Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Top 10 thương vụ lỗ nhất trong lịch sử Premier League (Phần 2)

Thứ Ba 18/06/2013 16:38(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Trên thị trường chuyển nhượng, chuyện lợi nhuận khi mua sắm cầu thủ không mấy khi được coi trọng, đặc biệt ở những đội bóng lớn. Thông thường quyết định sẽ được đưa ra nếu cầu thủ đó phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển của đội bóng và khả năng tài chính cho phép. Tất nhiên, ai chả muốn gương mặt được đem về sẽ đóng góp nhiều cho đội bóng về mặt chuyên môn, đồng nghĩa nếu có phải bán đi, kiểu gì cũng lãi. Song đâu phải trường hợp nào cũng thành công và việc một cầu thủ thất bại khi khoác áo đội bóng này (nhưng lại toả sáng khi đầu quân cho đội khác) là hết sức bình thường. Tuy nhiên, khó tránh khỏi sự đau xót khi phải đành lòng bán rẻ những "ông sao" từng làm tiêu tốn biết bao tiền bạc (song làm gì có lựa chọn nào khác). Dưới đây là 10 cái tên đã mang về những khoản lỗ khổng lồ cho các CLB Anh "thiếu may mắn"

6. Owen Hargreaves (Bayern-Man Utd-Man City, Giá mua: 17 triệu bảng, Giá bán: 0)

 

Chẳng ai có thể trách cứ Sir Alex khi đặt niềm tin vào Hargreaves bởi làm sao ông có thể ngờ rằng, tiền vệ người Anh lại ốm yếu và "dật dẹo" đến thế. Năm 2007, Hargreaves nổi lên như là một tiền vệ trung tâm sáng giá nhất đảo quốc sương mù nhờ những màn trình diễn ấn tượng ở Bayern Munich (thực ra, Hargreaves sinh ra ở Canada và trưởng thành từ chính lò đào tạo của "Hùm xám" xứ Bavaria). Bởi thế, Man Utd chấp nhận bỏ ra khoản tiền khá lớn để đưa cầu thủ này về cố quốc. Hồi ấy, Hargreaves không phải chưa bao giờ dính chấn thương nhưng chẳng ai nghĩ, sức khoẻ và thể lực của anh lại kém đến thế. Chỉ sau đúng mùa đầu tiên khá lành lặn và cùng đội bóng chinh phục danh hiệu vô địch Premier League 2007-2008, Hargreaves dần trở thành "bạn thân" với giường bệnh hoặc phòng vật lý trị liệu. Trong vòng gần 4 năm trời, Man Utd luôn phải sống trong cảnh kiên nhẫn chờ đợi trong mòn mỏi sự tái xuất của Hargreaves trên sân cỏ. Tính ra, trong ngần đấy năm, tổng số phút tiền vệ này thi đấu ở đội 1 có lẽ không quá nổi thời gian diễn ra một trận đấu (90 phút). Không thể chịu đựng thêm được nữa, Man Utd đã giải phóng tự do cho Hargreaves mà chẳng đòi hỏi sự đền bù nào. Thế nhưng, thật bất ngờ, người hàng xóm đáng ghét của bầy "Quỷ đỏ" đã giang rộng vòng tay yêu thương đón "bệnh binh người Anh", thậm chí còn hùng hồn tuyên bố Hargreaves đã hoàn toàn khoẻ mạnh. Song thực tế, bất chấp đã nổ súng ngay trong trận ra mắt, Hargreaves gần như chẳng có thêm đóng góp gì khác cho Man xanh bởi một lý-do-mà-ai-cũng-hiểu.

