Jose Mourinho đã gặp chút rắc rối với giới truyền thông khi lỡ miệng bình luận về các tiền đạo bất lực ở Chelsea trong một sự kiện không chính thức và bị báo chí Pháp chộp được.
“Tôi có một đội bóng nhưng không có tiền đạo nào”, ông nói. “Vấn đề ở Chelsea là chúng tôi thiếu một tay săn bàn. Tôi có một người như thế (Samuel Eto’o), nhưng anh ta đã 32 tuổi, có thể là đã 35, ai mà biết được?”. Phát biểu không chính thức đó được đưa ra (bằng tiếng Pháp) với ông chủ hãng sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Hublot. Mourinho có vẻ không biết rằng lúc đó đài truyền hình Pháp Canal Plus đã bắt đầu bấm máy. Họ định phỏng vấn ông sau đó và muốn lấy vài cảnh nền trước.
Nhưng thay vì vậy, họ đã có một câu chuyện lớn: Mourinho nói thật những gì ông nghĩ, xem thường Fernando Torres và Demba Ba, đồng thời gần như xúc phạm Eto’o. “Tôi cho rằng quý vị phải thấy xấu hổ với tư cách nghề báo của mình”, Mourinho nói khi được hỏi về việc ông lỡ lời ở cuộc họp báo tiếp theo. “Ghi hình một cuộc đối thoại riêng tư rồi đăng công khai cho dư luận... từ quan điểm đạo đức, thật đáng hổ thẹn”.
Chua ngoa đanh đá
Mourinho nhanh chóng khẳng định mối quan hệ “chặt chẽ và nồng ấm” của ông với Eto’o, chỉ ra rằng cầu thủ người Cameroon là một trong số ít người ông đã mua lại sau khi chuyển qua một CLB khác (những người kia là Michael Essien, Ricardo Carvalho và Paulo Ferreira). Hơn thế, Mourinho từng đề cập tới việc Chelsea thiếu hỏa lực trước kia. Thứ Bảy trước nữa, sau khi mất 93 phút mới ghi được bàn vào lưới Everton ở Stamford Bridge, ông đã thừa nhận “rõ ràng chúng tôi có một số hạn chế”.
Nhưng điều khiến Mourinho thấy tổn thương là truyền thông, đầu tiên là ở Pháp, rồi sau đó là khắp châu Âu, đã quá nhanh nhẹn và háo hức khai thác những lời nói hớ, nhưng có lẽ đó là những suy nghĩ thật của ông, cho thấy Mourinho không hẳn là luôn bảo vệ cầu thủ của mình khi trao đổi với những người lạ.
Những ồn ào thêm lan rộng bởi cuộc leo thang trước đó của Mourinho chỉ trích hết HLV đối thủ này tới HLV đối thủ khác, “chiến tranh tâm lý”, như báo chí vẫn gọi.
Đầu tiên ông nhắm vào Manuel Pellegrini. HLV Manchester City nói sau trận thua 0-1 ở Etihad dưới tay Chelsea rằng Chelsea là “đội bóng đã chi nhiều tiền nhất năm nay”. Đáp lại, Mourinho đặt câu hỏi liệu Pellegrini, một kỹ sư dân dụng có bằng cấp danh giá, có cần sắm một chiếc máy tính hay không. Ông nhắc lại chi tiết những khoản thu chi của Chelsea: “55 (triệu bảng thu về) trừ đi 32 (triệu bảng chi ra) bằng 23. Vậy Chelsea trong mùa chuyển nhượng đã thu về 23 triệu bảng”.
4 ngày sau đó, ông phản ứng lại một bình luận của Wenger rằng các HLV ở các CLB hàng đầu hạ thấp cơ hội vô địch của họ vì “sợ thất bại”. Mourinho gọi đồng nghiệp người Pháp là “một chuyên gia thất bại” sau 8 mùa giải không danh hiệu. Đó là câu trả lời rất chua ngoa, một cú đấm dưới thắt lưng với Wenger. “Tôi xấu hổ thay cho ông ta”, HLV Arsenal đáp lại đám nhà báo đang hứng từng lời. “Tôi còn thất vọng cho Chelsea hơn là cho tôi. Tôi không muốn nói gì về những bình luận ngu ngốc thiếu tôn trọng đó”.
Nhưng có hiệu quả?
Trong cả 2 ví dụ trên, Mourinho phản ứng lại bình luận của các HLV khác. Trong trường hợp Pellegrini, ông thậm chí không đợi câu hỏi “mồi” đầu tiên từ truyền thông như trong các cuộc họp báo thông thường, nói thẳng rằng ông từng thành công ở Real Madrid (còn Pellegrini thì không).
Mourinho “rất ưa thích vai trò cửa dưới”, phóng viên Nooruddean Choudry của Mirror Football viết. “HLV người Bồ có vẻ như mắc chứng rối loạn nhân cách trong thực tế khi thổi bùng những tuyên bố mơ hồ nhất thành những vấn đề cá nhân. Sự căm ghét khiến ông có thêm động lực và quyết tâm”.
Nhưng điều đó có hiệu quả? Alex Ferguson từng được coi là bậc thầy về tâm lý chiến, và nhiều danh hiệu của ông được coi là bằng chứng về nghệ thuật dẫn dắt truyền thông. Nổi tiếng nhất là với Kevin Keegan năm 1996, nhưng như Rory Smith bình luận trên ESPN, “Newcastle trước đó vốn đã thua 3 trận. Sự sụp đổ đã diễn ra từ trước khi HLV người Scotland mở miệng”.
