Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Top 10 bản hợp đồng thành công nhất Premier League 2011-2012

Thứ Năm 10/05/2012 15:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Dù giải Ngoại hạng Anh vẫn còn một vòng đấu nữa hứa hẹn sẽ rất sôi nổi và tiềm ẩn nhiều kịch tính khi mà mọi cuộc chiến từ giành chức vô địch, tranh suất tham dự Champions Leagua hay trụ hạng chưa hề ngã ngũ nhưng ngay từ thời điểm này, đã có thể xác định rõ những cầu thủ nào (đội nào) đã chơi thành công (hoặc thất bại) trong mùa bóng. Dưới đây là 10 bản hợp đồng thành công nhất mùa giải theo đánh giá của tờ Daily Mail

1. Sergio Aguero (Manchester City)

Trước khi gia nhập Man xanh bằng bản hợp đồng kỷ lục trong lịch sử CLB và xếp thứ 2 đảo quốc sương mù (sau Fernando Torres) thì Aguero đã là một chân sút có số má. Cộng thêm với khả năng thích ứng cực nhanh, vốn đã là một "thương hiệu" của những cầu thủ người Argentina nên xem ra, việc El Kun mau chóng toả sáng trong màu áo Man City âu cũng là chuyện hết sức bình thường và không đến mức "gây sốc". Tuy nhiên, không vì thế mà đánh giá thấp những màn trình diễn của tiền đạo 23 tuổi này. Cho đến nay, chàng con rể của Diego Maradona vĩ đại đã đóng góp tổng cộng 30 bàn cho Man City trên mọi mặt trận, trở thành tay săn bàn đáng sợ nhất và kết hợp cùng David Silva, Yaya Toure tạo thành bộ ba "bất khả xâm phạm" trong đội hình "đại thiếu gia". Rõ ràng Aguero chính là điểm khác biệt của Man City mà nhờ đó, đội bóng đã có thể chạm được một tay vào chiếc cúp vô địch giải Ngoại hạng.

Sergio Aguero: Đáng giá đến từng xu
Sergio Aguero: Đáng giá đến từng xu

2. Juan Mata (Chelsea)

Andre Villas-Boas đích thực là một kẻ bất tài và "cống hiến" biết bao nỗi thất vọng tràn trề ở Chelsea nhưng có một "di sản" quý giá mà chiến lược gia người BĐN đã để lại được: bản hợp đồng mua Juan Mata trị giá 23 triệu bảng từ Valencia. Thực ra, cầu thủ do Real Madrid đào tạo ra (nhưng lại thành danh ở Valencia) chỉ là phương án B sau khi Chelsea không thể chiêu mộ nổi Luka Modrid của Tottenham nhưng hoá ra đó là lựa chọn quá sáng suốt. Ngay cả ở vào thời kỳ tăm tối nhất của The Blues, Manta vẫn là ngôi sao sáng, "đưa đường dẫn lối" cho đội bóng thành London. Khi Roberto Di Matteo lên nắm quyền, bất chấp sự cạnh tranh tăng lên bởi chiến lược gia người Italia biết dùng cầu thủ hơn người tiền nhiệm, Mata vẫn giữ được sự ổn định. Chỉ riêng con số 13 "đường chuyền thành bàn" (đứng đầu Chelsea và chỉ kém duy nhất David Silva của Man City với 14 lần) và 6 bàn thắng tại Premier League là quá đủ để khẳng định tiền vệ người Tây Ban Nha đã có mùa giải đầu tiên quá thành công ở nước Anh.

3. Papiss Cisse (Newcastle)

Đây là một trong 3 cầu thủ "Chích choè" góp mặt trong bản danh sách này, minh chứng hùng hồn khẳng định tài năng của Alan Pardew trên TTCN. Vị HLV này chẳng cần bỏ ra quá nhiều tiền nhưng vẫn mang về được đội bóng những "hàng xịn", đóng góp biết bao công sức để đưa Newcastle lên vị thế như ngày nay (xếp thứ 5 Premier League và còn nguyên cơ hội được tham dự Champions League mùa sau) và chắc chắn nếu bán đi, Newcastle sẽ thu về bộn tiền, gấp nhiều lần so với khoản đầu tư ban đầu. Trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông, nhằm tìm kiếm một đối tác ăn ý cho Demba Ba, Pardew đã bỏ ra 10 triệu bảng để mang về Papiss Demba Cisse, một chân sút thuộc hàng "trung bình khá" ở Bundesliga (cả hai đều cùng mang quốc tịch Senegal) nhưng nào ai ngờ, "kép phụ" lại biến thành "kép chính". Cisse đã hoà nhập nhanh đến chóng mặt và nổ súng liên tục để rồi trở thành tiền đạo hay nhất Premier League trong giai đoạn hai của mùa giải, vượt lên trên những tên tuổi lớn như Van Persie, Wayne Rooney hay Sergio Aguero. Tính đến nay, Cisse đã ghi 13 bàn trong ... 13 trận ra sân thi đấu, trong đó pha lập công ấn định tỷ số 2-0 trong chiến thắng trước Chelsea xứng đáng được lưu danh muôn thuở bởi đơn giản, nó quá đẹp và chắc chắn không dễ tái lập.