7. Jo (CSKA Moscow-Man City-Internacional, Giá mua: 18 triệu bảng, Giá bán: 0)

 

Cho đến giờ, Manchester City vẫn chưa được nhìn nhận là một kẻ khôn ngoan trên TTCN bởi đội bóng này mà cứ mua được ai thì y như rằng cái giá bị đẩy lên rất cao, vượt xa giá trị thực và số người khẳng định được mình hoàn toàn lép vế so với số thất bại. Chân sút mang cái tên ngắn gọn đến từ Brazil, Jo (tên đầy đủ Joao Alves de Assis Silva) là một trường hợp như vậy. Hồi còn thi đấu ở nước Nga trong màu áo CSKA Moscow, Jo không hẳn là một tay săn bàn tồi nhưng 18 triệu bảng vẫn là mức giá trên trời, thể hiện tài thương thuyết siêu đẳng của CSKA và sự "gà mờ" của Man xanh. Không mất nhiều thời gian, Jo chứng tỏ ngay anh chưa đủ trình độ để chơi bóng tại Premier League, nhất là khi mảnh đất này vốn chẳng ưa gì những "vũ công Samba". Sau đúng nửa mùa giải 2008-2009, Jo bị đẩy sang Everton theo diện cho mượn và ở lại vùng Merseyside đến đầu năm 2010. Dù môi trường Everton dễ vẫy vùng hơn nhiều nhưng Jo cũng mau chóng "chìm nghỉm". Ngay cả khi chuyển đến giải VĐQG Thổ Nhĩ Kỳ (đẳng cấp tương đồng với giải VĐQG Nga) thì Jo vẫn tệ hại như thế. Cực chẳng đã, Man City mới phải đưa Jo trở về vì làm gì còn đội nào chịu chứa chấp. Cố gắng lắm, Jo mới loé sáng nổi vài lần ít ỏi khi được ra sân ở các giải cúp trong mùa 2010-2011 nên Man City chẳng còn lưu luyến gì mà không "tặng" Jo miễn phí cho Internacional, một câu lạc bộ ở Brazil.

8. Emmanuel Adebayor (Arsenal-Man City-Tottenham, Giá mua: 25 triệu bảng, Giá bán: 5 triệu bảng)

 

Không giống như Jo, Adebayor cập bến Etihad với bản profile khá đẹp (5 năm kinh nghiệm thi đấu ở Premier League trong màu áo Arsenal và là tiền đạo chủ lực "Pháo thủ" ở thời điểm đó). Do đó, chẳng có gì bất ngờ khi tiền đạo người Togo sớm xác lập được chỗ đứng ở Man City và nổ súng vô cùng đều đặn (hẳn nhiều người, đặc biệt các CĐV Arsenal chưa thể quên chuyện Adebayor đã ngang nhiên ăn mừng trước mặt fan hâm mộ đội bóng thành London sau khi làm tung lưới CLB cũ). Tuy nhiên ánh hào quang chói loà đó không duy trì được bao lâu. Phong độ của Adebayor giảm dần đều nên bước sang mùa giải 2010-2011, khi Roberto Mancini lên thay Mark Hughes và đưa về một loạt tiền đạo mới (Dzeko, Tevez, Balotelli), Adebayor chính thức bị "xoá sổ" khỏi đội hình Man xanh. Song khá bất ngờ, anh lại được Real Madrid lừng danh thu nạp và dù thể hiện tạm được trong nửa mùa chơi bóng tại TBN, Adebayor vẫn phải trở về Man City lúc tình cảm giữa hai bên đã không thể hàn gắn được nữa. Thế là, Adebayor lại phải xách vali "chu du" sang Tottenham theo bản hợp đồng cho mượn kèm thêm điều khoản mua đứt chỉ với mức giá có 5 triệu bảng (đúng là, "đại thiếu gia" có khác, sẵn sàng bán rẻ những cầu thủ không còn được trọng dụng mà không đắn đo nhiều việc lỗ lãi). Nhờ tạo được ấn tượng mạnh và trở thành chân sút chủ lực của Spurs, Adebayor chính thức "dứt tình" với Man City để gia nhập Tottenham. Chỉ có điều, mùa vừa rồi, anh lại chứng tỏ sự phập phù của mình khi thi đấu kém hơn hẳn dù tương lai đã được đảm bảo.