Một ví dụ khác là với Rafa Benitez vào tháng 1/2009. Ferguson nói Liverpool có thể để mất ngôi đầu bảng và Man United “có lợi thế nhờ lịch thi đấu ở Premier League”. Benitez đáp lại với một bài chỉ trích 5 phút đồng hồ về thái độ kẻ cả của Ferguson, về các trọng tài và trò tâm lý chiến. Man United quả thật đã giành chức vô địch, nhưng chắc chắn không phải bởi những lời qua tiếng lại giữa họ. Những gì Benitez nói, tuy khó nghe, diễn ra trong tâm trạng hoàn toàn bình tĩnh. Liverpool đã thắng 12 trong 18 trận còn lại của họ, nhưng Man United đã chơi gần như hoàn hảo, kiếm được 22 từ 24 điểm tối đa ở 8 lượt cuối cùng.
Lời nói gió bay
Ferguson và Mourinho đều là những HLV thành công vang dội, và đều được coi là những bậc thầy về phát ngôn, nhưng những khẩu súng nâng cao nòng có thể bắn ngược lại người cầm súng. Đáng nhắc lại rằng Chelsea đã thua trận đầu tiên của họ sau khi Mourinho nhắc Pellegrini mua máy tính và gọi Wenger là “chuyên gia thất bại”, thất bại trước Man City ở Cúp FA. Đó có thể không phải là mục tiêu chính mùa này của HLV người Bồ, nhưng ông rõ ràng rất thất vọng với màn trình diễn nhạt nhòa của Chelsea.
Thật ra, từ khi Mourinho móc máy Pellegrini, Chelsea chỉ thắng 2 trong 6 trận, nhờ vào bàn thắng muộn trước Everton. Và chuyện này từng có tiền lệ: Chelsea thua liền 2 trận sau khi Mourinho gọi Wenger là “kẻ nhìn trộm” năm 2005, trong khi Arsenal thắng 6 trận liên tiếp.
Hơn nữa, khi phản ứng thái quá trước nhận xét của các HLV khác, Mourinho gặp rủi ro bị coi là kẻ nhỏ mọn xấu xa, dù cho truyền thông có háo hức với những cuộc khẩu chiến bao nhiêu đi nữa. “Tôi chỉ trả lời một lần với Mourinho vì nếu bạn cứ im lặng mãi, có vẻ như bạn cũng đồng ý với những gì ông ta nói”, Pellegrini từng nói. “Nhưng chỉ một lần tôi lên tiếng, tôi sẽ không tiếp tục nói về chuyện này hàng tuần, vì với tôi chúng chẳng quan trọng gì”. “Tôi không nói về ông ta ở tất cả những cuộc họp báo của mình vì tôi chẳng còn gì để nói”, Wenger cũng từng phát biểu. “Hãy tập trung vào những gì xứng đáng, vào bóng đá”.
Mourinho làm HLV bóng đá là để giành danh hiệu, chứ không phải tìm bạn bè, và dù nói ông là “người hạnh phúc” khi được trở lại Chelsea, ông sẵn lòng gây sự và bị căm ghét: “Tôi tin rằng rốt cuộc tôi sẽ bị coi là kẻ không lịch sự, kẻ đi gây chuyện với những lời lẽ khiêu khích”. Nhưng nhờ thế, ông có thể thu hút sự chú ý ra khỏi các cầu thủ của mình.
Điều đó đúng trong nhiệm kỳ thứ nhất của ông ở Chelsea, và càng đúng hơn hiện giờ khi ông có trong tay một đội bóng khá trẻ trung, “những chú ngựa nhỏ”, trong cuộc đua vô địch. “Tôi không thích trò đạo đức giả, và tôi không nói những điều đúng đắn về mặt chính trị”, Mourinho nói. “Nhưng giống như tôi không chơi trò đạo đức giả, tôi cũng không chơi trò khẩu chiến. Tôi chỉ nói những gì tôi phải nói và nếu mọi người cho đó là trò tâm lý, cũng chẳng sao”.
Mùa giải này đã diễn ra không tồi với ông: Chelsea dẫn đầu Premier League với thành tích phòng ngự tốt nhất giải và sau trận hòa ở Galatasaray, The Blues có thể là đội Anh duy nhất chơi ở tứ kết Champions League. Cả Eto’o và Ba đều bác bỏ việc họ bị ảnh hưởng bởi những bình luận sau cánh gà của Mourinho. Torres không nói gì, nhưng đã ghi bàn thứ 4 trong 5 trận ở châu Âu mùa này.
Truyền thông vẫn sẽ hy vọng Mourinho sẽ còn phát biểu nhiều, ít ra là trong các buổi họp báo công khai. Thật đáng tiếc cho báo chí nếu như cá tính của ông cũng bị dẫn đường bởi những điều đúng đắn vô thưởng vô phạt như các HLV khác. Ông chắc chắn sẽ không phải là người đầu tiên cấm cửa báo chí, thậm chí không phải là người đầu tiên mùa này: HLV Juventus Antonio Conte đã ban bố luật omertà với truyền thống Ý, ông không nói một lời nào nữa với báo chí, nhưng điều đó không ngăn cản “Bà đầm già” tiếp tục bứt xa ở ngôi đầu Serie A.
Xét cho cùng, đó chỉ là những lời nói, mà lời nói thì gió bay.
Theo Thể Thao Văn Hoá