Bảy năm trước, Arsenal còn lên ngôi ở Premier League bằng phong cách bất bại vô tiền khoáng hậu. Đó là khi vẻ đẹp trong lối chơi được tôn lên hoàn hảo bằng vinh quang. Giờ đây, chuyến đi tới Old Trafford không còn được xưng tụng là màn thách thức sớm cho cuộc đua, là hồi 1 của trận chiến dài kỳ chinh phục đỉnh cao nữa. Chỉ còn một câu hỏi: Phải chăng, sẽ thêm một lời khẳng định cho “cái chết” của “Các Pháo thủ”?
Hình ảnh đối đầu Sir Alex Ferguson - Arsene Wenger đã là bức họa chung cho cả Premier League. Nhưng dường như, nó thực sự đã là lịch sử. Sau mùa giải lộng lẫy 2003-2004, Arsenal trắng tay đến tận ngày nay mà nếu cố vớt vát thêm chút thống kê cũng chỉ có danh hiệu FA Cup năm 2005. Nghiêm trọng hơn, vị thế ở Premier League của “Các Pháo thủ” sa sút dần. Từ vai trò “song mã” cùng M.U, đã 5/6 mùa gần đây, Arsenal phải tìm đường dự Champions League qua cửa sơ loại.
Và “Giáo sư” Wenger đang đứng trước bài kiểm tra khắc nghiệt nhất trong 15 năm dẫn dắt đội bóng. Trong một tuần lễ cuối tháng 8 này là đụng độ Udinese và chạm trán M.U trên sân cỏ, cùng những bản hợp đồng chuyển nhượng để gia cố cho đội hình đang bị xé nát bởi chấn thương và những lời chia tay, một đội hình bị coi là yếu nhất dưới thời ông. Nếu thất bại trên tất cả phương diện, sẽ không quá sớm để nhận định rằng đây là mùa giải chứng kiến đại gia Arsenal “qua đời”.
Ngôi nhà không nóc
Một mùa giải không thành công, có thể đổ lỗi cho thiếu may mắn. Hai mùa giải thất bại, lời bào chữa thiếu thuyết phục đi chút ít. Nhưng khi mọi thứ vẫn kéo dài năm này qua năm khác, kiên nhẫn đến mấy cũng cạn kiệt.
Arsene Wenger đang đối mặt với một mùa giải hết sức khó khăn
Các cổ động viên Arsenal từng có niềm tin kiên định: “In Arsene we trust”. Song giờ đây, họ đang cay đắng cảm nhận rằng: “In Arsene, we rust” (chúng ta đang chết dần chết mòn). Với những gì Wenger đã cống hiến, chưa đến mức các khán đài vang tiếng hô đòi ông ra đi. Nhưng có thể thấy được sự chán chường đang tràn ngập Emirates.
Thất bại 0-2 trước Liverpool cuối tuần qua là một bài học cho Arsenal. Đã 11 năm nay, họ mới thua trên sân nhà trước đối thủ này. Liverpool là đại gia đã “chết”, nhưng đang hồi sinh mạnh mẽ bằng cả trăm triệu bảng mà ông chủ Mỹ mới đã bơm vào. Còn Arsenal, họ giống như một con bệnh “mãn tính”, ngoắc ngoải.
Mua 2,3 cầu thủ “hàng thật, giá thật” trong cảnh chợ chiều này? Có thể những chỉ trích từ người hâm mộ sẽ dịu bớt. Nhưng kể cả trong trường hợp Wenger chịu xuống thang như vậy, đó cũng là kiểu vá víu tạm thời và chưa chắc hiệu quả bởi chưa cần bàn đến giá cả, những gương mặt chất lượng cao, thích hợp lúc này chẳng còn nhiều. Cũng sẽ chỉ như là một liều morphin giảm đau. Arsenal cần “điều trị” mạnh hơn nếu muốn tìm lại nụ cười.
