Thứ Hai, 25/11/2024Mới nhất
Zalo

TTCN mùa hè 2014 đóng cửa: Luật chơi mới đã hình thành

Thứ Tư 03/09/2014 17:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Kể từ khi ra đời (mùa 2011/12), có lẽ đây là khoảng thời gian mà luật Công bằng tài chính thể hiện dấu ấn rõ rệt nhất. Real Madrid mua nhiều nhưng cũng phải bán đi không ít. Những “con ngáo ộp”  như PSG và Man City thì chỉ thực hiện được một vài thương vụ.

MUA NHIỀU, BÁN NHIỀU

Những đội bóng mua cầu thủ tấp nập nhất như Arsenal hay M.U đều làm ăn ra tiền và chưa vung tay quá trán trong những mùa Hè trước. Đến bây giờ thì người ta có lẽ đã hiểu rõ ràng hơn: Luật Công bằng tài chính của UEFA không làm cho thị trường chuyển nhượng kém sôi động mà chỉ đặt ra một luật chơi mới mà thôi.

Manchester United giờ đây đã không còn dè dặt trong khoản thực hiện bom tấn
Manchester United giờ đây đã không còn dè dặt trong khoản thực hiện bom tấn

Premier League đã phá kỷ lục về số tiền chuyển nhượng với hơn 1 tỷ euro. Trong đó cả Arsenal, Liverpool và M.U đều phá kỷ lục chuyển nhượng. Nếu như Arsenal và M.U kiếm được rất nhiều tiền từ nhà tài trợ và bản quyền truyền hình thì Liverpool lại có thêm nguồn thu từ tiền bán Luis Suarez cho Barcelona (81 triệu euro).

Chelsea và Man City không còn dám tất tay trên thị trường chuyển nhượng cũng vì bị vòng kim cô của luật Công bằng tài chính xiết lại. Chelsea mua nhiều cầu thủ chất lượng, chủ yếu vì trước đó họ đã có một món hời mang tên David Luiz, được bán cho Chelsea với giá gần 50 triệu euro. Số tiền mà Chelsea chi trong mùa Hè này (106 triệu euro) không chênh lệch bao nhiêu so với số tiền mà họ thu về từ bán cầu thủ (97 triệu euro). Đấy vừa là dấu ấn của luật, vừa phản ánh cách làm bóng đá căn cơ hơn của Chelsea.

Tương tự, Man City chỉ mang về những cầu thủ họ thật sự cần chứ không còn chuộng bom tấn như trước. Trong danh sách 10 đội bóng shopping mạnh nhất mùa Hè này, Man City không có tên. Real Madrid vẫn giữ vững bản sắc mua ngôi sao của mình. Nhưng bao nhiêu tiền họ đổ ra cho Toni Kroos, Keylor Navas, James Rodriguez, họ cũng tìm cách thu về thông qua việc bán Angel di Maria, Xabi Alonso, Alvaro Morata...

KHÔNG MUA THÌ... MƯỢN

Cái tên Di Maria chính là một minh chứng cực kỳ rõ nét cho luật Công bằng tài chính. Ban đầu ngỡ như anh đã là người của PSG, nhưng chính luật khiến PSG không thể tiếp tục vung tiền sau khi trót mua David Luiz. Thế là phút cuối Di Maria gia nhập Man United. Đến khi đã có Di Maria rồi, chính M.U cũng vướng luật nên buộc phải mượn Radamel Falcao, trên thực tế là mua chậm 1 năm để lách luật. Nhưng đâu có sao. Nhiều hợp đồng được ký theo dạng cho mượn như Real Madrid mượn Chicharito, AC Milan mượn Marco van Ginkel. Nhưng đấy cũng là một dạng... ký gửi để có thể trở thành chính thức sau đây 1 năm.

Một điển hình khác về dấu ấn của luật Công bằng tài chính là Barcelona. Họ dính án cấm chuyển nhượng đến tận tháng 1 năm 2016. Nhưng vì phải tuân thủ luật nên sau khi có Suarez, Barca phải nâng lên hạ xuống rất nhiều ứng viên, rốt cục chỉ dám mua những cái tên có giá vừa phải như Jeremy Mathieu, Thomas Vermaelen, Claudio Bravo hay Douglas. Và để có tiền đề bù vào sự thâm hụt, Barca cũng buộc phải bán đi Alexis Sanchez và Cesc Fabregas.

NGOẠI LỆ MONACO

Một lần nữa, khi tổng kết lại, người ta nhận ra rất rõ là luật của UEFA không hề khiến thị trường chuyển nhượng kém sôi động, nó chỉ buộc các CLB phải cân đối thu chi. Vì thế đội nào bán nhiều cũng sẽ mua nhiều mà Real, Atletico, Liverpool chính là những ví dụ tiêu biểu. Có một đội bóng rất lặng lẽ năm nay dù cách đây 1 năm họ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Đó là Monaco. Một năm sau khi trổ bom tấn cho James Rodriguez, Radamel Falcao, họ đã phải bán 2 ngôi sao này, từ CLB “nhập siêu” trở thành “xuất siêu”. Nhưng đấy không phải là vì luật Công bằng tài chính mà vì các ông chủ của đội bóng này đã lộ bản chất làm ăn không lâu dài. Monaco sau khi mất các ngôi sao sáng nhất, e sẽ trở thành một Malaga của Ligue 1.

Những đại gia mới nổi đã thay đổi
So với năm trước, các đại gia mới nổi như Man City, PSG và đặc biệt là Monaco đã mua sắm hạn chế hơn hẳn. Phần ít vì họ hài lòng với lực lượng hiện tại còn phần nhiều là vì sức ép từ luật Công bằng tài chính.

CON SỐ
134 Ligue 1 là giải đấu chi ít tiền nhất cho chuyển nhượng Hè 2014, với vỏn vẹn 134 triệu euro.
430 Các đội bóng dự Champions League 2014/15 của Premier League đã chi ra 430 triệu euro mùa Hè 2014, chiếm 40% tổng số tiền chuyển nhượng của Premier League.
666 Có tới 666 triệu euro được Premier League ném vào các bản hợp đồng mua cầu thủ từ các giải đấu khác. Con số này của mùa năm ngoái là 616 triệu euro.
1.030 Là tổng số tiền Premier League chi ra trong mùa Hè này, nhiều hơn tổng số tiền chi ra của 3 giải đấu hàng đầu khác là Serie A (323), La Liga (481,8), Ligue I (134) cộng lại.

Ở châu Âu, M.U là vua mua sắm
Sau nhiều năm mua sắm dè xẻn, Man United đã trở thành CLB bạo chi nhất trên thị trường chuyển nhượng Hè 2014. Số tiền mà Quỷ đỏ bỏ ra nhiều hơn 23% so với đội đứng thứ hai là Barcelona. Điều ngạc nhiên là, Liverpool mua sắm nhiều thứ ba, hơn cả ĐKVĐ Champions League, Real Madrid.

Theo Bongdaplus.vn

  

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X