Đối với Everton, trận đấu này chỉ còn mang tính chất thủ tục. Họ đang sở hữu 63 điểm, kém vị trí thứ 5 của Tottenham 6 điểm và hơn Liverpool xếp thứ 7 tới 5 điểm, điều đó cũng có nghĩa: kết quả trận đấu này như thế nào không ảnh hưởng tới vị trí cuối cùng của The Toffees trong mùa bóng này, số phận tại Premier League của David Moyes và các học trò ở mùa bóng 2012-2013 đã được định đoạt. Còn với Chelsea thì không. Họ đang xếp thứ 3, với 72 điểm và chưa chắc suất tiến thẳng tới Champions League. Trong trường hợp Chelsea thua và Arsenal thắng, The Blues sẽ phải tới đấu trường cao nhất châu Âu mùa tới qua cửa vòng sơ loại thứ 3. Nếu Chelsea hòa và Arsenal thắng với các tỉ số đủ để cho 2 đội bóng có số bàn thắng và bàn thua bằng nhau trong bối cảnh số điểm cũng bằng nhau (ví dụ Chelsea hòa 0-0 còn Arsenal thắng 2-1), lúc đó thành London sẽ có một cuộc nội chiến - tử chiến vì tấm vé vào thẳng vòng bảng Champions League. Trong các trường hợp còn lại, Chelsea sẽ đứng thứ 3 nếu không thua. Để tránh rơi vào trường hợp dở khóc dở cười phải đá play-off với Arsenal hoặc mất luôn vị trí thứ 3 sau vòng này, Chelsea buộc phải thắng. Trên lý thuyết, cũng có khả năng Tottenham soán ngôi Chelsea, nhưng để làm được điều đó, Spurs phải thắng Sunderland với cách biệt ... 17 bàn và The Blues thua, điều 99.99% là không thể xảy ra. Chelsea, vì thế, đã chắc chắn có mặt trong top 4, tuy nhiên lúc này mục tiêu họ cần phải đặt ra là vị trí thứ 3. Chưa có cơ sở nào chắc chắn để khẳng định rằng The Blues sẽ cán đích với một chiếc huy chương đồng, tất cả mọi thứ đều còn đang ở phía trước. Everton lại không phải là "tay mơ", dù họ đã hết mục tiêu phấn đấu. Trận cuối này, Fellaini cùng các đồng đội sẽ chơi một trận ra trò để chia tay HLV David Moyes (người sẽ chuyển tới Manchester United vào mùa tới), và chắc chắn sẽ làm cho Chelsea vã mồ hôi hột ngay tại Stamford Bridge, trong một trận cầu mà 3 điểm là lựa chọn duy nhất cho thầy trò Rafael Benitez.
Không may cho Chelsea, trận này họ không có sự phục vụ của 2 trụ cột là Eden Hazard và John Terry vì các chấn thương khác nhau, những người cũng đã không tham gia trận chung kết Europa League hôm thứ Tư. Ryan Bertrand với vết đau ở đầu gối cũng sẽ bỏ lỡ trận này, trong khi Demba Ba sẽ trở lại sau khi không đá trước Benfica. Bên phía The Toffees, họ không có Phil Neville, người đang phải chiến đấu với một chấn thương dài hạn cùng với trụ cột nơi tuyến giữa Leon Osman. Với David Moyes, ông chưa bao giờ thắng tại Stamford Bridge kể từ khi đặt chân tới Everton: đã làm khách của Chelsea 13 trận mà không có lấy 1 lần chiến thắng, chắc chắn hôm nay chiến lược gia người Scotland rất muốn chứng tỏ bản thân sau 1 tuần tên của ông được trưng đầy trên mặt báo với cương vị HLV của Man Utd mùa tới. Quỷ Đỏ đầu đàn mà thua Chelsea