Chủ Nhật, 22/12/2024Mới nhất
Zalo

Thành công của Alex Ferguson qua góc nhìn của trò cũ Gary Neville

Thứ Ba 30/04/2013 15:03(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không chỉ người Đức mới nghĩ rằng “Điểm kết thúc của một chu kỳ là điểm khởi đầu của chu kỳ tiếp theo”, mà ở Anh, cụ thể là với Sir Alex Ferguson, đó là một nguyên tắc ông theo đuổi từ nhiều năm qua. Sau đây là bài viết của Gary Neville, cựu đội trưởng Manchester United, đăng trên tờ Daily Mail, lí giải nguyên nhân tại sao Alex Ferguson có thể thành công hết năm nay qua năm khác, và tại sao ông vẫn duy trì được cảm hứng sau 27 năm ngồi ghế HLV trưởng M.U.

Thật là một cảm giác xa lạ khi chứng kiến Manchester United giành chức vô địch giải Ngoại hạng Anh từ cabin bình luận của kênh truyền hình Sky ở London. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi không có bất cứ đóng góp gì trong chiến thắng của đội bóng.

Những buổi tối như thế này dễ mang đến cảm giác là đỉnh cao sự nghiệp của một cầu thủ, là điều bạn sẽ nhớ mãi khi giải nghệ sau này. Tất nhiên, việc vô địch Champions League có ý nghĩa toàn cầu hơn, đặc biệt khi bạn giành được nó sau những giấy phút căng thẳng thót tim. Nhưng giành chức vô địch quốc gia là thành quả của 10 tháng lao động nặng nhọc, nó giống như sự tổng kết cho cả một quá trình.

Và cái cách mà Manchester United giành được nó – vô địch sớm trước 4 vòng đấu – là minh chứng cho sự trở lại mạnh mẽ. Cũng chính những cầu thủ này từng đánh rơi chức vô địch một cách đầy thất vọng vì kém hiệu số bàn thắng bại so với Manchester City mùa trước.

Với Alex Ferguson, điểm kết thúc của chu kỳ này là điểm khởi đầu của chu kỳ kế tiếp
Với Alex Ferguson, điểm kết thúc của chu kỳ này là điểm khởi đầu của chu kỳ kế tiếp

Chức vô địch này mang dấu ấn rõ nét của Sir Alex Ferguson! Ông có biệt tài thích nghi với những thử thách mới, và xây dựng lại niềm tin từ những thời điểm cực kỳ thất vọng. Ferguson đã chúc mừng Man City sau khi họ vô địch năm ngoái, nhưng ngay sau đó có thể say sưa nói về việc tiếp tục kế hoạch gây dựng một thế hệ trẻ kế cận ra sao, và những cầu thủ trẻ măng này có thể giành các danh hiệu như thế nào. Có nghĩa là, ngay lúc đó ông đã luôn nhìn về tương lai.

Tôi luôn tự hỏi rằng: ông ấy có thể dẫn dắt MU bao lâu nữa, và điều gì khiến ông ấy có khả năng duy trì niềm đam mê một thời gian dài? Câu trả lời là: Những cầu thủ trẻ trung ông ấy tiếp xúc hàng ngày dường như tiếp thêm sinh lực cho ông, và những thách thức liên tiếp khiến ông ấy bao giờ cũng được “sạc đầy” năng lượng.

Đêm trước, ông ấy có thể ăn mừng cùng các cầu thủ của mình. Nhưng tôi chắc rằng, ngày hôm sau, ông ấy sẽ dán mắt vào tivi xem các trận bán kết Champions League Bayern Munich gặp Barcelona và Borussia Dortmund gặp Real Madrid.

Ông ấy sẽ nghĩ rằng: “Mình có những cầu thủ đầy tiềm năng, luôn khao khát thể hiện. Đây chính xác là đẳng cấp họ phải vươn tới. Chúng ta đủ khả năng để đứng ngang hàng với Bayern Munich và Borussia Dortmund”. Tôi tin đấy là nguyên nhân khiến ông ấy có thể tiếp tục khi những người khác đã dừng cuộc chơi.