9. Dimitar Berbatov (Tottenham-Man Utd-Fulham, Giá mua: 31 triệu bảng, Giá bán: 5 triệu bảng)

 

Đúng vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng hè 2008, Sir Alex Ferguson đã rất hồ hởi công bố thông tin Man Utd đã giành được quyền sở hữu Berbatov từ Tottenham với mức phí cao ngất nhưng nghe chừng khá xứng đáng với giá trị của sát thủ người Bungari ở thời điểm đó. Berbatov được kỳ vọng sẽ làm hàng công Man Utd thêm hoàn thiện và đa dạng sắc màu bởi anh là mẫu tiền đạo thiên về kỹ thuật. Không phủ nhận sự tinh tế và điệu đà của Berbatov trong các pha xử lý bóng đã làm lối chơi của "Quỷ đỏ" mềm mại, uyển chuyển và quyến rũ hơn nhưng vấn đề lớn nhất của Berbatov là anh hiếm khi lên tiếng ở những trận đấu lớn mà chỉ thích bắt nạt các CLB nhỏ. Thêm vào đó, Berbatov còn kém cỏi một cách khó hiểu ở Champoins League (từng trải qua hơn 2 năm tịt ngòi ở giải đấu này). Một đội bóng như Man Utd làm sao có thể chấp nhận một "ngôi sao tầm thường" như vậy, nhất là khi họ đã phải "hao tiền tốn của" vào Berbatov. Ngay cả trong mùa giải 2010-2011, mặc cho Berbatov đã xuất sắc giành danh hiệu "Vua phá lưới Premier League" và Man Utd đoạt chức vô địch thì anh cũng chẳng được đánh giá cao bằng những người đồng đội như Nani, Wayne Rooney. Bởi thế, sự ra đi của Berbatov là tất yếu và mùa hè 2012, anh chia tay Old Trafford để tới Craven Cottage của Fulham nhỏ bé sau khi Man Utd chấp nhận gánh chịu thiệt hại nặng (nhưng họ cũng chẳng hối hận vì nhờ vào cương quyết loại bỏ Berbatov, Man Utd mới có "chỗ" dành cho Robin Van Persie và sự toả sáng rực rỡ của Percy đã xoá nhoà tất cả).

10. Andriy Shevchenko (AC Milan-Chelsea-Dynamo Kiev, Giá mua: 30 triệu bảng, giá bán: 0)

 

Khi Jose Mourinho "tay bắt mặt mừng" Sheva sau vụ chuyển nhượng lên tới 30 triệu bảng (kỷ lục chuyển nhượng tại Anh thời điểm đó), mọi đối thủ tại Premier League đều phải run sợ, chẳng phải vì tiềm lực tài chính vô biên của The Blues mà bởi lúc ấy, Shevchenko được thừa nhận là một trong những tiền đạo xuất sắc nhất châu Âu. Ấy thế mà, nào ai ngờ, sát thủ một thời tung hoành ngang dọc ở giải đấu Serie A khắc nghiệt trong nhiều năm trời và đã gieo rắc biết bao nỗi ám ảnh cho hàng loạt hàng phòng ngự, lại trở nên quá "lởm" ở đảo quốc sương mù. Ngay cả những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm nhất cũng không thể lý giải nổi sự tụt dốc theo phương thẳng đứng của tay săn bàn người Ukraine. Hai mùa ở Stamford Bridge, Sheva không còn là chính mình và thảm hại một cách đáng thương. Thậm chí, Chelsea còn tạo điều kiện cho Shevcheko tìm lại bản năng bằng cách cho AC Milan mượn lại trong mùa giải 2008-2009 nhưng cũng không thành công. Do vậy, không còn cách nào khác, Chelsea đành để Shevchenko hồi hương tự do và cống hiến nốt những năm cuối đời cầu thủ ở CLB xuất thân Dynamo Kiev.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X