thì đúng là ... khó chấp nhận, vì thế Moyes rất muốn có 3 điểm, hoặc chí ít là 1 điểm như cách mà đội bóng của ông hay làm: Everton đã hòa tới 15 trận qua 37 vòng đấu của mùa bóng năm nay. Trước một đối thủ muốn thắng vì rất nhiều lí do, Chelsea sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Trong một trận cầu có tính chất vô cùng quan trọng, Benitez đã cho ra sân một đội hình làm không ít người ngạc nhiên. Ake sẽ đá cặp cùng Lampard, chân sút vĩ đại nhất lịch sử CLB, tại trung tâm hàng tiền vệ. Trong khi đó, người trám vào chỗ của Eden Hazard bên hành lang phải không phải Victor Moses, cũng không phải Marko Marin, mà là ... Fernando Torres, một chân sút chính hiệu. Đá chính trong trận này, Torres sẽ có lần ra sân thứ 36 trong 38 vòng, trong đó có 28 lần đá chính, nhiều nhất kể từ khi anh chuyển tới Đảo quốc sương mù khoác áo Liverpool. Mùa Torres ra sân nhiều nhất là mùa đầu tiên anh cống hiến cho The Kop với 24 bàn sau 29 trận đấu. Như vậy, hôm nay cả T9 và Ba đều đá chính ngay từ đầu, trong đó tiền đạo người Senegal đá cắm, lãnh trọng trách ghi bàn. Oscar và Mata như thường lệ vẫn chơi hộ công ở phía sau. Ở hàng phòng ngự, sự vắng mặt của Bertrand không phải là vấn đề quá lớn khi Ashley Cole vẫn ở đó và sát cánh với 3 cái tên quen thuộc còn lại bao gồm Luiz, Cahill và Ivanovic. Chelsea thiếu hụt lực lượng đến mức tài năng trẻ chơi trung vệ Andreas Christensen góp mặt trên ghế dự bị. Bên phía Everton, chơi thay Osman là Gibson; Jelavic vẫn ngồi dự bị để nhường 2 chỗ trên hàng công cho Anichebe và Naismith.
Ngay từ khi bắt đầu trận đấu, các cầu thủ Chelsea đã dồn lên chiếm lấy thế chủ động trên sân. Họ kiểm soát bóng tốt và tràn lên phần sân đối phương với lối đá pressing khá rõ ràng với mục đích đánh phủ đầu, sớm có lợi thế để tiến tới 3 điểm. Phút thứ 2, Lampard đã thử vận may của mình với một cú sút xa sở trường sau một pha phối hợp của Mata và Torres, "hộ công bất đắc dĩ" của Chelsea trong trận này; rất tiếc cú nã đạn của huyền thoại sân Stamford Bridge đã bị một cầu thủ áo trắng nhanh chóng cản lại. Trên các khán đài Stamford Bridge vẫn còn nhiều dư âm của chiến thắng tại Europa League, điều này sẽ đem lại lợi thế tinh thần rất lớn cho các học trò của Rafa Benitez. Phút thứ 4, The Blues có cơ hội thứ hai. Sau khi tỏ ra khá nhanh nhẹn và khéo léo trong xử lý sau sai lầm của 2 trung vệ Distin và Jagielka, Demba Ba dứt điểm lệch khung gỗ khá vô duyên sau khi mất quá nhiều thời gian chỉnh sửa cú dứt điểm một cách nắn nót. 2 phút sau, Everton trả lời nhưng cú sút đầu tiên của trận đấu đến từ các cầu thủ đội khách lại quá hiền. Người dứt điểm là Darron Gibson. Chiếm lợi thế hoàn toàn trên sân, điều mà Chelsea xứng đáng có là một bàn thắng, và họ đã hiện thực hóa điều đó rất nhanh bằng bàn thắng ở phút thứ 8 của Juan Mata.
