Ade vô dụng, Ade chuyên gây rắc rối, Ade thiếu chung thuỷ? Tất cả những điều đó đã trở thành vô nghĩa. Cũng như khi người ta cố gắng tranh cãi xem 1 chân sút đã ghi gần 50 bàn trong 2 mùa gần đây là quan trọng hay vứt đi. Các CĐV Arsenal đã thù ghét Ade khi anh ngúng ngẩy đòi ra đi trong mùa hè năm trước. Nhưng sự giận dữ đó có thể giải thích cho những im lặng từ các Pháo thủ khác? Không đơn giản thế. Trong 4 mùa liên tiếp, Gunners đều để mất ít nhất 1 trụ cột, và đó chính là lý do khiến người ta không còn bị sốc bởi 1 cuộc đào tẩu nào khác. Thử hỏi, có bao nhiêu điều khác nhau, giữa việc Fabregas tuyên bố muốn tới Barca, và việc van Persie nói đã từ chối ít nhất 4 CLB (Manchester City, Inter Milan, Chelsea và Juventus) để ở lại? Nếu bạn không thể tìm ra điểm khác biệt, điều đó có nghĩa là Arsenal vẫn chỉ là một cái chợ, nơi những người muốn ra đi sẽ sử dụng luận điểm duy nhất: Tôi muốn 1 chiếc Cúp. Và những người ở lại thì sẽ nói: “Tôi muốn làm thủ lĩnh của các cầu thủ trẻ”.
Arsene Wenger đang nghĩ gì |
Trong cuộc họp cổ đông cuối mùa bóng trước, Giáo sư người Pháp đã làm im tiếng tất cả những lời chỉ trích, bằng lời hứa 1 năm, cho một, hoặc nhiều những danh hiệu lớn. Nhưng cho tới thời điểm này, có bao nhiêu người sẽ tin vào điều đó. Tình yêu và sự lãng mạn là có thật. Nhưng trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại những logic riêng của nó.
1, Arsenal sẽ bay cao bằng điều gì mới, sau khi mất Ade? Ngay cả khi Wenger đưa về những chân sút như Marouane Chamakh, Obafemi Martins, Edin Dzeko, hay Demba Ba, những người này liệu có hay hơn chú Sư tử vùng Lomé? Nói một cách lý trí, hãy nhìn vào giá tiền của họ. Và nếu bạn là một người mơ mộng, hãy chờ Wenger gọt giũa những viên ngọc này sau ít nhất là 1 năm.
2, Để bắt bệnh Pháo thủ, không cần phải mổ xẻ nhiều, người ta cũng sẽ nhìn ra vấn đề của Wenger trong những mùa qua. Thứ nhất là sự thiếu chiều sâu trong đội hình. Thứ 2 là vấn nạn chấn thương và thiếu hẳn các cascader chuyên nghiệp. Và thứ 3, đó chính là sự thiếu ổn định được hội tụ bởi 2 điều kể trên. Nếu Wenger hy vọng sẽ thay đổi được mọi thứ chỉ bằng những hợp đồng hứa hẹn, mà quên mất nhiệm vụ bảo vệ đội hình chính, rất có thể ông sẽ đi vào vết xe đổ của chính mình.
3, Trong những năm làm khuynh đảo Premiership, Arsenal được biết đến như một cỗ máy lập trình, với lối chơi vừa mê hoặc, vừa dũng mãnh, vừa khoa học, vừa lãng mạn. Nhưng ngay khi Bergkamp giải nghệ, những Vieira, Henry, Pires, Hleb, Flamini ra đi, Pháo thủ đã không còn là chính mình. Sự thiếu hụt về nhân sự đã khiến họ phải thay đổi lối chơi xoành xoạch. Những rắc rối trong phòng thay đồ đã khiến Wenger phải hạ bệ cả đội trưởng Gallas (điều chưa từng có trong triều đại của ông). Và tiền lệ về những ngôi sao thích hờn dỗi về chuyện tương lai cũng đã khiến Arsenal mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, cả trong và ngoài sân cỏ. Thực tế, khi những vấn đề này chưa được giải quyết triệt để, việc đưa về bao nhiêu ngôi sao, hay bán đi bao nhiêu kẻ nổi loạn, cũng sẽ không giúp Gunners mạnh lên.
Arsenal của Wenger vẫn đang lầm lũi tiến bước. Nhưng có vẻ như, từ quá khứ, màn đêm tăm tối đang trở lại phía trước. Ngày mai, trời có sáng không? Nếu không nhìn thấy điều gì trước mặt, có lẽ Giáo sư cũng nên ngoảnh lại phía sau. Ít nhất cũng để tìm ra chút tín hiệu giúp đoàn Pháo thủ không sa lầy thêm nữa.
Ngày mai, trời sáng không?
(Theo báo Bóng Đá)