Thứ Năm, 18/04/2024Mới nhất
Zalo

Trong thế giới của những "tay cò"

Thứ Sáu 11/07/2008 08:45(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Họ có mặt ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới, nơi nào có bóng đá là họ xuất hiện. Họ đứng đằng sau các hợp đồng mua bán cầu thủ. Một cách sang trọng, người ta có thể gọi họ bằng danh từ: người đại diện! Dễ hiểu hơn, họ là những tay “Cò”…

Từ “siêu đại diện”…

Trong thế giới của những người đại diện cũng được phân chia thành các đẳng cấp khác nhau. Những tay cò có “số má” thường chỉ làm việc 4 tháng trong 1 năm. 3 tháng kỳ chuyển nhượng mùa hè và 1 tháng mùa đông. Họ di chuyển nhiều nơi trên thế giới trên các chuyến bay hạng sang, ăn tối ở khách sạn nổi tiếng và… khua 3 tấc lưỡi. Trên bàn, bày la liệt máy di động, sổ tay, lịch trình làm việc, sôcôla và xì gà hảo hạng. Ở đâu có bóng dáng họ là nơi đó sắp có “động đất”.

Jorge Mendes hay Zahavi là những cái tên tiêu biểu cho thế giới “siêu cò”. Nghe đến 2 cái tên này thì đến cả FIFA là cơ quan quản lý họ cũng phải lắc đầu ngao ngán. Không ít lần họ đưa những người đứng đầu bóng đá thế giới vào thế việt vị, khi “lách” qua hàng rào luật lệ vốn rất chặt chẽ của FIFA.

Tay cò khét tiếng Jorge Mendes cùng một thân chủ quá nổi tiếng, Cristiano Ronaldo

Người ta thống kê rằng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm 2007, Premiership nêu kỷ lục với tổng số tiền mua bán cầu thủ lên tới hơn 500 triệu bảng. Thật đáng nể nếu biết rằng 46% giá trị của hợp đồng ấy thông qua công ty mang Global Sport Agency (GSA) của Jorge Mendes và Zahavi! 2 tay “siêu đại diện” này cũng từng khiến LĐ bóng đá Anh phải làm lại luật, sau khi họ cùng với công ty MSI của Kia Joorabchian đưa Tevez và Mascherano tới xứ sương mù. Không chỉ dừng lại ở việc môi giới cầu thủ, Zahavi còn “se duyên” thành công để Abramovich mua Chelsea, Gaydamak sở hữu Portsmouth…

Có một phương châm hành nghề sống còn của các “siêu đại diện” là họ không bao giờ để thân chủ ở yên một chỗ. Đơn giản, nếu cầu thủ chuyển càng nhiều CLB, người đại diện càng vớ bẫm. Ví như trong vụ Anderson tới M.U, Jorge Mendes đút túi 20% giá trị hợp đồng (khoảng 4 triệu bảng). Hay như khi Yakubu rời Portsmouth gia nhập Middlesbrough, Zahavi làm ngay 3 triệu bảng, dù cái giá của cầu thủ người Ghana chỉ là 7 triệu bảng…Bởi thế, chẳng có gì là ngạc nhiên nếu nơi nào những tay “siêu đại diện” xuất hiện, ở đó phải sống trong sợ hãi!

…Tới những kẻ “buôn người”!

Cùng reo rắc nỗi sợ hãi, nhưng “cò” ở đẳng cấp “bình dân” gây ra nhiều bi kịch bởi lòng tham và mánh khóe lưu manh. Họ thường xuất hiện ở các nước kém phát triển, đặc biệt là châu Phi. Bằng lời có cánh, các tay đại diện này thuyết phục gia đình những cậu nhóc có chút năng khiếu bóng đá thu vén tài sản để cho con sang châu Âu tìm vận may. Viễn cảnh được chơi bóng ở các CLB hàng đầu châu Âu như Manchester Utd, Barca hay AC Milan khiến các nạn nhân mờ mắt.

Thường thì các tay “cò bình dân” gom một lúc cả trăm cầu thủ cho mỗi chuyến sang châu Âu hoặc Trung Đông. Tuy nhiên, số người được nhận thử việc và trụ lại các CLB chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người bị loại phải nhanh chóng quên đi giấc mơ để lao vào cuộc mưu sinh ở đất khách quê người bằng mọi giá. May mắn thì họ kiếm được một số tiền để hồi hương, bằng không để tồn tại họ có thể rơi vào con đường tội lỗi.

Lợi nhuận thu được từ việc đưa những cầu thủ tiềm năng sang châu Âu là rất lớn, nên các tay “cò” sẵn sàng… dùng cả súng! Nghị sĩ Bỉ Jean-Marie Dedecker, người từng tham gia điều tra 442 trường hợp buôn cầu thủ Nigeria sang Bỉ cho biết: “Người ta doạ giết tôi nếu tôi sang Nigeria để điều tra. Các CLB và giới chức chính phủ đều không muốn can thiệp vào vấn nạn này. Những tay “cò” luôn xuất hiện ở khu vực VIP trên các sân bóng”.

Theo những thống kê của các tờ báo Anh, trung bình một tay “cò bình dân” trong suốt sự nghiệp đưa tới vài ngàn cầu thủ dạng tiềm năng xuất ngoại. Moussa Ndiaye, một viên chức của LĐBĐ Senegal tâm sự: “Những cầu thủ ở đất nước tôi có giá rất rẻ mạt. Cứ 100 trường hợp sang châu Âu, chỉ có 1, 2 cầu thủ đạt yêu cầu của các CLB. Số còn lại bị các đại diện bỏ rơi trên đất khách”.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cũng từng lên tiếng trước tệ nạn nhức nhối do những tay “cò bình dân” gây ra và chỉ trích các CLB châu Âu vô tình tiếp tay cho nạn buôn bán cầu thủ. Thế nhưng, cho tới khi nào FIFA chưa tìm được các chế tài hiệu quả để ngăn chặn, các vụ “buôn người” sẽ vẫn tiếp tục!

(Theo Báo Bóng đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X