Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Top 10 thương vụ lỗ nhất trong lịch sử Premier League (Phần 1)

Thứ Sáu 14/06/2013 15:12(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Trên thị trường chuyển nhượng, chuyện lợi nhuận khi mua sắm cầu thủ không mấy khi được coi trọng, đặc biệt ở những đội bóng lớn. Thông thường quyết định sẽ được đưa ra nếu cầu thủ đó phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển của đội bóng và khả năng tài chính cho phép. Tất nhiên, ai chả muốn gương mặt được đem về sẽ đóng góp nhiều cho đội bóng về mặt chuyên môn, đồng nghĩa nếu có phải bán đi, kiểu gì cũng lãi. Song đâu phải trường hợp nào cũng thành công và việc một cầu thủ thất bại khi khoác áo đội bóng này (nhưng lại toả sáng khi đầu quân cho đội khác) là hết sức bình thường. Tuy nhiên, khó tránh khỏi sự đau xót khi phải đành lòng bán rẻ những "ông sao" từng làm tiêu tốn biết bao tiền bạc (song làm gì có lựa chọn nào khác). Dưới đây là 10 cái tên đã mang về những khoản lỗ khổng lồ cho các CLB Anh "thiếu may mắn"

1. Shaun Wright-Phillips (Man City-Chelsea-Man City, Giá mua: 21 triệu bảng, Giá bán: 8.5 triệu)

 

Shaun gọi Ian Wright, tay săn bàn xếp thứ 2 trong lịch sử Arsenal sau Thierry Henry, bằng cha dượng. Năm 2005, nhờ tạo được chút ít tiếng tăm ở Man City, tiền vệ sinh năm 1981 này đã có cơ hội trở lại thành phố London thân yêu, nơi anh sinh ra và lớn lên, để đầu quân cho Chelsea. Lúc đó, The Blues vẫn đang trong quá trinh xây dựng đế chế thống trị dưới triều đại Jose Mourinho, lại vừa vô địch Premier League nên ngài chủ tịch Roman Abramovich vẫn vui vẻ cấp tiền cho chiến lược gia người BĐN tiêu xài thoải mái trên TTCN. Chẳng thế hơn 20 triệu bảng đã được ném vào một cầu thủ chưa phải thuộc diện "khủng" (thực ra, những cầu thủ gốc Anh bao lâu nay vốn rất đắt đỏ tại quê nhà). Rốt cục, Shaun hoàn toàn chìm nghỉm tại Stamford Bridge. Anh được Mou sử dụng khá nhiều chứ không đến mức toàn phải mài đũng quần trên băng ghế dự bị nhưng mấy khi "Người đặc biệt" cảm thấy hài lòng. Ấy thế mà, Shaun cũng trụ lại được đến 3 mùa và năm 2008, quay về "chốn xưa" Man City với giá trị chuyển nhượng giảm xuống gần 2/3.  Song tiền vệ này cũng chẳng bao giờ trở thành "sao lớn" và hiện đang khoác áo QPR, đội bóng vừa bị tụt hạng Premier League mùa vừa rồi.

2. Alberto Aquilani (AS Roma-Liverpool-Fiorentina, Giá mua: 20 triệu bảng, Giá bán: 7 triệu bảng)

 

Với vẻ ngoài thư sinh, điển trai cùng phong thái chơi bóng điềm đạm, Aquilani được các CĐV đội bóng thành Rome đặt cho biệt danh "hoàng tử". Thế nhưng chàng "hoàng tử" này chẳng được "thần dân" The Kop nào ngưỡng mộ bởi đơn giản anh quá mờ nhạt. Được Rafa Benitez đưa về nhằm lấp vào chỗ trống do Xabi Alonso để lại (đầu quân cho Real Madrid) song Aquilani không làm sao thích nghi nổi với thứ bóng đá thiên về sức mạnh và hội tụ lắm "đấu sĩ" của Premier League. Ngoài ra, không hiểu có phải do không hợp "thuỷ thổ" mà Aquilani thường xuyên gặp vấn đề về mặt sức khoẻ. Bởi thế, chỉ sau một mùa, Liverpool buộc phải đưa Aquilani trở lại quê hương nhưng vẫn hy vọng tiền vệ này sẽ tìm lại chính mình. Quả thực, Aquilani đã hồi sinh ở thành Turin song anh cũng nhận ra, Serie A mới là giải đấu phù hợp với mình nên không muốn quay về vùng Merseyside. Không thể thuyết phục nổi Aquilani, Liverpool đành phải cho AC Milan mượn đến hết mùa giải 2011-2012 có kèm thêm điều khoản mua đứt. Nhưng cầu thủ 28 tuổi này không được Rossoneri giữ lại nên lần thứ hai phải miễn cưỡng "tái ngộ" Liverpool và dĩ nhiên, The Kop chẳng có thể hứng thú gì nổi với một cầu thủ vừa không tha thiết đội vừa không chứng tỏ được gì nhiều. Bởi vậy, sự chia tay là tất yếu và Liverpool chấp nhận chịu thiệt khi đồng ý bán Aquilani cho Fiorentina với mức giá chỉ 8 triệu bảng, chịu khoản lỗ 12 triệu. Đó là không tính đến khoản trượt giá trong mấy năm qua.