Ông ấy không bao giờ nghĩ đến việc về hưu. Ông ấy chỉ nghĩ đến trận đấu kế tiếp, và đó là điều luôn hiện rõ trên khuôn mặt ông. Tôi đã xem nhiều trận đấu Champions League mùa này, bao gồm cả trận Dortmund thắng Real Madrid 4-1 hôm thứ Tư tuần trước. Một điều chắc chắn: Bóng đá liên tục thay đổi, và ngày càng trở nên khó khăn.

Tôi cho rằng, những đội bóng xuất sắc nhất thế giới ngày nay phải đương đầu với nhiều rủi ro hơn, do vậy họ buộc phải trở nên xuất sắc hơn.  Tôi muốn nói đến tốc độ trong lối chơi, cả về tinh thần lẫn thể chất. Nguyên tắc cơ bản không thay đổi: bạn phải tấn công với nhiều cầu thủ nhất có thể, và cũng cần nhanh chóng lui về phòng ngự với nhiều cầu thủ nhất.

Không có ví dụ nào minh chứng rõ nét cho điều đó hơn Borussia Dortmund ! Họ khiến tất cả ‘choáng ngợp’ với màn trình diễn trước Real. Tôi không hề nói quá khi dùng từ này. Đó là một tập thể trẻ trung, đầy năng lượng, cực kỳ thông minh và sở hữu những kỹ năng hoàn hảo mà chỉ có những đội bóng “ngoại hạng” mới có thể có.

Ở cấp độ này, năng khiếu và kỹ thuật là ngang nhau. Nhưng điểm làm nên sự khác biệt là quyết tâm và tính tổ chức. Chiến thắng 4-0 của Bayern trước Barca, mặc dù tỉ số gần tương tự, nhưng tính chất hoàn toàn khác nhau. Bayern áp đảo Barca, còn Dortmund, đơn giản họ chỉ nhanh hơn Real Madrid mà thôi.

Các cầu thủ Dortmund khiến Real trông như những ông già chậm chạp. Tôi cho rằng, chẳng có gã ngốc nào đặt cửa vào khả năng Real Madrid vào chung kết, dù thực tế là không phải họ không có cơ hội làm nên một trong những cuộc ngược dòng vĩ đại nhất trong lịch sử Champions League. 

Bóng đá Tây Ban Nha đang trên đỉnh thế giới. Còn năm ngoái Real đã vô địch Liga. Nhưng tôi tin rằng, đội vào chung kết Champions League sẽ là Dortmund. Lewandowski là cái tên được nhắc đến nhiều nhất với cú “poker” không thể tin nổi, nhưng những gì tôi quan sát được từ một vài trận đấu vừa qua của Dortmund, 5 cầu thủ chơi phía sau anh ta mới là những gương mặt đáng chú ý.

Khi Ilkay Gundogan bắt đầu di chuyển, mọi cầu thủ còn lại đều di chuyển theo để đảm bảo cự li đội hình. Gundogan mới 22 tuổi, và xung quanh cậu ấy là những cái tên hết sức trẻ trung như Sven Bender (23), Marco Reus (23), Mario Gotze (20) và Jakob Blaszczykowski (27). 

Tôi tin rằng nếu bạn hỏi Lewandowski, cậu ấy sẽ nói rằng mình chỉ có thể chơi với một nửa phong độ nếu thiếu 5 đồng đội này ở phía sau. Paris St Germain cũng áp dụng cách chơi tương tự, dù không hiệu quả, trước Barcelona. Marco Veratti (20 tuổi) là người đóng vai trò giống Ilkay Gundogan, trong khi Lucas Moura (20) và Javier Pastore (23) là những vệ tinh xung quanh cậu ấy. Thiago Motta mang đến kinh nghiệm, tương tự vai trò của Blaszczykowski.