Pha nổ súng của tiền vệ người Tây Ban Nha đến từ một tình huống phản công. Ba có bóng ở sát vạch 16m50 và táo bạo tung ra một cú sút. Tỏ ra thiếu dứt khoát và lỏng tay trong pha bắt bóng, thủ môn Tim Howard của Everton để bóng trôi vào đúng tầm chân của Juan Mata, cầu thủ xuất sắc nhất năm của Chelsea và bằng một động tác nhẹ nhàng, số 10 mở tỉ số cho The Blues. Cứ với thế trận như thế này thì 3 điểm chắc chắn nằm gọn trong túi thầy trò Rafael Benitez: thủ chắc chắn, công sáng sủa và có lợi thế sớm. David Moyes chắc chắn không thể hài lòng với những gì diễn ra trên sân và sai lầm sơ đẳng của thủ môn Tim Howard. Vì thế, đương nhiên ông phải đưa ra những điều chỉnh và Everton như thể bừng tỉnh sau bàn thua. Phút thứ 10, họ đưa ra lời cảnh báo với khung thành của thủ môn Petr Cech, và người dứt điểm là Naismith sau đường chuyền khéo léo của Coleman. Từ khoảng cách chỉ khoảng 8 mét so với cầu môn của Cech, Naismith đưa bóng đi quá thiếu chính xác. Tuy nhiên, tiền đạo này cũng không phải đợi lâu, bởi chỉ cần chờ đến phút 15, anh đã nổ súng cho Everton.
Sau bàn thắng đầu tiên của Mata kể từ tháng Hai vào lưới Newcastle, thì Naismith của The Toffees cũng đã chấm dứt cơn khát không ghi bàn suốt 20 trận đã qua của mình, và có thể nói bàn thắng này đến với anh một cách hoàn toàn xứng đáng. Anichebe sử dụng thể lực và sức mạnh cực tốt của mình để loại bỏ cả Cole và Cahill trước khi đưa bóng vào cho người đồng đội đang đợi sẵn ở trong khu vực cấm địa đội chủ nhà. Naismith có bóng và bình tĩnh dứt điểm tung lưới Chelsea, bất chấp việc Cech đã băng ra cực nhanh. Bàn thắng này giải tỏa cơn khát cho Steven Naismith, nhưng công đầu phải kể tới Victor Anichebe. Sau bàn thắng này, Everton càng tỏ ra hưng phấn và làm người ta quên hẳn đi lợi thế tuyệt đối mà Chelsea có được hồi đầu trận. Đội khách biến Stamford Bridge thành nơi trình diễn của mình bằng việc dồn ép đội chủ nhà, cho dù rõ ràng Chelsea mới là những người cần thắng hơn. Sau khi bị dẫn bàn, có vẻ Chelsea hơi cóng chân và ở phút 17, họ tiếp tục để cho Everton có cơ hội. Gibson tung cú sút sấm sét vào góc xa khung thành của Cech, bóng đập trúng khung gỗ rồi bay trúng người Cech, tiếp tục gây ra nguy hiểm cho khung thành của The Blues trước khi nảy ra và không còn sự nguy hiểm. Cố gắng cải thiện tình hình, Chelsea vùng lên tấn công. Phút 19, Torres từ phía cánh phải ập vào trung lộ của đối phương và ngay lập tức đón đường chuyền của Ivanovic để tạo ra cho đội chủ nhà một cơ hội nguy hiểm, nhưng cuối cùng anh không thể chạm bóng và đe dọa khung thành Howard.