Người cần “phẫu thuật” nhất phải chăng chính là Wenger? Không ai có thể phủ nhận, ông là một HLV tài năng. Từ gương mặt vô danh, Wenger đã trở thành một ông thầy đáng kính trọng. Ông xây dựng nên phong cách của riêng mình, biến Arsenal thành “đại gia” mà không cần vung tiền mạnh mẽ. Ông đưa CLB vượt qua những ngày tháng gian khó mà vẫn đầy thành công khi phải tằn tiệm xây Emirates. Wenger là mẫu HLV mà các ban lãnh đạo “yêu” nhất: Tiết kiệm được chi tiêu mà vẫn đá đẹp, vẫn gặt hái vinh quang. Chỉ có điều, mọi thứ đều đã thay đổi. Cuộc chơi ở Premier League ngày càng không còn chỗ cho những hầu bao thắt chặt. Sự sa sút của Arsenal bắt đầu khi Chelsea trỗi dậy cùng Roman Abramovich. Và giờ cuộc cạnh tranh còn khốc liệt hơn với Man. City lắm tiền nhiều của.
Không thể dựa mãi vào “trẻ, rẻ”. Không thể cứ mỗi mùa lại tuyên bố đầy tự tin và kết thúc bằng bào chữa rằng thế hệ này chưa trưởng thành, non kinh nghiệm, cần thêm thời gian. Đúng là cùng thời gian, Arsenal luôn tạo ra được những ngôi sao đích thực. Chỉ có điều khi đã “chín”, họ lại ra đi như Cesc Fabregas và sắp sửa là Samir Nasri. Khó có thể trách họ. Vấn đề nằm ở chỗ Arsenal không có một kế hoạch về dài hạn. Người ta không còn thấy Wenger tạo dựng được một bộ khung vững chắc như trước đây. Một ngôi nhà mãi chỉ chăm chút nền tảng mà thiếu “thượng tầng” như Emirates, trống vắng những chiếc cúp là điều không khó lí giải.
Hãy là một tướng quân!
Ngày càng hay bắt gặp hình ảnh Wenger giấu mặt trong hai tay khi chứng kiến các học trò kém cỏi trên sân cỏ. Khuôn mặt ông cũng ngày càng hốc hác. Ông luôn đón nhận thất bại theo cách như vậy, như thể đó là lỗi lầm của riêng mình.
Ông luôn đơn độc làm mọi thứ như vậy. Từ ngắm nghía các tài năng trẻ, tuyển chọn, định giá, đàm phán thương lượng, đào tạo, huấn luyện. Không có chức danh Giám đốc thể thao ở Arsenal. Một mình Wenger kiêm tất cả. Đó là một việc ôm đồm quá nhiều. Những HLV khác không “tham” như vậy. Họ nêu ra danh sách các cầu thủ cần có, và các Giám đốc thể thao sẽ đi lo liệu. Hệ thống tìm kiếm “ngọc thô”, đào tạo trẻ cũng có chuyên gia riêng phụ trách.
Wenger đang giống như một ông thầy đích thực, miệt mài lo lắng đào tạo những học trò non nớt. Nhưng, “Các Pháo thủ” lúc này cần một “tướng quân” hơn một “giáo sư”, cần một người biết nói với ban lãnh đạo nhiều câu: “Tôi muốn cầu thủ này” hơn là băn khoăn chuyện giá cả đắt rẻ.
Tái ngộ Sir Alex, có thể Wenger sẽ phải nhận một bài học nữa. M.U cũng đầy ắp sức trẻ (đội hình xuất phát trận thắng Tottenham 3-0 vừa qua chỉ có độ tuổi trung bình là 23,1). Nhưng đó là thế hệ đã mở màn mùa giải bằng hai trận thắng, là lực lượng đang được đánh giá như ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch. Sir Alex cũng rất chú trọng đào tạo trẻ, song chú trọng không kém về quá trình chuyển giao. Luôn có sự hòa trộn mà những trụ cột giàu kinh nghiệm sẽ dìu dắt “đàn em”. Thế hệ vàng 1995-1996 của Beckham, Scholes, Butt... gắn kết cùng những Schmeichel, Bruce, Cantona. Thế hệ hiện nay còn trẻ hóa hơn khi “đàn anh” gạo cội như Rooney mới 25 tuổi.
Dòng chảy liên tục đó giúp M.U hiếm khi bị đứt gãy, giúp Sir Alex luôn ngạo nghễ thách thức phần còn lại. Đã một thời, Wenger là đối trọng duy nhất. Nhưng giờ đây, ông đang cô độc cùng một Arsenal vụn vỡ. Liệu có thay đổi được viễn cảnh u ám khi mùa giải mới chỉ bắt đầu? Hơn ai hết, chính Wenger cần thay đổi.