Hãy cùng có một phân tích rõ hơn về những tin đồn của Wayne Rooney trong thời gian gần đây cũng như cách Ferguson hành xử, để thấy rõ hơn về cả một thế giới bóng đá, chứ không chỉ một thương vụ.
Có một câu chuyện về Harry Redknapp ngày ông còn là huấn luyện viên tại West Ham khiến cho cánh báo chí nhớ rõ. Đã có những báo cáo rằng ông đang thử việc một cầu thủ tên là Marco Negri từ Rangers, dĩ nhiên trong buổi họp báo các phóng viên không bỏ lỡ thời cơ để hỏi ông về cầu thủ này. Tuy nhiên, Redknapp đã tỏ ra vô cùng bất ngờ: “Negri? Ai vậy? Không, tôi chẳng biết anh đang nói về ai hết”. Tuy nhiên, xui cho Redknapp, Negri đang đứng lấy hành lí ở bên ngoài cửa sổ, một phóng viên đã chỉ vào cầu thủ này cho ông. Đến lúc này Redknapp mới hạ giọng: “À vâng, đó là Marco Negri”. Như vậy, nếu như Negri không vô tình đứng ở đó, Redknapp đã chẳng thú nhận, và báo chí cũng tưởng mình đã rơi vào thế “việt vị” không biết chừng.Rooney đã không còn được CĐV MU tin tưởng tuyệt đối
Đôi khi trong bóng đá, cách tốt nhất là đừng bao giờ tin vào những giá trị bề mặt. Khi thời điểm tới, huấn luyện viên có thể khẳng định với bạn, đôi khi họ cũng bảo rằng bạn đã sai, nhưng chớ có dại dột mà vội tin vào những lời họ nói khi sự việc vẫn chưa “hai năm rõ mười”. Đánh lạc hướng báo chí từ muôn đời nay vẫn được sử dụng, thương vụ Balotelli sang AC Milan mới đây nhất là một ví dụ điển hình.
Chiến lược truyền thông của Roberto Mancini cho đến tận lúc Balotelli rời đội bóng là khẳng định Manchester City sẽ chẳng bán anh bất kể bao nhiêu rắc rối cầu thủ này đem lại. Hãy hiểu rằng, nếu Mancini tự thú nhận rằng Balotelli đang là một chiếc “ung nhọt” và đội bóng luôn sẵn sàng lắng nghe mọi lời đề nghị, đó chẳng khác nào đang tự đi rao bán và điều này sẽ làm giá trị của “mặt hàng” giảm xuống. Trong khi đó, Silvio Berlusconi lại miêu tả Balotelli là một “trái táo thối” và chẳng có chuyện Milan kí hợp đồng với một cầu thủ như vậy.
Những tưởng, sau bao lần Mancini tha thứ cho Balotelli, cùng những lời chỉ trích cay nghiệt của một nhân vật quyền lực bậc nhất tại San Siro thì khả năng thương vụ này xảy ra chắc chỉ có 0,01% theo cách nói của Mourinho. Nhưng hiện tại thì sao? Balotelli đang mặc áo Milan và Berlusconi tự thú nhận rằng đó chỉ là một chiến lược đàm phán của Galliani nhằm đảm bảo giá cầu thủ sẽ không nhảy vọt. Như thế là mỗi bên đều có những chiếc lược riêng, họ chỉ nói những gì cần thiết để phục vụ cho ý đồ của mình, chẳng có ai “dại mồm” mà đi nói sự thật hết.
Liên hệ với trường hợp Rooney hiện tại, Ferguson nhấn mạnh rằng “chẳng có vấn đề gì ở đây hết”, với một giọng điệu uy nghi và khẳng định. Tuy nhiên hãy cùng nhớ lại ông đã trả lời những vấn đề này thế nào trong các trường hợp của Beckham, van Nistelrooy và Veron. Ông cũng đăng đàn chối bỏ khả năng ra đi các ngôi sao này, nhưng rồi cả 3 cầu thủ trên đều bị bán đi một cách không thương tiếc. Có rất nhiều nhân vật thân cận đưa ra những bình luận khác nhau và những lí do rất “lọt tai” về câu chuyện của Rooney, nhưng thỉnh thoảng trong cuộc sống, càng mất công giải thích, thì càng tự chứng minh bản thân có tật “giật mình”. Nói như vậy không có nghĩa là khẳng định Ferguson đang nói dối, nhưng xin hãy hiểu rằng đôi khi trong bóng đá họ chỉ đơn giản là không muốn bạn biết sự thật mà thôi.
Kết lại, thế giới bóng đá nói chung cũng chẳng khác gì một cuộc sống thu nhỏ vậy, ở đó có ngoại giao, có thương lượng và có những toan tính riêng. Thị trường chuyển nhượng nói riêng thì giống như một cái chợ, chẳng có một cầu thủ nào trên người bị gán một cái mác giá cố định như con gà hay hộp chocolate trong siêu thị hết. Người mua và người bán phải tự xoay sở, đàm phán cũng như “mặc cả” với nhau để cùng đạt được thỏa thuận. Việc càng để lộ ra ý định của mình sẽ chỉ tạo điều kiện cho người bán tăng giá hay người mua ép giá, không hơn không kém. Trước khi cả hai bên bắt tay, đừng dại mà tin vào những gì họ phát biểu, vì mọi lời nói, xét cho cùng cũng chỉ nhằm đánh lạc hướng mà thôi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)