Những phút tiếp theo tiếp tục diễn ra vô cùng hấp dẫn. Với sự tự tin lên cao, Gibson tiếp tục mang đến những bài toán khó cho khung thành của Cech. Phút thứ 21, anh tung ra cú sút thứ 4 của riêng mình trong trận đấu, tuy nhiên cú sút này lại "hiền lành" hơn rất nhiều so với pha đe dọa cực có sức nặng cách đây vài phút trước. Trận đấu sở hữu một tốc độ cực nhanh với những diễn biến liên tục chuyern từ phần sân bên này sang phần sân bên kia. Phút 24, Torres cướp bóng từ chân Fellaini rồi dũng mãnh băng lên phần sân của Everton nhưng bị Distin truy cản dũng mãnh. Phút 27, đến lượt Mata lên tiếng bằng một cú sút phạt trực tiếp ở bên phía cánh phải, bóng đi rất hiểm nhưng đường treo bóng của tiền vệ người TBN lại không đến được vị trí của cái bóng áo xanh nào. Chelsea dần lấy lại thế thượng phong của mình, và chỉ 3 phút sau, Oscar đặt Luiz vào một vị trí khá thuận lợi bên phía cánh phải, hậu vệ người Brazil lập tức bơm bóng vào phía trong, sau một vài nhịp lập bập, bóng đến chân của Ake. Tài năng trẻ này tung một cú sút xa như búa bổ đưa bóng đi vọt xà ngang chỉ trong gang tấc. Everton cũng rất nhanh chóng đáp trả bằng tình huống lên bóng của Gibson rồi chuyền lại cho Mirallas khá trống trải ở phía trong, đáng tiếc là pha khống chế bóng đầu tiên của tiền vệ người Bỉ lại không đưa anh vào tình thế thuận lợi. Ở phần sân bên kia, Mata và Oscar tiếp tục làm khổ hàng thủ của Everton: phút 34, số 10 tung ra một cú dứt điểm sau tình huống phối hợp cực sắc sảo của các cầu thủ Chelsea và khiến cho Howard vất vả chống đỡ; phút 36, tới phiên số 11 bị Baines đốn ngã trong vòng cấm dẫn tới không đón được đường chuyền rất khéo của Mata. Các cầu thủ Chelsea cho rằng đó là một quả penalty, nhưng trọng tài Anthony Taylor lắc đầu và cho trận đấu tiếp tục bằng một quả phát bóng lên cho đội khách.
Các tình huống đáng chú ý liên tục được tạo ra với tốc độ cực nhanh. Phút 38 là tình huống kiến tạo của Naismith dành cho Pienaar cùng cú sút đi rất hiểm của tiền vệ người Nam Phi đưa bóng đi lệch khung gỗ chỉ vài mét. Phút 41, lại là Pienaar với đường chuyền sắc sảo dành cho Anichebe trong vòng cấm, rồi nhận lại bóng và tung cú dứt điểm quyết đoán về phía khung thành Petr Cech. Bóng đập người Luiz và Cech cản phá thành công. Chỉ 2 phút sau, Lampard tung ra một pha dứt điểm cũng gần như tương tự với tình huống mà Pienaar tạo ra, đáng tiếc là cơ hội tuyệt vời này đã bị anh bỏ lỡ vì L8 tung ra quá nhiều lực chân trong tình huống này, dẫn tới việc bóng đi không chính xác. 1-1 là kết quả cuối cùng của hiệp 1 trận đấu, và phải nói đây là một trận đấu diễn ra với tốc độ vô cùng nhanh và cực hấp dẫn, khiến cho người xem có lúc bị choáng ngợp khi theo dõi. Chỉ 2 bàn thắng được ghi là quá ít so với hàng tá cơ hội được tạo ra trước khung thành của cả 2 bên. Hàng thủ của Chelsea có chút gì đó mong manh trước đội quân tấn công tinh nhuệ, khí thế ngút trời của Everton. Tuy nhiên, The Blues cũng có được những tình huống bóng vô cùng đẹp mắt và các đợt tấn công rất nguy hiểm trước giờ nghỉ, với việc cả Torres và Ba đều quyết tâm có được bàn thắng để khép lại mùa bóng một cách thành công. Nếu như tăng cường tấn công và liên tục gây sức ép trong hiệp 2, không cho Everton cầm bóng, Chelsea sẽ có cửa thắng.
