Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Trở lực Wenger

Thứ Bảy 12/07/2008 08:30(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Hôm qua là một ngày đáng nhớ với Arsenal. Bởi mục tiêu dài hạn Samir Nasri đã chính thức trở thành một Pháo thủ. Nhưng thay vì nhắc tới Nasri, trên các mặt báo Anh, người ta đồng loạt đặt câu hỏi phải chăng Arsenal đang tụt hậu.

Bán … bán … bán

Có một ý kiến không thể không xem xét. Đó là phát biểu của Paul Parker. Trên tờ The Dailysport, cựu tuyển thủ Anh cho rằng Arsenal đang dần trở thành một CLB chỉ biết bán, bán và bán. Hệ quả tất yếu của nó là Arsenal sẽ bị gạt ra khỏi “chiếu trên”. Top 4 khi ấy sẽ chỉ còn là Top 3?

Trên thực tế, nhận định ấy không quá mới mẻ. Nhưng nói thẳng như Parker thì hơi hiếm. Ít ai nghĩ rằng ở Arsenal, tiếng nói của Wenger không còn nhiều trọng lượng với các học trò. Cũng ít ai quy tội Wenger chính là trở lực ngăn Arsenal phát triển. Nghe hơi nghịch lý nhưng không phải vô lý.


Wenger được ghi công ở Emirates nhờ chính sách mua rẻ, bán đắt. Không một nhà kinh tế nào có thể biến 500.000 bảng (Anelka) thành 23 triệu bảng như Wenger chỉ sau vẻn vẹn 2 năm. Nhưng cái gì thái quá cũng không tốt.

Bởi bóng đá thế kỷ 21 đã khác xa với trước. Không còn những giá trị truyền thống, không còn khái niệm trung thành. Người ta chỉ biết đến tiền và tiền. Nơi đâu thu nhập cao, nơi đó các “sao” tìm đến. Một cầu thủ chỉ vừa chơi tốt 1 mùa như Adebayor đã bị hút sang Barca (hoặc AC Milan). Tương tự là Hleb. Chính những “tấm gương” như vậy đã khiến Arsenal mất hẳn vị thế. Hệ quả của nó là trong khi bán liên tục, Arsenal lại không đủ sức hấp dẫn để mua những tài năng mới. Phải chăng vì thế mà Arsenal đã trắng tay từ năm này sang năm khác?

Đâu là trở lực?

Như đã nói ở trên, Adebayor và Hleb đều muốn đi chỉ sau 1 năm tỏa sáng. Robin van Persie cũng ra điều kiện chỉ gia hạn hợp đồng nếu CLB có tham vọng hơn. Vì sao?

Trước kia, Vieira, Pires, Petit, Henry đều rời Arsenal sau khi đã cống hiến những năm tháng đẹp nhất ở Emirates. Trường hợp của Adebayor và Hleb lại khác hẳn. Họ còn cả tương lai ở phía trước, nhưng họ không chịu dừng lại ở Arsenal vì chính sách cực đoan của Wenger. Giữa thời buổi lạm phát tiền lương, riêng Wenger kiên quyết duy trì cơ cấu 100.000 bảng/tuần. Nó không thể đáp ứng đòi hỏi của Adebayor (đang hưởng 35.000 bảng/tuần), người tin mình phải nhận tương đương Henry khi còn ở CLB này (105.000 bảng/tuần). Ngày đó, Henry chấp nhận chơi tốt từng năm để cải thiện hợp đồng, còn bây giờ Adebayor không nghĩ thế. Tiếc là Wenger không theo kịp suy nghĩ của các học trò.

Người ta vẫn nói Arsenal nghèo nhưng thực tế là BLĐ CLB không “kẹo” quá. Họ vẫn sẵn sàng cung cấp tiền cho Wenger nhưng Giáo sư luôn phớt lờ. Ông muốn một mình đi trên con đường riêng?

Tất nhiên, Arsenal cũng gặp những khó khăn nhất định về kinh tế. Khoản nợ gần 400 triệu bảng đẻ ra lãi suất 20 triệu bảng/năm khiến nguồn tiền bị hạn chế. Song từ ngày Emirates hoàn thành, Arsenal đã bán được 91% khu đất ở sân Highbury cũ, đã tạo doanh thu bán vé cao gấp đôi và tạo ra tổng cộng 200 triệu bảng trong năm ngoái. Những con số ấy cho thấy Arsenal không quá nghèo và thực ra, nếu họ nghèo thật, Arsenal càng không nên đóng cửa với các nhà đầu tư nước ngoài giàu tiềm năng. Làm thế chính là hạn chế cơ hội thành công dù nó phục vụ lợi ích của một nhóm người đang nắm giữ The Gunners.

Năm ngoái, Liverpool chi 27 triệu bảng cho Torres và trả anh mức lương 120.000 bảng/tuần. M.U cũng từ chối bán Ronaldo dù họ có tài năng trẻ Nani. Giả dụ M.U bán Ronaldo (như Arsenal vẫn hay làm thế), liệu họ có một cú đúp Champions League, Premiership? Rồi cả Liverpool nữa, nếu không mạnh tay trả cho Torres, liệu họ có tìm được chân sút ghi trên 20 bàn ngay trong mùa giải Premiership đầu tiên? Những câu hỏi này, xin đặt lên bàn BLĐ Arsenal!

(Theo Báo Bóng đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X