Bầu không khí trước trận derby Manchester đã nóng lên một cách rất… “ảo” . Những yếu tố “thật” có thể tạo ra “chiến tranh thật” thì vẫn im lặng.
1. Một ngày trước trận derby Manchester, chưa có cuộc khẩu chiến nào theo phong cách Alex Ferguson, cũng chưa có lời giễu cợt nào theo kiểu Gary Neville (tân đội trưởng Vidic của M.U vốn không có sở trường về khoản… khích bác). Nhưng cũng không vì thế mà bầu không khí hoàn toàn nguội lạnh.
Cũng đã có chiến tranh tâm lý, nhưng lại xuất phát từ một nhân viên bình thường của Man City, và lại trên chiến trường “ảo” là Internet. Trên địa chỉ facebook của mình, Ged Coyne, một nhân viên quản lý sân City of Manchester đã liên tiếp bôi nhọ M.U bằng những “mỹ từ” như chế tên ông Ferguson thành Ferguscum (từ “scum” là “cặn bã”), gọi Old Trafford là “Nhà hát của những thằng nghiện” cũng như cho đăng lên những bức ảnh bôi nhọ M.U.
Giữa họ, vẫn chưa nổ ra khẩu chiến
BLĐ Man City đã bắt Ged Coyne tạm đóng địa chỉ facebook lại. Nhưng chuyện ngay lập tức trở nên ầm ĩ trên các mặt báo Anh. Một phần bởi Ged Coyne cũng có thể coi là thành viên Man City, đại diện cho tiếng nói của Man City (anh này đã làm việc cho CLB 15 năm). Một phần có lẽ bởi… chẳng có mấy chuyện để nói trước thềm trận đấu này. Một scandal nho nhỏ từ một nhân vật nho nhỏ là quá đủ để làm ầm lên.
2. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển vũ bão, những trận đấu bóng đá không chỉ còn diễn ra trên sân cỏ, trên truyền hình hay trên mặt báo. Internet đã trở thành một chiến trường quan trọng.
Trước trận đấu này, cảnh sát Manchester đã triển khai kế hoạch chống nạn hooligan bằng… Internet. Họ đã xây dựng cả một website cảnh cáo những thành viên quá khích của CĐV hai đội, và sử dụng trang twitter để bắn đi các thông điệp chống hooligan của mình.
Trong một diễn biến khác, Man City đang gấp rút xây dựng một ứng dụng cho thương hiệu điện thoại thời thượng iPhone. Ứng dụng này sẽ giúp những người dùng iPhone có thể cập nhật kết quả, thống kê và video của các trận đấu có mặt Man City trong trường hợp họ không thể đến sân.
Và quan trọng nhất vẫn là việc sử dụng Internet như một phương thức truyền tải quan điểm. Anh nhân viên Ged Coyne chỉ là người mới nhất dùng Internet để chửi bới đối phương. Mới đây, Ryan Babel của Liverpool đã bị FA phạt tiền vì tội bôi nhọ trọng tài Howard Webb trên trang cá nhân, và trước đó làng cầu nước Anh cũng đã một loạt vụ lùm xùm trên mạng khác.
Không thể nói rằng những gì đang diễn ra trên chiến trường “ảo” không có tác động lên đời sống thật. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng giữa “ảo” và “thật” vẫn còn có khoảng cách.
3. Cuộc khẩu chiến mà Ged Coyne phát động vẫn “ảo”, bởi nó diễn ra trên Internet, và nó chỉ được tạo ra bởi một nhân vật có vị trí là con số 0 trong cuộc chiến thật. Ged Coyne thật ra chỉ bày tỏ quan điểm với tư cách một CĐV Man City, chẳng qua anh “trót” là nhân viên của CLB này nên mới sinh chuyện.
Cuộc chiến chống hooligan bằng website của cảnh sát Manchester vẫn “ảo”, bởi những thông điệp họ đưa ra có lan rộng mấy thì cũng chỉ là nói suông. Phải nhớ lại rằng trước trận M.U - Liverpool, chính đội ngũ cảnh sát này đã cuống quít thế nào, phải chuẩn bị quá nhiều phương án và tăng cường lực lượng ra sao, mới thấy được sự khác biệt giữa “ảo” và “thật”. Thậm chí người dân Manchester còn có ý kiến cho rằng, xây dựng website như thế là “phí phạm tiền thuế của nhân dân”.
Và có lẽ 90 phút sắp tới, Old Trafford sẽ phải chứng kiến một trận cầu vô cùng kinh điển thì người ta mới dám thừa nhận: “Đây là một trận derby đẳng cấp… thật!”.
(Theo báo Bóng Đá)