(Bongda24h) - ....thì không biết số phận của những siêu sao, những đội bóng và cả bức tranh chung của bóng đá châu Âu sẽ như thế nào. Đã từng xuất hiện không ít những thương vụ "hụt" mà sau này, đã trở thành giai thoại của làng túc cầu. Dưới đây là những vụ việc đình đám nhất bởi sự liên quan đến các ngôi sao nổi tiếng của môn thể thao Vua.
Ronaldinho (St Mirren, 2001)
Ronaldinho thời trai trẻ
Vào năm 2001, khi đó, tài năng của Ronaldinho chưa thật sự bùng nổ và PSG đã chiêu mộ anh từ Gremio với mức phí chỉ 4,5 triệu đôla. Nhằm để giúp cầu thủ người Brazil sớm thích nghi với môi trường mới ở châu Âu, đội bóng nước Pháp đã quyết định sẽ cho một CLB khác mượn Ronaldinho trong một thời gian ngắn. Và cực kỳ khó tin, St Mirren, một CLB nhỏ ở Scotland lại trở thành đội nhận được cái gật đầu của PSG về một bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 3 tháng. Tuy nhiên, Liên đoàn bóng đá Brazil đã không phê chuẩn bản hợp đồng này vì Ro "vẩu" dính vào scandal làm giả hộ chiếu. Nếu vụ chuyển nhượng trên thành sự thật thì hẳn St Mirren sẽ phải vô cùng tự hào bởi đã từng được "Quả bóng vàng châu Âu 2005" trú chân một thời gian
Kaka (Gaziantepspor, 2000)
Năm 2000 (khi mới 18 tuổi), Kaka đã được đánh giá là một tài năng trẻ hứa hẹn trong đội hình 2 của CLB Sao Paulo (Brazil). Và anh đã lọt vào mắt xanh của nhiều đội bóng châu Âu nhờ vào các giải trẻ tầm quốc tế. Một trong số đó là Gaziantepspor, đội bóng của Thổ Nhĩ Kỳ. Gaziantepspor đã đưa ra lời đề nghị 1,5 triệu bảng cho "mầm non" Kaka và ngay lập tức, Sao Paulo chấp thuận. Tuy nhiên, vào phút chót, ban lãnh đạo đội bóng này thấy số tiền 1,5 triệu bảng là quá lớn cho một cầu thủ trẻ chưa khẳng định mình như Kaka. Thế là, bản hợp đồng đổ vỡ. Hẳn sau này, Gaziantepspor đã phải vô cùng hối hận khi đánh giá sai lầm tài năng đích thực của chàng cầu thủ thư sinh này. Ba năm sau, AC Milan phải chi gấp 6 lần như thế mới sở hữu được Kaka và tiền vệ người Brazil nhanh chóng đạt đến tầm của một ngôi sao đẳng cấp thế giới. Và giờ, Real Madrid phải bỏ ra tới 65 triệu Euro mới có được chữ ký của cầu thủ này.
Eric Cantona (Sheffield Wednesday, 1992)
Anh là một cái tên quá nổi tiếng, nhất là với những CĐV của Manchester United bởi cho đến giờ, anh vẫn được coi là huyền thoại số 1 trong lịch sử "Quỷ đỏ". Không chắc số phận của anh có gắn liền với màu đỏ không nếu như Cantona gia nhập Sheffield Wednesday vào năm 1992. Cần nhắc lại vào quãng thời gian trước đó, Cantona từng nghĩ đến việc chấm dứt sự nghiệp cầu thủ do một vài rắc rối khiến anh nản lòng. Nhưng, Michel Platini (khi đó là HLV trưởng ĐT Pháp) đã động viên Cantona rất nhiều và anh lấy lại được niềm vui chơi bóng. Và anh quyết định tìm vận may của mình ở bờ bên kia biển Manche.
Điểm đến của Cantona là CLB Sheffield Wednesday, lúc ấy vẫn còn đang thi đấu ở giải Ngoại hạng và sau 2 tuần thử việc, Eric đã không thật sự thuyết phục được HLV Trevor Francis. Vì thế, đội bóng này chỉ muốn Cantona kéo dài bản hợp đồng thử việc nhưng không nhận được sự đồng ý của Cantona. Vài ngày sau, Leeds United đã tiếp cận với Cantona và anh quyết định gia nhập đội bóng này. Ngay ở năm đầu tiên, Cantona trở thành nhân tố chủ chốt trong danh hiệu vô địch nước Anh của Leeds. Nhờ vào thành tích này, Eric đã lọt vào mắt xanh của Sir Alex để rồi từ đó, sự nghiệp của anh đã thật sự thăng hoa khi chuyển tới thành Manchester.
Paul Gascoigne (Manchester United, 1988)
Trường hợp của cầu thủ "lắm tài, nhiều tật" Paul Gascoigne lại hoàn toàn khác so với Kaka hay Cantona. Lẽ ra, sự nghiệp của Gascoigne đã không "nghèo nàn" đến vậy nếu anh không bội ước với Alex Ferguson vào năm 1988. Khi đó, Gascoigne được đánh giá là một tài năng trẻ đầy triển vọng của bóng đá Anh và được bầu chọn là "Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất mùa giải". Sir Alex nhanh chóng tiếp cận với Gascoigne và đã nhận được lời cam kết sẽ đầu quân cho MU. Nên ông đã định sẽ ký hợp đồng với Gascoigne ngay sau khi đi nghỉ hè ở Malta về. Nhưng trong chuyến đi nghỉ đó, ông đã đọc được thông tin trên báo chí rằng, Gazza đã gia nhập Tottenham.
