù địch từ các fan Pháo thủ như Persie rồi. Có một điểm mà Van Persie không bằng Fabregas, đó là cầu thủ người Hà Lan không có được một “mái nhà xưa” ở Old Trafford trong quá khứ, trước khi đến Arsenal. Một điểm nữa, cả hai đều rời bỏ Emirates vào lúc họ là chỗ dựa lớn nhất cho các đồng đội, nhưng khác ở chỗ một người tới giải đấu khác, còn một người đá ngay ở Anh, cho một đại kình địch. Kỳ thực, nếu có cơ hội tốt hơn, Van Persie có lẽ cũng chẳng chọn MU, còn Fabregas, về Barca là một lựa chọn quá đỗi dễ dàng, đó là đội bóng đang trên đỉnh thế giới, có những siêu sao đẳng cấp chơi bóng cùng tư duy với anh. Dù đó có là “mái nhà xưa” hay không, sức hấp dẫn vẫn quá lớn, hứa hẹn cho tương lai sự nghiệp vẫn quá rực rỡ, vượt trội Arsenal hoàn toàn.
Trong các cầu thủ rời Arsenal, Van Persie là người “đen đủi” nhất. Vào mùa hè mà Sir Alex mua anh, Persie không hề là một món hàng hot, anh sắp 30 tuổi, mới “trỗi dậy” một mùa, và có tiền sử chấn thương dai dẳng. Old Trafford là đích đến tốt nhất cho anh, khi quãng đường đỉnh cao không còn dài, để tìm kiếm vinh quang. Rõ ràng, với việc đến MU – một thương hiệu bóng đá top đầu, bản thân Persie đã tự nâng tầm giá trị của mình, chỉ với một năm đóng vai chính trong chức vô địch Premier League của Quỷ đỏ, thậm chí còn ghi bàn vào lưới Arsenal. Và đây cũng lại là một điều xui xẻo cho anh, khiến anh càng bị căm ghét, trong khi những Nasri, Clichy thì chìm vào quên lãng, họ không thành người hùng ngay khi đến Man City, cũng chẳng làm được gì khi gặp lại đội bóng cũ. Người ta chẳng cần biết Nasri đã có thái độ thế nào, ham mê quyền lợi ra sao, người ta đã có Van Persie để dồn hết những lời chỉ trích.
Fabregas hầu như đứng ngoài tất cả những lôi thôi kiểu ấy. Anh đến một nơi nghe chừng còn tươi sáng hơn Van Persie, cơ hội về tiền bạc và các danh hiệu còn rõ rệt hơn, song điệp khúc “đứa con lưu lạc” đầy tình cảm đã xóa tan những sự thật ấy. Đương nhiên, ở Barca, Fabregas khó làm tổn hại gì đến Arsenal được, người ta rộng lượng chúc anh chơi tốt, cũng na ná như Alex Song. Tuy thế, giấc mơ thăng hoa ở Nou Camp của cả hai cầu thủ này có vẻ không được mỹ mãn như tưởng tượng. Fabregas không thể trở thành trụ cột đúng nghĩa ở Nou Camp, giờ đây phải rời đi khi tikitaka suy thoái, còn Song đến chỉ để sống kiếp người thừa.
“Mái nhà xưa” ấy trách Fabregas phong độ không đáp ứng được yêu cầu, không có vẻ gì tiếc nuối anh, còn bản thân Fabregas thì chẳng nghĩ ngợi gì, háo hức về với Chelsea – đối thủ trực tiếp cùng thành phố của Arsenal. Người đội trưởng năm nào giờ cũng đã có một quyết định hoàn toàn vì sự nghiệp, thẳng thắn, và không bao biện bằng lý do dễ nghe nào nữa.
Họ đâu có xấu?
Đời cầu thủ đâu có dài, những đội bóng lớn đâu có nhiều, những cơ hội về tài chính và danh vị đâu phải lúc nào cũng đến. Nói đơn giản, họ cũng như chúng ta, luôn tìm đến những môi trường tốt nhất để phát triển bản thân, để tìm thấy chỗ đứng, thành quả cho nghề nghiệp của mình. Liệu có bao nhiêu người làm việc mãi ở một nơi chỉ vì tình cảm, khi có những thứ tốt hơn ngoài kia đang vẫy gọi? Có những người như thế, họ thật đáng trân trọng, nhưng chẳng thể bắt ai cũng phải như vậy được.
Mục đích ra đi của những cầu thủ có đẳng cấp trong một đội bóng chưa đủ tiềm lực không có gì xấu xa hay bí ẩn cả. Họ chỉ muốn làm việc của mình, muốn đón nhận những thử thách và tiếp cận những nấc thang cao nhất có thể trong bóng đá – thứ họ đam mê và sống vì nó. Họ đá hay và thành công ở đâu đó thì cũng vì muốn khẳng định mình, muốn đóng góp hết sức cho tập thể mà họ khoác áo, chứ không phải để gây hại cho đội bóng cũ hay cái gì tương tự. Ở bất cứ ngành nghề nào, người ta cũng sẽ gọi đó là sự chuyên nghiệp.
Bóng đá thì có chút đặc biệt. Mỗi quyết định của một cá nhân đều được dõi theo bởi hàng trăm triệu người, nên đừng hỏi tại sao nó không bao giờ êm đềm và nhẹ nhõm. Áp lực ấy cũng là một thứ vật cản vô hình đối với nhiều cầu thủ, nhưng đa số họ đều sẽ quen với nó, và vẫn hành động như một người đàn ông tự chủ đã trưởng thành. Tình yêu luôn cần sự chung thủy, sự tôn trọng, và có thể là rất nhiều sự kiên trì, chịu đựng, chấp nhận nữa. Nhưng, khó có tình yêu hạnh phúc mãi mãi giữa những người không cùng tư tưởng sống, luôn hướng về những thứ khác nhau. Dù sao, mỗi người đều có quyền lựa chọn, là một huyền thoại về lòng trung thành, hoặc đuổi theo những giấc mơ trong lòng nung nấu, chẳng cái nào sai, đó là lựa chọn. Và một khi đã lựa chọn rồi, phải đối mặt với những luồng ý kiến trái ngược cũng là hiện tượng bình thường, tất lẽ mà thôi.
Theo Bongda