Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Tiền vệ trụ làm thay đổi triết lý bóng đá tại Premier League

Thứ Bảy 29/03/2014 07:22(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Việc Premier League có số bàn thắng trung bình mỗi trận gia tăng đồng nghĩa với việc khả năng phòng ngự của các CLB ở đây đang gặp vấn đề. Lý do bắt nguồn từ cách nhìn mới của đa phần các HLV đối với vai trò tiền vệ trụ.

SỰ LÊN NGÔI CỦA BÓNG ĐÁ TẤN CÔNG

Có tất cả 42 bàn thắng được ghi ở Premier League cuối tuần vừa rồi, và thêm 16 bàn nữa trong 5 trận đấu bù vào giữa tuần, nâng bình quân bàn thắng mỗi trận mùa này lên 2,73 bàn/trận. Với Luis Suarez và Daniel Sturridge ở phong độ không thể ngăn cản ở Liverpool, Manchester City liên tiếp đè bẹp các đối thủ và tuần nào Fulham cũng thua tan nát, những cơn mưa bàn thắng chưa có dấu hiệu sắp ngừng lại.

 

Tuy nhiên, con số 2,73 bàn/trận vẫn là thấp hơn 2,80 bàn/trận mùa trước và 2,81 bàn/trận mùa 2011/12. Thật ra, nếu mọi việc tiếp diễn thế này, đây sẽ là mùa giải Ngoại hạng có ít bàn thắng nhất kể từ mùa 2008/09. Dẫu vậy, mùa này vẫn là một trong những mùa bóng có nhiều bàn thắng nhất lịch sử Premier League. Trong giai đoạn 2000/01 tới 2008/09, không mùa nào giải Ngoại hạng vượt qua mốc 2,7 bàn/trận.

Một phần là do sự thay đổi trong luật bóng đá. Luật việt vị giờ cởi mở hơn cho phía tấn công đã dẫn tới nhiều bàn thắng hơn, và quan trọng hơn, mở đường cho sự trở lại của các cầu thủ kiến tạo "mỏng cơm" nhưng tinh tế và khéo léo (Juan Mata, Oscar, Mesut Oezil, Andan Januzaj, Philippe Coutinho...) vốn trước kia thường gặp khó khăn ở Premier League. Tương tự như vậy là chiến dịch của các trọng tài chống lại việc vào bóng từ phía sau hay những pha tắc bóng thô bạo.

Chứng kiến sự chống trả yếu ớt của Arsenal trước Chelsea, hay sự vỡ trận của Cardiff City trước Liverpool, cùng hàng loạt sai lầm phòng ngự trong trận thắng 3-2 của Tottenham trước Southampton (và cả trận El Clasico có 7 bàn thắng), có vẻ như các đội bóng giờ đã quên mất cách phòng ngự.

Thống kê rất khó kiểm chứng lập luận đó, bởi lẽ phòng ngự tốt thường dẫn tới việc sẽ chẳng có gì xảy ra. Thủ thành huyền thoại Peter Shilton từng nói những trận hay nhất của ông là những trận mà ông gần như không phải chạm vào bóng vì đã tổ chức hàng thủ quá tốt. Một lý do nữa để lý giải các đội bóng dễ để thủng lưới hơn trước là sự biến mất của các tiền vệ trụ truyền thống.

CÁCH NHÌN MỚI VỀ TIỀN VỆ TRỤ

Sự biến mất của các tiền vệ trụ thứ thiệt, như David Batty, Claude Makelele hay Frankie van der Elst là đặc biệt đáng chú ý ở mùa này. Đánh chặn, xoạc bóng, càn quét... không còn là phẩm chất hàng đầu khi nói đến một tiền vệ trụ hiện đại, thay vào đó, ưu tiên hàng đầu phải là biết chuyền bóng và... tấn công. Barca và Bayern Munich là hai đội bóng tiên phong trong xu thế này và đều được nhen nhóm ý tưởng bởi HLV đại tài Pep Guardiola. Tiền vệ phòng ngự Javier Mascherano không có cửa cạnh tranh vị trí ở Barca với một Sergio Busquets hay hơn hẳn về kỹ năng chuyền bóng nên đành "đóng đinh" suất trung vệ. Tương tự là Alex Song. Với Bayern, Javi Martinez cũng mất chỗ ở hàng tiền vệ vào tay những cầu thủ nhỏ con nhưng xoay sở khéo léo là Philipp Lahm hoặc Thiago Alcantara.