4. Michel Vorm (Swansea)

Do tiềm lực tài chính hạn hẹp, đội bóng mới lên hạng Swansea chỉ có thể bỏ ra 1.5 triệu bảng ít ỏi để đưa Michel Vorm về trấn giữ khung thành. Tuy nhiên, rốt cục, tân binh này đã khẳng định giá trị thật của anh vượt xa cái con số đó. Thủ môn 28 tuổi người Hà Lan luôn là chốt chặn cuối cùng đáng tin cậy của Swansea và xét về những con số thống kê dành cho thủ môn (số pha cứu thua, số trận giữ sạch lưới,...), thì may ra Vorm chỉ chịu thua Joe Hart (Man City) và David De Gea (Man Utd) mà thôi. Vorm đã góp công không nhỏ vào chiến tích trụ hạng của Swansea dù đây mới là lần đầu tiên trong lịch sử, đội bóng xứ Wales được hiện diện ở hạng đấu cao nhất tại xứ sở sương mù. Nhờ vậy, Vorm đã được triệu tập vào ĐTQG Hà Lan và tràn trề cơ hội được tham dự VCK Euro 2012. Trước Vorm, đã từng có một người Hà Lan vĩ đại tạo dựng được tên tuổi ở vị trí trấn giữ cầu môn: Edwin Van der Sar và biết đây đấu, Vorm sẽ tiếp bước được con đường hoàng kim đó.

5. Yohan Cabaye (Newcastle)

Cái tên này chắc chắn đã khá quen thuộc với khán giả Việt Nam bởi làng báo chí trong nước suốt ngày gán cái mác "cầu thủ gốc Việt" cho Cabaye mặc cho gốc gác "con Rồng cháu Tiên" của anh khá mờ nhạt (bà ngoại của Cabaye là người Việt Nam). Kể ra, nếu Cabaye không tạo được ấn tượng trong mùa giải thì chắc không được quan tâm nhiều đến thế. Chuyển sang Newcastle từ ĐKVĐ Ligue 1, Lille, tiền vệ người Pháp lập tức trở thành thủ lĩnh hàng tiền vệ, thay cho Kevin Nolan ngày nào (đi theo tiếng gọi của West Ham). Do Newcastle theo đuổi phong cách thực dụng nên những tiền vệ đánh chặn như Cabaye càng có nhiều đất để dụng võ. Không chỉ biết kiểm soát tốt nhịp độ trận đấu mà cầu thủ này còn quán xuyến tốt mọi công việc ở tuyến giữa: vừa hỗ trợ hàng thủ vừa phát động tấn công bằng các đường chuyền dài chuẩn xác. Ngoài ra, Cabaye còn là một chuyên gia đá phạt nhờ khả năng sút xa hoàn hảo.

6. Scott Parker (Tottenham)

Sau khi bị hai đội bóng thành Manchester tàn sát không thương tiếc hồi đầu mùa giải, HLV Harry Redknapp nhận ra cần phải bổ sung gấp một chiến binh ở hàng tiền vệ nhằm đội hình trở nên cân bằng hơn chứ không quá lệch về tấn công. Bởi thế, ông đã quyết định bỏ ra 5 triệu bảng mua Scott Parker, một gương mặt đã khá quen thuộc tại Premier League. Ban đầu, Redknapp không dám kỳ vọng quá nhiều vào Parker, bất chấp tiền vệ này luôn được giới chuyên môn đánh giá cao (bởi Parker có 4 năm liền gắn bó với West Ham, một CLB yếu và đã phải xuống hạng ở mùa 2010-2011) song Parker đã chơi hay vượt dự kiến của ông. Có thêm Parker, tuyến giữa của Spurs chắc chắn trông thấy và kết quả, Tottenham đã có chuỗi trận cực kỳ thành công (thắng 10/11 trận) và leo lên đứng thứ trên BXH. Vai trò của Parker ở Tottenham còn được thể hiện rõ khi những trận anh vắng mặt (do chấn thương hoặc thẻ phạt), thành tích của đội bóng giảm trông thấy (hầu như chỉ biết đến hoà và thua) và khi anh trở lại, mọi thứ lại trở về như cũ. Đúng là Spurs không còn là Spurs nếu thiếu đi Bale, Modric hay Van der Vaart nhưng nếu mất Parker, đội bóng chắc chắn rơi vào cảnh "đẹp thì đẹp đấy nhưng mong manh dễ vỡ lắm".

