Sau trận derby nước Anh giữa Liverpool và Man Utd, Premier League lại tiếp tục có một ngày dậy sóng với trận derby đích thực ở London: Arsenal - Chelsea. Từ một màn quyết đấu bên bờ sông Thames, nay nó đang trở thành trận derby kiểu mẫu của mảnh đất vốn có rất nhiều derby…
1. Tác phẩm truyện tranh rất hấp dẫn có tên Peanuts (Những hạt đậu), nhân vật Linus đã nhắc cậu bé Charlie Brown rằng: “đừng nghĩ gì về cái lưỡi nhé!”. Cuối cùng thì trong 3 ngày liền, cậu bé được gọi là “kẻ thất bại đáng yêu” kia luôn bị ám ảnh bởi cái lưỡi của mình mà không để ý gì đến những thứ khác. Đây không chỉ dừng lại là câu chuyện của con trẻ, mà là đối tượng của những cuộc nghiên cứu về tâm lý xã hội, lý giải những sự biến mất của sự việc.
Trong bóng đá cũng có những sự việc bỗng nhiên mất đi, hoặc không còn được chú ý nhiều như trước. Đó là hệ quả của tâm lý xã hội. Trận derbry London cũng vậy. Trận đấu truyền thống trăm năm ở đây là cuộc so tài giữa Arsenal và Tottenham. Sở dĩ như vậy bởi khi Arsenal chuyển đến Highbury phía Bắc London năm 1913, đã lấy hết CĐV của Tottenham, cướp vị trí độc tôn của họ, hút những thủ môn giỏi nhất, những đội trưởng tài hoa và cả những thứ thuộc về phong cách.
Ngoài Tottenham được coi là đại kình địch của Arsenal ở London, còn có Fulham, West Ham, Chelsea, QPR, Millwall, Charlton… Họ tạo thành những cuộc đối đầu theo khu vực, triền miên và đầy rẫy sự kình địch. Nhưng giống như hiệu ứng tâm lý xã hội như của Charlie Brown, khi bóng đá Anh được “nhắc nhở” rằng, chỉ có tiền bạc, sự giàu có mới tạo ra được cái gọi là “sự ám ảnh”, thì đó là lúc Chelsea xuất hiện. Trận derby kiểu mẫu của London chuyển từ Arsenal-Tottenham thành Arsenal-Chelsea.
2. Không chỉ cùng giàu có và thành đạt, con đường mà Chelsea đang đi cũng tương đồng với Arsenal thời sơ khai. Lúc còn là Woolwich Arsenal, CLB nợ nần chồng chất, phải tập trong một SVĐ bùn đất. Lúc đó Henry Norris xuất hiện. Vị Chủ tịch của… Fulham đã đưa Arsenal thoát khỏi khủng hoảng với ý địch sáp nhập cùng Fulham thi đấu ở SVĐ Craven Cottage khang trang hơn, nhưng không thành vì sự cản trở của FA. Phương án tiếp theo là đưa Arsenal sang SVĐ mới ở Highbury sau cuộc họp ở ga xe lửa tại Gillespie Road…
Chelsea cũng tương tự như thế khi kỷ nguyên Abramovich bắt đầu. Họ trở thành một CLB hùng mạnh với nguồn tài chính dồi dào, đánh dấu cho sự khởi sắc của một hệ thống kết hợp giữa CLB và tỷ phú. Phải đến thời điểm này, London như đã bị ám ảnh bởi một “thực thể” tồn tại một cách… “phi lý” nhất ở một nơi mà Chelsea chưa bao giờ tỏ rõ vai trò là một kẻ thách thức với phần còn lại. Vì thế mà lịch sử những trận derby Arsenal-Chelsea chỉ là những trận đấu hay chứ không phải những trận cầu của máu và lửa.
Một con số được Guardian đưa ra vào năm 2009 như sau: tháng 12/2003, họ khảo sát các CĐV Arsenal rằng CLB nào là đối thủ lớn nhất? Câu trả lời: M.U, Tottenham sau đó mới là Chelsea. Cũng với Chelsea ở câu hỏi này, đáp án là Tottenham, Fulham, sau đó mới là Arsenal. Kết quả đó cho thấy vị trí của Chelsea nằm ở đâu ở thời điểm họ chỉ là đội bóng mạnh ở London chứ chưa phải là kẻ thống trị. Đến năm 2009 kết quả hoàn toàn trái ngược khi Chelsea coi Arsenal là kình địch lớn nhất và sau đó là M.U. Với Arsenal tương tự như vậy với thứ tự là M.U, Chelsea, Tottenham.
Mọi biến cố, xung đột giữa Arsenal và Chelsea chỉ được ghi vào lịch sử từ khi Chelsea giàu có với Abramovich. Đó là vụ chuyển nhượng nóng bỏng của A.Cole (2006), là trận chung kết Carling Cup bị phá hỏng vì bạo lực năm 2007 với 3 chiếc thẻ đỏ (K.Toure, Mikel và Adebayor), là cuộc tấn công của CĐV Chelsea nhằm vào Arsenal năm đó…
3. London năm nay có 6 CLB ở Premier League: Arsenal, Chelsea, Tottenham, Fulham, QPR, West Ham. Nhưng giá trị của những trận derby chỉ thực sự nằm ở cuộc chiến danh vọng giữa Arsenal và Chelsea. Đơn giản, bởi đó là những thế lực giàu có được định đoạt bởi tâm lý xã hội. Đó cũng là lý giải tại sao trận derby nảy lửa một thời giữa Fulham và QPR giờ chẳng còn được ai chú ý; và thậm chí cuộc đấu đầy duyên nợ Arsenal-Tottenham cũng ít nhiều giảm nhiệt.
Nếu một ngày nào đó, Fulham, Tottenham trở lại với vị thế của kẻ thách thức, khi đó sức sống của những trận derby truyền thống mới trở lại. Còn bây giờ, London thuộc về Arsenal-Chelsea. Đó là quy luật vận động xã hội, một khái niệm cao siêu có thể được trình bày ngắn gọn bởi một chi tiết trong câu chuyện “Những hạt đậu”, với lời nhắn của Linus với cậu bé Charlie Brown.
Bởi vậy, khi tôi nói đến derby London theo cách này, chắc hẳn trong 3 ngày nữa, bạn sẽ chỉ chờ đón trận derby London đích thực. Mà cụ thể là trận Arsenal-Chelsea…
(Theo báo Bóng Đá)