Thứ Năm, 21/11/2024Mới nhất
Zalo

TTCN Premiership sau 2 tuần mở cửa: Thua người, thua mình

Thứ Ba 14/07/2009 09:05(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Ngày này năm trước, Premiership xôn xao chờ đón những thương vụ cỡ bự như Robinho (Real Madrid), Kaka (AC Milan) hay Berbatov (Tottenham).

Đầu tháng 09/2008, số liệu thống kê chỉ ra rằng Premiership chi tới 614,6 triệu euro vào thị trường chuyển nhượng (TTCN). Nhưng một năm sau, bao phủ Premiership chỉ là bầu không khí im ắng.

Premiership < Real Madrid

32 ngày trước khi Premiership 2009/10 khai cuộc, các CLB Premiership vẫn hăng hái… hỏi “hàng”. Nhưng chỉ hỏi là chính. Tổng cộng, sau hai tuần TTCN mở cửa, 20 CLB Premiership mới chi 150 triệu bảng, nghĩa là chưa bằng riêng Real Madrid (khoảng 180 triệu bảng).

Rạch ròi hơn, 150 triệu bảng chỉ nhiều hơn chút ít so với khoản tiền mà Real Madrid đầu tư vào riêng hai siêu sao Ronaldo (80 triệu) và Kaka (56). Trong khi đó, với 150 triệu bảng, 20 CLB Premiership đã có thêm 54 tân binh, bình quân mỗi vụ chuyển nhượng chỉ đạt khoảng 3 triệu bảng. So sánh những con số với nhau tạo ra một sự khập khiễng quá lớn và nó đủ nói lên chất lượng những vụ tuyển mộ của các CLB Premiership.

Tính đến thời điểm này, TTCN Premiership 2009/10 vẫn chưa chứng kiến bất cứ hợp đồng nào trị giá tới 20 triệu bảng. Ba thương vụ lớn nhất là Zhirkov (Chelsea), Santa Cruz (M.C), Valencia (M.U) cùng tiêu tốn 18 triệu bảng. Kế tiếp mới tới Glen Johnson (Liverpool, 17.5 triệu). Trong khi đó, các phi vụ dưới 1 triệu bảng nhiều vô số và đặc biệt, các hợp đồng đi mượn hoặc đến theo diện chuyển nhượng tự do có xu hướng gia tăng (đây là sự tiếp nối với xu thế đã có từ kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2009).

Điều đáng chú ý là không hẳn Premiership lười hoạt động. Chelsea đã vào cuộc cạnh tranh Ribery, Kaka. M.C liên tục hỏi mua David Villa, Torres, Ribery, Eto’o. Tóm lại là trên lý thuyết, các CLB Premiership nhắm tới rất nhiều “sao”. Nhưng thực tiễn, các hợp đồng lớn đều không đi tới kết cục tích cực. Một phần vì vị thế của Premiership đang giảm (Chelsea, M.U không còn được chuộng nữa, M.C lại “chưa đủ tuổi”), phần khác vì tham vọng của họ cũng cần bị nghi ngờ (cái cách Chelsea nhảy vào “vuốt đuôi” ở vụ Kaka khi mọi chuyện đã xong xuôi khiến người ta không tin họ thật sự muốn mua ngôi sao người Brazil). 

Sir Alex và 3 tân binh Obertan, Owen, Valencia

Chỉ là nhất thời?

Từ nay tới ngày TTCN đóng cửa vẫn còn hơn 1 tháng rưỡi nữa. Vì thế, chưa thể kết luận ngay điều gì. Trong gần 50 ngày cuối cùng, các CLB Premiership vẫn có thể tăng tốc hòng lật lại cán cân, giành ưu thế trở về nước Anh. Nhưng khả năng Premiership xác lập một kỷ lục mới lại không nhiều.

Bởi thực tiễn cho thấy số CLB hội tụ đủ hai yếu tố - muốn mua và có khả năng mua - đếm trên đầu ngón tay. Ngoài M.C, các “đại gia” khác như Arsenal, Chelsea, M.U, Liverpool đều chỉ nhiệt tình ở mức độ vừa phải trong kỳ chuyển nhượng Hè 2009 (thực tế họ đã hạ nhiệt từ mùa Đông 2009 rồi). Một ông vua mua sắm của những năm trước là Tottenham tới thời điểm này vẫn gần như án binh bất động. Còn Portsmouth – kẻ đã khuấy đảo TTCN Hè 2008 bây giờ đang lo trả nợ và thanh lý hơn chục cựu binh vì áp lực tài chính. Ngoài nhóm ấy, phần còn lại của Premiership nếu mua cũng chỉ có những bản hợp đồng nhỏ lẻ là chính.

Điều đáng nói là lực đẩy lớn nhất của TTCN 2009 – M.C tuy thừa tiền song lại thiếu thế. Bởi vậy nên dù sẵn sàng bơm cả núi tiền vào song M.C lại không dễ giải ngân. Premiership vì thế chưa chắc thua người (Liga, Serie A) nhưng thua mình (kỷ lục của chính họ Hè 2008) lại là điều rất khó tránh.

(Theo báo Bóng Đá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X