Hiệp 2 tiếp tục với những diễn biến gay cấn ngay từ khi tiếng còi khai cuộc vang lên. Hôm nay Fellaini chơi không hề tốt. Phút 47, anh tiếp tục sơ sểnh ở tuyến giữa, mất bóng và tạo điều kiện cho Oscar tạo ra một đường phản công nguy hiểm cho Chelsea. Dốc bóng dũng mãnh và tung ra cú dứt điểm, Oscar đưa bóng đi vọt xà ngang. Phút 50, ở cầu môn đội chủ nhà diễn ra một tình huống tương tự. Pienaar tận dụng quả phạt góc được thực hiện không tốt của Chelsea để tạo thời cơ cho Fellaini dứt điểm, nhưng cú sút của chàng đầu xù người Bỉ không thắng được Cech vì bóng đi thẳng vào vị trí thủ môn người Czech đã chọn. 2 đội liên tục ăn miếng trả miếng và chỉ 4 phút sau cú dứt điểm của Fellaini, đến lượt Ba thử tài Howard bằng tình huống nã pháo ở sát vạch 16m50 của đội khách sau một tình huống phòng ngự khá không tốt của các cầu thủ Everton. Rất may cho Howard là Distin đã cứu nguy cho khung thành đội nhà bằng một pha tung người cản phá bóng hết sức dũng cảm.
Oscar làm cho Fellaini hết sức vất vả, nếu không muốn nói là khốn khổ. Với tốc độ, sự nhanh nhẹn và kĩ thuật của mình, tiền vệ người Brazil đóng góp không nhỏ vào lối chơi nhanh và nhiều đột biến của Chelsea. Phút 57, Fellaini buộc phải phạm lỗi với Oscar ở một vị trí sát với vòng cấm địa của Howard. Luiz, Mata và Lampard đứng trước quả phạt góc có cự ly 20 mét với góc sút rộng, đáng tiếc là hậu vệ người Brazil lại không thể chiến thắng hàng rào và bóng bị phá lên tương đối dễ dàng. Trong 1/4 thời gian thi đấu đầu tiên của hiệp 2, đúng như dự đoán, Chelsea đã lấy lại được thế trận mà họ xứng đáng có, tạo được những thời cơ nguy hiểm và hơn hết là Everton không có bóng để triển khai tấn công. The Toffees không phải là không thể lên bóng hay không thể kiểm soát bóng, mà họ tỏ ra thiếu sắc sảo đến kì lạ trong những đường tấn công của mình, khác hẳn so với hiệp 1. Fellaini, Gibson, Mirallas, Naismith hay Anichebe đều thi đấu dưới sức, nhất là Fellaini và Mirallas. Kevin Mirallas có thể coi là điểm sáng lớn của Everton từ đầu mùa, nhưng trận này, nói cho trắng ra thì anh mất hút. Gibson hết cửa sút xa, Naismith vào hiệp 2 là mờ nhạt... Mọi thứ đi theo chiều hướng không tốt với Everton. Ngược lại, bên phía Chelsea, đến cả tiền vệ trẻ Ake cũng chơi trên mức kì vọng. Anh thi đấu khá chững chạc bên cạnh huyền thoại Frank Lampard. Phút 66, chính Ake là người đã cướp bóng ở khu vực sân nhà để triển khai một đường phản công sắc nét của đội chủ nhà, tiếc là sau đó Ba và Mata đã không thể phối hợp để tạo ra cú sút trong phạm vi quá hẹp. Mọi thứ không ổn với Everton, và ngay lập tức David Moyes tung ra liền 2 sự thay đổi người. John Heitinga vào sân thay Victor Anichebe để củng cố hàng phòng ngự của đội khách, Nikica Jelavic, tiền đạo rất được mong đợi thế chỗ của người mở tỉ số Steven Naismith. Rafa cũng đưa Moses vào sân thay Demba Ba. Torres được trả lại vị trí tiền đạo.
