Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Thừa tiền, Man City vẫn chỉ là 'Thiếu gia'

Thứ Bảy 20/07/2013 13:17(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Stevan Jovetic đã đến Manchester để kiểm tra y tế. Trước đó, Alvaro Negredo cũng hoàn tất mọi thủ tục để trở thành cầu thủ của Manchester City. Bạo chi là thói quen của Man xanh, nhưng bây giờ, mua nhiều chưa hẳn đã hay.

“Chiều” Pellegrini hơn Mancini

Mùa trước, Manchester City không thể vô địch Premier League vì thua... Robin van Persie. Lực lượng M.U chẳng hơn lực lượng Man City, nhưng nhờ mua được van Persie của Arsenal, M.U đăng quang. Hẳn bạn chưa quên Roberto Mancini là người thúc ép giới chủ hết sức gay gắt, thậm chí đôi co với cựu Giám đốc điều hành Brian Marwood để giục Man xanh mua van Persie và các ngôi sao khác. Nhưng bất thành.

Negredo (ảnh to) và Jovetic là hai bản hợp đồng mới nhất của Man City
Negredo (ảnh to) và Jovetic là hai bản hợp đồng mới nhất của Man City

Năm nay, Manuel Pellegrini đến nhẹ nhàng, và điều hành mọi thứ cũng đơn giản vì ông được ủng hộ. Pellegrini bình thản tiếp quản Man xanh, bình thản nhìn Tevez bị bán đi, và bình thản đón ngôi sao. Không cần thúc ép, cả 4 mục tiêu ông Pellegrini yêu cầu là Fernandinho, Stevan Jovetic, Jesus Navas lẫn Alvaro Negredo đều nhanh chóng đến Man City. Nổi tiếng bạo chi, nhưng chưa bao giờ Man City ném 100 triệu bảng ra thị trường chóng vánh như năm nay.

Bộ đôi Ferran Soriano - Txiki Begiristain rõ là đang “chiều” Pellegrini hơn hẳn Mancini. Ngay khi tới CLB, bộ đôi này đã bóng gió chê thứ bóng đá của Mancini là “quá tẻ nhạt”. Pellegrini đến và được ủng hộ tối đa, vì ông là một phần dự án do chính Soriano đề xướng. Ủng hộ Pellgrini là cách khẳng định sự đúng đắn của dự án: Năm ngoái, Soriano và Begiristain nói với Mancini rằng CLB cần mua cầu thủ trẻ, và phải bán trước khi mua. Năm nay, Man xanh chỉ mua ngôi sao, mới bán 2 người (Tevez và Maicon; Kolo Toure và Wayne Brigde ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do), nhưng đã chi cả trăm triệu bảng!

Đi ngược lại con đường của Barca

Các CĐV Man City chắc rất vui vì đội bóng có thêm hai cầu thủ chất lượng. Cộng với Fernandinho và Jesus Navas, Man City đang có hàng công đáng sợ nhất Premier League trên lý thuyết. Nhưng câu hỏi đặt ra: Đến bao giờ Man xanh mới làm bóng đá thực sự từ những cầu thủ trẻ, xây dựng triết lý chơi riêng biệt để thật sự trở thành một ông lớn? Họ sẽ dùng tiền mua thành công ngắn hạn đến bao giờ?

Mùa trọn vẹn đầu tiên, Roberto Mancini được cấp 154 triệu bảng để mua các ngôi sao. Nếu như trước kia, Chelsea dùng tiền chuyển nhượng để lũng đoạn thị trường cầu thủ thì trong 2 năm đầu thời Mancini, Man xanh dùng tiền lương dụ dỗ ngôi sao: Họ là đội đầu tiên nâng lương cầu thủ vượt ngưỡng 200 nghìn bảng/tuần (Yaya Toure, Aguero, Tevez).

Nhưng trong năm cuối của triều đại Mancini, phần nhiều những cầu thủ Mancini mua về từ năm đầu không còn giữ được động lực: Balotelli ra đi, Nasri, Dzeko, Silva sa sút, chỉ còn Tevez và Toure giữ được sức chiến đấu, nhưng Tevez cũng vừa đi. Mancini có mang cầu thủ trẻ về Etihad nhưng  ông làm việc ấy rất miễn cưỡng. Khi các ngôi sao được mua về không còn giữ được động lực thi đấu, Man xanh lại phải mua những ngôi sao khác (Aguero).

Nay thời Pellegrini, Man City đang đi theo đúng con đường Mancini đã đi trong năm đầu. Nghĩa là họ vẫn dùng tiền thúc đẩy thành công, và cũng có nghĩa, họ chấp nhận rủi ro của cách làm này.

Soriano và Begiristain được mời về vì giới chủ Qatar muốn biến Man xanh thành Barcelona của Premier League. Nhưng khi khu liên hợp đào tạo trẻ trị giá 100 triệu bảng chỉ hoàn thiện sau 2 năm nữa, và phải mất tối thiểu 5 năm nữa mới có thể cho ra lò lứa đầu tiên (chưa biết tài năng đến đâu), thì Man City vẫn đang làm bóng đá theo kiểu ăn xổi.

Dream Team của Johan Cruyff cũng được xây từ những bản hợp đồng đắt giá, nhưng đội bóng ấy lại vận hành dựa trên triết lý bóng đá tổng lực mà Cruyff đưa tới Barca từ nhiều năm trước. Man City đang mơ về những lợi ích từ trung tâm bóng đá trẻ. Nhưng Man City chưa thay đổi tư duy làm bóng đá.

Họ có thể là ứng viên nặng ký nhất trong cuộc đua giành Premier League năm tới, nhưng tạm thời, chúng ta chưa thể gọi Man City là một “đại gia”. Man xanh vẫn đang là “thiếu gia”, theo nghĩa mỉa mai nhất của từ này.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X