Với Bayern Munich, cầu thủ giữ vai trò “đông cơ chính” là Javier Martinez (24). Xét trên khía cạnh tập thể, tôi nghĩ đội hình Man United năm 1999 có nét giống với những đội bóng trên. Hồi đó, xung quanh Paul Scholes là những cầu thủ hết sức linh hoạt như Roy Keane, David Beckham, Ryan Giggs, Dwight Yorke và Andy Cole.

Tôi không có ý so sánh hai đội bóng thuộc 2 giai đoạn khác nhau, nhưng quả thật sẽ rất thú vị nếu được xem một cuộc so tài giữa Man United 1999 và Dortmund hiện nay.  Với Man United bây giờ, vấn đề là làm sao để đạt tới đẳng cấp của Dortmund. Sir Alex Ferguson và C.E.O David Gill từng nhiều lần nói về việc bổ sung nhân sự trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè. Điều đó khiến bạn có cảm giác rằng CLB sẽ mua sắm một cách ồ ạt.

Nhưng thực tế là đội bóng không cần thêm 4 hoặc 5 tân binh. Chắc chắn sẽ có gương mặt mới đến United, nhưng đừng hy vọng một cuộc thay máu đồng loạt. Tôi cho rằng Sir Alex đang tính đến việc gia cố vị trí tiền vệ trung tâm. Michael Carrick vừa trải qua mùa giải xuất sắc nhất trong sự nghiệp, nhưng thực tế là Darren Fletcher đã không thi đấu một thời gian dài (nhiều khả năng phải giải nghệ sớm – thethaovanhoa.vn), còn Paul Scholes gặp các vấn đề về tuổi tác và chấn thương.

Năm ngoái, Ferguson đã nói về việc gây dựng một thế hệ mới – những người đủ sức giành các danh hiệu ngay cả khi ông ấy không còn ở đây. Nhưng để có thể thách thức chức vô địch Champions League thêm một lần nữa, họ cần phải tiến bộ hơn. Trong kỷ nguyên của Alex Ferguson, bạn luôn có cảm giác rằng United đã đạt điểm tới hạn, nhưng kỳ thực họ luôn biết cách vượt qua mọi giới hạn để trở thành đội bóng giỏi hơn.

Có 7 cầu thủ vừa lần đầu tiên vô địch Premier League. Và khi tôi nhìn vào những cái tên như Jonny Evans, Chris Smalling, Phil Jones, Rafael, Tom Cleverley, Danny Welbeck, Shinji Kagawa và Javier Hernandez, tôi thấy họ không khác gì những cầu thủ của Dortmund và Bayern. Điểm chung giữa họ, và cũng là điều tối quan trọng trong bóng đá hiện đại, là họ đều rất nhanh.

Tôi có thể tin rằng, chính việc xem các trận đấu của Bayern Munich và Borussia Dortmund đã tiếp thêm sinh lực cho Alex Ferguson. “Ừ thì chúng ta đã thất bại ở mùa giải năm nay. Nhưng mình sẽ truyền cho các cầu thủ niềm tin vào việc giành Champions League. Và United sẽ làm được điều đó vào năm 2014 hoặc 2015”. Tôi cá là ông ấy đang nghĩ như vậy.

Thế hệ cầu thủ Man United hiện nay đang ở chiều lên của đồ thị hình sin. Vô địch giải Ngoại hạng Anh chưa phải đỉnh cao, và chưa xứng tầm với tiềm năng của họ. Đó chỉ là một đỉnh núi nhỏ vừa được chinh phục, trên con đường hướng đến đỉnh cao nhất. Họ vẫn còn có thể tiến bộ hơn.

Thành tựu lớn nhất của Alex Ferguson không phải việc giành Cú Ăn Ba 1999, hay đạt kỷ lục 20 lần vô địch giải Ngoại hạng Anh, mà là việc ông ấy đã truyền vào đội bóng này khát khao chinh phục những đỉnh cao mới. Với Ferguson, bạn phải luôn phấn đấu và nỗ lực, bởi ông ấy không có khái niệm rằng công việc đã hoàn thành.

Nói cách khác, điểm kết thúc của một chu kỳ là điểm khởi đầu của chu kỳ tiếp theo !

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X