3. Robinho (Real Madrid-Man City-AC Milan, Giá mua: 32.5 triệu bảng, Giá bán: 18.5 triệu bảng)

 

Kể từ ngày rơi vào tay các ông chủ giàu có người Ả Rập, Man City nổi như cồn trong làng bóng đá nhờ độ chịu chơi và không ngừng ném tiền qua cửa sổ chẳng một chút đau xót. Món quà ra mắt các CĐV đội bóng thành Manchester của những tỷ phú Hồi giáo chính là Robinho. Anh đã chính thức gia nhập Man xanh cùng thời điểm Man City công bố việc đổi chủ sở hữu và 32.5 triệu bảng là số tiền đã được chi ra (nhưng chẳng bõ bèn gì so với khối tài sản khổng lồ ước tính lên tới cả trăm tỷ USD của những ông chủ Man City). Song với nhiều chuyên gia, chỉ có những thiếu gia mới nổi như Man City mới dám bỏ ra chừng đó cho một cầu thủ chưa thực sự lên hàng "sao lớn". Tuy nhiên, Robinho cũng sớm chứng minh được năng lực của mình, chỉ có điều phong độ của anh cứ lên xuống thất thường như hình sin (hãy lưu ý một điều, số cầu thủ Brazil thành công ở Premier League vô cùng ít ỏi). Đặc biệt bước sang mùa thứ hai khoác áo Man City (2009-2010), Robinho tụt hẳn xuống đáy, một phần vì chấn thương nặng kéo dài gần 3 tháng và đến kỳ chuyển nhượng giữa mùa, anh nhất quyết đòi ra đi. Cực chẳng đã, Man City đành cho Robinho quay về Santos, nơi anh bắt đầu sự nghiệp tại quê nhà Brazil, đến hết mùa. Ban đầu, Man xanh chỉ coi đó là quãng thời gian nghỉ ngơi thư giãn nhằm giúp Robinho lấy lại thăng bằng nhưng nào ai ngờ, cầu thủ này nhất định không chịu trở lại đội bóng. Biết rằng cố níu kéo cũng bằng thừa, Man City đã phải "cắn rắng" bán Robinho chỉ với mức phí hơn 18 triệu bảng.

4. Hernan Crespo (Inter-Chelsea-Inter, Giá mua: 16.8 triệu bảng, Giá bán: 0)

 

Thời điểm 2003, Crespo nằm trong số những sát thủ giỏi nhất Serie A nhưng các vấn đề về mặt sức khoẻ cũng dần nảy sinh. Tuy nhiên, Claudio Ranieri, một người Italia chính hiệu, dưới sự hậu thuẫn của ngài chủ tịch Roman Abramovich mới vừa thâu tóm Chelsea, vẫn chỉ ra đến gần 17 triệu bảng để đưa chân sút người Argentina tới nước Anh. Crespo đã thi đấu không quá tệ trong năm đầu tiên khoác màu áo Xanh (ghi được tổng cộng 12 bàn) nhưng sau khi Jose Mourinho lên nắm quyền, Crespo trở thành "người thừa" và bị đẩy sang AC Milan. Nhờ phong độ khá ổn tại đội bóng thành Milano cộng thêm tình trạng thiếu hụt tiền đạo "dự phòng", Crespo rốt cục cũng được Mourinho trọng dụng ở mùa bóng 2005-2006. Tuy nhiên, sự lận đận của Crespo ở nước Anh chưa dừng lại ở đây. Bất chấp có không ít đóng góp cho Chelsea trên chặng đường chinh phục danh hiệu vô địch Premier League, Crespo vẫn bị đưa vào diện thanh lý. Do không tìm được người mua thích hợp nên Chelsea hào phóng cho Inter mượn Crespo đến 2 năm và chẳng mảy may nghĩ đến thời hạn của hợp đồng. Kết quả, Crespo trở thành người tự do vào mùa hè năm 2008 và đường hoàng tiếp tục ở lại Inter, làm trò của .... Jose Mourinho. Có lẽ do Chelsea chưa bao giờ phải bận tâm về chuyện tiền nóng nên không nghĩ đến việc gỡ gạc dù chỉ chút ít từ khoản tiền ném vào Crespo.

5. Michael Owen (Real Madrid-Newcastle-Manchester United, Giá mua: 16.8 triệu bảng, Giá bán: 0)

 

Năm 2009, khi Man Utd giang tay chào đón thần đồng một thời của bóng đá Anh, nhiều người đã "sốc" bởi lúc đó, Owen bị liệt vào hàng ngũ "siêu sao hết thời". Chẳng thế mà Newcastle mới tiến hành sa thải Owen chứ không thèm rao bán (nhằm giảm lập tức quỹ lương trong bối cảnh đội bóng gần bị đẩy vào tình trạng phá sản), dù trước đó vài năm, họ đã bỏ ra khoản tiền không nhỏ với một CLB cỡ trung bình ở nước Anh để đưa Owen hồi hương từ "địa ngục" Real Madrid. Thực ra, Owen mà không phải liên tục làm bạn với giường bệnh thì Newcastle đời nào chịu thua thiệt đến mức đó (nếu chịu khó và kiên nhẫn thì chí ít, Newcaslte cũng phải gặt được đôi triệu từ việc bán Owen). Quãng thời gian ở Old Trafford của Owen cũng trôi qua lặng lẽ và hoạ hoằn lắm mới "nổi gió" (như bàn thắng quyết định đúng vào những giây bù giờ cuối cùng, đem về thắng lợi 4-3 cho Man Utd trong trận derby thành Manchester). Tuy nhiên, Sir Alex vẫn cảm thấy hài lòng vì hai điểm. Thứ nhất: họ đâu có tốn xu nào mà vẫn sở hữu một "dự bị hạng sang". Thứ hai: thu nhập của Owen được chi trả dựa trên số trận ra sân chứ không cố định theo tuần như các cầu thủ khác nên xét cho cùng, Manchester United chẳng mất thêm bao nhiêu cho Owen.

  • Bảo Phương - Bongda24h.vn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X