Song về cơ bản, Bayern và Barca phòng ngự chủ yếu bằng cách giữ bóng, và họ có đội hình đủ mạnh để làm điều đó. Với các đội tại Premier League, canh bạc không dùng tiền vệ trụ thực thụ thường không mang lại kết quả tốt như thế mà minh chứng chính là số bàn thua lớn hơn nhiều.

Arsenal (đã thủng lưới 36 bàn), vì lý do gì thì chỉ Arsene Wenger mới biết, có một tiền vệ trụ đích thực là Mathieu Flamini, nhưng đã ngừng sử dụng anh trong các trận đấu quan trọng. Thành tích của Arsenal ở Premier League trong các trận mà Flamini chơi từ 45 phút trở lên mùa này: thắng 12, hòa 2, thua 1; những trận còn lại: thắng 7, hòa 4, thua 5.

Man City (đã thủng lưới 27 bàn) cho mượn Gareth Barry, để lại hai vị trí tiền vệ trung tâm cho bộ đôi toàn năng Yaya Toure và Fernandinho. Liverpool (đã thủng lưới 39 bàn) đã có Lucas Leiva bình phục, nhưng thường sử dụng Steven Gerrard trong vai trò tiền vệ trụ để có thêm các đường chuyền sắc bén.

Phần lớn các đội khác tại Premier League đều theo xu hướng thời thượng, ngay cả những đội yếu. Hệ quả là từ mùa 2010/11 tới nay, các đội rớt hạng ở Premier League trung bình để thủng lưới 43,22 bàn/mùa. Trong 5 mùa trước đó, con số nói trên chỉ là 34,07.

Chỉ 2 đội ở Premier League không đi theo xu hướng trên. Chelsea đã chơi rất hay kể từ khi Jose Mourinho trở lại và áp dụng cách tiếp cận thận trọng hiệu quả của ông. Thêm vào đó, với sự tăng cường Nemanja Matic, một tiền vệ phòng ngự đích thực (và cũng biết chuyền bóng), Chelsea chỉ để thủng lưới 5 lần trong 15 trận gần nhất ở Premier League.

Đội còn lại là Crystal Palace. Trong 12 trận đầu tiên ở Premier League mùa này, Palace để thủng lưới 21 bàn; trong 18 trận kể từ khi Toni Pulis tới, họ thủng lưới 18 bàn. Vấn đề với Palace là trong 18 trận đó, họ cũng chỉ ghi được 12 bàn. Sự chặt chẽ phía sau đã phải trả giá bằng một hàng công kém cỏi hơn (dù họ cũng chỉ ghi 7 bàn trong 12 trận đầu, tức là 18 trận sau cũng không kém hơn là mấy).

TIỀN VỆ TRỤ GHI BÀN NHƯ TIỀN ĐẠO
Do không phải bó buộc vào nhiệm vụ phòng ngự nên những tiền vệ trụ như Yaya Toure, Steven Gerrard hay Yohan Cabaye tham gia rất tích cực vào mặt trận tấn công. Ngoài khả năng tổ chức lối chơi từ xa, họ còn trở thành những tay săn bàn rất khó bị đối phương nắm bắt. Yaya Toure đã ghi 17 bàn cho Man City từ đầu mùa, đứng thứ 3 trong danh sách phá lưới Premier League đến thời điểm này. Cựu binh Gerrard "hồi xuân" với 11 bàn thắng, trong khi Cabaye trước khi trở về Pháp đầu quân cho PSG cũng đã ghi tới 7 bàn trong 19 trận cho Newcastle. Charlie Adam có 7 bàn cho Stoke hay Steve Sidwell của Fulham là 6 pha lập công. Danh sách này sẽ còn kéo dài nữa với những Jonjo Shelvey (Swansea/5 bàn), Paulinho (Tottenham/4 bàn) hay Fernandinho (Man City/4 bàn)...

Theo Bongdaplus.vn

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X