7. Anthony Pilkington (Norwich)

Càng ngày những đội bóng tại Premier League, kể cả thuộc diện "vớ vẩn", càng tránh mua cầu thủ từ các giải đấu cấp thấp, ngoại trừ giải hạng Nhất (hạng đấu ngay sát giải Ngoại hạng) bởi tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và không khác gì trò đánh bạc. Tuy nhiên, HLV Paul Lambert của đội bóng mới lên hạng Norwich (có lẽ cũng một phần vì tiềm lực tài chính của Norwich quá yếu) vẫn một mực theo đuổi chính sách "đãi cát tìm vàng" từ các giải hạng dưới ở xứ sở sương mù và mùa này, ông đã phát hiện ra "vàng mười": tiền vệ 23 tuổi  Anthony Pilkington từ Huddersfield, một đội thuộc League One (tương đương với hạng 3 ở các nước khác). Chưa bao giờ có vinh dự được chơi bóng tại Premier League nhưng Pilkington không hề bị ngợp mà trái lại còn rất tự tin phô diễn tài nghệ, thậm chí ngay cả trước những ngôi sao hơn anh vài cái đầu. Pilkington là tiền vệ ghi bàn tốt nhất cho Norwich với 8 lần lập công và cùng Grant Holt (chân sút đang mơ về suất ở thành phần ĐT Anh tham dự VCK Euro 2012), Steve Morrison là những cầu thủ góp công đầu trong chiến tích ở lại Premier League thêm một mùa. Tuy nhiên, với những gì đã thể hiện, nhiều khả năng Pilkington sẽ không tiếp tục gắn bó với Norwich bởi một số đội đã để mắt tới anh.

ashley young
Ashley Young: Đâu chỉ là kịch sĩ!

8. Ashley Young (Manchester United)

Dù đã để lại hình ảnh rất xấu về một kịch sĩ kiếm 11 đáng xấu hổ nhưng không vì thế mà phủ nhận đi những gì Ashley Ỵoung đã thể hiện trong năm đầu tiên khoác màu áo Man Utd. Tiền vệ người Anh sở hữu nhiều điểm mạnh tồn tại ở cả hai người đồng đội thi đấu cùng vị trí với anh. Đó là sự cần cù, chịu khó, những đường chuyền đạt hiệu quả cao của Valencia và nền tảng kỹ thuật dồi dào, khả năng tạo đột biến cao của Nani. Do đó, Ashley Young được nhìn nhận là tiền vệ cánh toàn diện nhất Man Utd hiện nay. Nếu không dính chấn thương, phải nghỉ thi đấu một thời gian khá dài thì chắc chắn, anh còn đóng góp nhiều hơn nữa cho đội bóng. Song thành tích 8 bàn thắng cùng 7 đường chuyền thành bàn xem ra cũng là khá ấn tượng.

9. Demba Ba (Newcastle)

Giai đoạn đầu mùa giải, Ba chính là một hiện tượng của giải đấu khi nổ súng không ngừng nghỉ cho Newcastle. Ít ai biết được rằng, "Chích choè" đã chẳng tốn một xu nào để mua Ba và mùa trước, tiền đạo này chỉ thuộc vào diện "làng nhàng", không quá tiếng tăm (chẳng thế mà West Ham mới chấp nhận để Ba ra đi tự do và cũng không nhiều đội bóng thích "tranh hàng" với Newcastle). Song môi trường Newcastle thực sự dành cho Ba nên anh mới có thể thoải mái tung hoành đến thế. Hiệu suất ghi bàn của Demba Ba tốt hơn hẳn Andy Carroll, chân sút mà tưởng như Newcastle không thể tìm nổi ai xứng đáng thay thế. Chỉ có điều sự nghiệp đang lên như diều của tay săn bàn 26 tuổi này đã bị gián đoạn bởi 1 tháng diễn ra CAN 2012 (tính đến trước thời điểm đó, Ba đã đóng góp 15 bàn cho Newcastle) hồi đầu năm nay và sau khi trở về đội bóng, Ba đã bị người đồng đội Papiss Cisse chiếm mất "sân khấu". Nhưng không vì thế mà Ba tỵ nạnh mà cả hai đã vui vẻ hợp tác để tạo thành cặp sát thủ hàng đầu giải Ngoại hạng Anh dù khá giống về phong cách.

10. Yakubu (Blackburn)

Blackburn là đội bóng thứ 2 phải xuống hạng Premier League mùa này nhưng với những người như Yakubu, đó là kết quả đáng buồn bởi anh đã chơi hết mình và dốc toàn bộ sức lực cho mục tiêu trụ hạng của đội bóng. Đáng tiếc, công lao của anh cùng vài đồng đội khác không thể cứu được "con tàu đắm". Khi lê bước rời khỏi Everton, tiền đạo 29 tuổi người Nigeria chỉ còn là cái bóng của chính mình (ghi được duy nhất 1 bàn và bị đội bóng vùng Merseyside đày xuống đội hạng Nhất Leicester) tuy nhiên, Yakubu đã hồi sinh mạnh mẽ trong màu áo "Hoa hồng". Anh đã tìm lại được cảm hứng "sát thủ" và đóng góp tới 16 bàn thắng cho Blackburn (chiếm 1/3 tổng số bàn của toàn đội). Nhờ những pha lập công của Yakubu mà Blackburn còn tồn tại đến tận vòng 37, bằng không có lẽ đoàn quân của Steve Kean "đi" từ lâu rồi. Với thành tích này, Yakubu chưa chắc đã phải xuống hạng Nhất cùng Blackburn, trừ phi anh thích thế nhằm đáp trả lại công ơn của CLB.

  • Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X