Đó có lẽ là quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời Gascoigne vì chỉ có những HLV cứng rắn như Sir Alex mới đủ sức rèn giũa và đưa anh vào khuôn khổ. Tài năng của tiền vệ này là không thể phủ nhận nhưng cá tính bất trị và cách sống phóng túng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của Gascoigne. Nếu gia nhập MU, nhiều khả năng Gazza đã trở thành một siêu sao hàng đầu thế giới và có được nhiều danh hiệu lớn chứ không phải chỉ là 1,2 chiếc cúp "vớ vẩn"như trong bảng thành tích hiện nay. Trong cuốn tự truyện của mình, Gascoigne đã thừa nhận anh chọn Tottenham bởi đội bóng này đã đồng ý mua cho gia đình anh một căn nhà nếu tới Spurs.
Ruud Gullit (Ipswich Town, 1980)
Ai cũng biết Gullit là thành viên của "bộ ba thần thánh" người Hà Lan (hai người còn lại là Frank Rijkaard và Marco Van Basten), hạt nhân trong lối chơi của AC Milan vĩ đại những năm cuối thập kỷ 80, đầu 90 của thế kỷ trước. Nhưng ít người biết rằng suýt chút nữa, Gullit đã bước chân vào làng bóng đá xứ sở sương mù từ tận năm 1980 (phải đến năm 1996, Gullit mới tới nước Anh để cống hiến nốt những năm cuối đời cầu thủ cho Chelsea). Khi đó, Gullit đã thử việc tại Ipswich Town (một trong những đội bóng mạnh nhất nước Anh thời điểm ấy) và HLV Bobby Robson đã rất ấn tượng với tài năng của Gullit. Tuy nhiên, ông đã đôi chút do dự về khả năng thích ứng của Gullit ở nước Anh nên đã không ký hợp đồng với anh.
Diego Maradona (Sheffield United, 1978)
Có lẽ không cần nói nhiều về Diego Maradona vì ông đã quá nổi tiếng. Khi mới bắt đầu chập chững những bước đầu tiên trên chặng đường lừng lẫy của mình, Maradona đã thu hút được sự quan tâm của CLB Sheffield United vào năm 1978. Thậm chí, nhờ vào tài thương thuyết, HLV Sheffield United, Harry Haslam đã đàm phán để giảm mức phí yêu của của đội bóng chủ quản Maradona, Argentinos Juniors từ 1 triệu bảng xuống còn 600.000 bảng. Tuy nhiên, rốt cục, bản hợp đồng không thể trở thành hiện thực vì Sheffield Utd chả moi đâu ra đủ 600.000 bảng và đành chấp nhận chuyển sang mục tiêu rẻ rúng hơn, Alex Sabella, một cầu thủ sau này thực sự vô danh hoàn toàn trong khi Maradona trở thành Huyền thoại số 1 của làng bóng đá thế giới (cùng Pele).
Michael Laudrup (Liverpool, 1983)
Cho đến giờ, Laudrup vẫn được đánh giá là "Cầu thủ vĩ đại nhất" của bóng đá Đan Mạch. Ông từng là một tiền vệ công xuất sắc với những năm tháng lẫy lừng ở Juventus, Barcelona và Real Madrid. Năm 1983, lẽ ra Laudrup (lúc ấy mới 18 tuổi và được giới chuyên môn đánh giá rất cao về tài năng) đã đến Anh chứ không phải đến Italia (gia nhập Juventus) nếu như thống nhất được mọi điều khoản với Liverpool. Hai bên đã đồng ý về phí chuyển nhượng, mức lương nhưng chỉ vì duy nhất điều khoản thời hạn hợp đồng mà tất cả đã đổ bể vào phút chót. Liverpool muốn 4 năm còn Laudrup chỉ thích con số 3. Vậy là, Liverpool đành để xổng Laudrup vào tay Juventus.
Roy Keane (Blackburn, 1993)
Không thể phủ nhận rằng Roy Keane chính là tiền vệ trụ xuất sắc nhất của MU dưới triều đại Alex Ferguson. Sau sự ra đi của Keane do mâu thuẫn với Sir Alex, "Quỷ đỏ" vẫn chưa thể tìm được ai đủ khả năng thay thế nổi tiền vệ người Ai Len. Tuy nhiên, không phải CĐV nào của ĐKVĐ Premier League biết được rằng vào năm 1993, Keane chút nữa đã chuyển tới Blackburn chứ không phải MU. Và vụ chuyển nhượng Roy Keane có thể coi là thương vụ ly kỳ và ngoạn mục nhất của vị HLV Scotland. Số là, khi ấy, Roy Keane (đang khoác áo Nottingham Forest) đã đồng ý với lời mời của HLV Blackburn, Kenny Dalglish.
Bản thân Dalglish cũng muốn nhanh chóng hoàn tất hợp đồng, tránh sự nhòm ngó của những đội bóng khác nhưng lúc đó, đã là chiều muộn của ngày thứ 6 (hết giờ làm việc) và ông đành phải chờ đến ngày thứ 2 thì mới có thể làm thủ tục. Và Sir Alex đã có cú "hớt tay trên" ngoạn mục khi gọi điện thoại thuyết phục thành công Roy Keane trong hai ngày nghỉ và Keane đã chính thức đổi ý. Nhờ thế, MU mới sở hữu được tiền vệ trụ tài năng, người có công đóng góp không nhỏ vào những chiến công tuyệt vời của đội bóng sau này. Trong cuốn tự truyện của mình, Roy Keane tiết lộ Kenny Dalglish đã vô cùng tức giận trước hành vi "tranh cướp" hợp pháp của người đồng nghiệp bên phía MU.
Quỳnh Ngọc