Ngay sau khi vào sân, Jelavic đã có cơ hội. Ở bên phía cánh trái, Fellaini tận dụng lợi thế chiều cao đánh đầu chuyền bóng cho Jelavic dứt điểm nối cũng bằng đầu, nhưng nỗ lực của tiền đạo mang áo số 7 không được đền đáp: Cech vẫn đứng vững. 4 phút sau, vẫn là Jelavic tận dụng sai lầm của hàng thủ Chelsea: anh chạy chỗ cực hay, loại bỏ Luiz trước khi nhận đường tạt bóng quá tốt của Baines ở bên phía cánh trái, thế nhưng chạy hay bao nhiêu thì Jelavic lại dứt điểm kém bấy nhiêu. Anh đưa bóng đi quá lệch so với khung thành đội khách. Và chắc hẳn chân sút người Croatia sẽ rất hối hận với tình huống bóng ngon ăn bị bỏ lỡ của mình, vì chỉ tới phút 76, Fernando Torres đã ghi bàn cho Chelsea. Trong bàn thắng này có công lớn của toàn tập thể Chelsea với một tình huống phối hợp cực bài bản, sắc nét. Đây là bàn thắng thứ 8 của T9 cho Chelsea mùa này, và nó đến ngay sau khi Torres bị chỉ trích là quá hiền ở Premier League. Oscar tung ra đường chuyền tới vị trí mà Moses đã chọn ở trước vòng 5m50 của Everton. Số 13 khôn khéo kiến tạo cho Torres, đưa bóng tới rất vừa tầm chân của Torres để tiền đạo người TBN tung một cú dứt điểm nửa volley quá dũng mãnh đánh bại Howard. 2-1 cho Chelsea và với việc Arsenal chỉ dẫn được Newcastle 1 bàn cho tới phút 80, tấm vé dự Champions League ngay từ vòng bảng nằm chắc trong túi Chelsea tới 90%. Chưa dừng lại ở đó, các chiến binh The Blues tiếp tục tăng cường sức ép lên phần sân đối phương trong khi Everton đã có tư tưởng buông lỏng. Trận đấu còn 10 phút và các học trò của Rafael Benitez dồn lên tìm bàn thắng thứ 3. Ở phía phần sân đối diện, có vẻ hôm nay không phải ngày của Jelavic khi anh tiếp tục làm tất cả các CĐV của Everton thất vọng khi dứt điểm sệt và nhẹ vào thẳng vị trí của Cech khi được trao cơ hội ở phút 81. Giờ người ta đã hiểu vì sao dù cho đã ghi bàn vào lưới nhiều đội bóng lớn nhưng Jelavic vẫn bị David Moyes bỏ quên trên ghế dự bị. Không chỉ kém duyên khi dứt điểm bằng chân, cả khi đánh đầu Jelavic cũng không thể ghi bàn. Phút 85, lại là Baines (người chơi hay nhất bên phía Everton trận này) tạt bóng hiểm hóc cho Jelavic băng vào đánh đầu ở khoảng cách gần, thế nhưng với một phản xạ quá xuất thần, Cech từ chối một bàn thắng tưởng như đã mười mươi của các cầu thủ đội khách.
Liên tục tung Azpilicueta và Ferreira vào sân ở các phút 83 và 89 để có hàng phòng ngự chắc chắn hơn, Chelsea cuối cùng đã đứng vững trước những nỗ lực cuối cùng của Everton. Chúc mừng Chelsea, họ đã chính thức cán đích ở vị trí thứ 3 chung cuộc Premier League mùa giải 2012-2013. Rafael Benitez thật đáng phục: ông biến một mùa giải thất bại của Chelsea thành một mùa bóng thành công. Bị loại khỏi Champions League, lên ngôi tại Europa League. Không thể vô địch Premier League thì có vé đi châu Âu năm sau một cách đầy thuyết phục. Không ai có thể làm tốt hơn Benitez mùa này. Một lời tạm biệt vô cùng ấn tượng của Benitez với sân Stamford Bridge. Sân vận động này sẽ nhớ mãi về ông như một phần lịch sử ngắn nhưng hào hùng của CLB!
Đội hình thi đấu:
Chelsea: Cech - Ivanovic, Cahill, Luiz, Cole - Ake, Lampard - Oscar (Ferreira 89'), Mata (Azpilicueta 83'), Torres - Ba (Moses 66').
Everton: Howard - Coleman, Jagielka, Distin, Baines - Gibson, Fellaini, Pienaar, Mirallas - Naismith (Jelavic 66'), Anichebe (Heitinga 67').
- Thành Nguyễn - Bongda24h.vn