Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Tản mạn Wenger - Ferguson: Nghệ sĩ và kẻ độc tài

Thứ Sáu 22/04/2016 08:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Thật khó để đánh giá ai tốt hơn. Fergie? Wenger? Mỗi người một quan điểm nhưng khi Sir Alex đang tận hưởng những ngày tháng an bình sau bóng đá thì những nếp nhăn của "giáo sư" ngày một nhiều hơn.

Cesc Fabregas vừa tiết lộ một bí mật về thất bại của Chelsea mùa này cùng nguyên nhân dẫn tới việc Mourinho ra đi, đó là bởi "người đặc biệt" quá tin vào những cầu thủ: "Thất bại của Mourinho có lẽ là quá tin chúng tôi. Ông ấy nghĩ chúng tôi vẫn đủ sức làm được những điều giống như mùa trước đó nên không bổ sung bất cứ cầu thủ nào. Nhưng thực sự thì chúng tôi không phải là những cỗ máy. Đến khi Mourinho muốn thay đổi thì đã muộn rồi".
Có thể bạn sẽ nói là không liên quan. Nhưng hãy nhìn lại câu chuyện cách đây hơn hai thập kỷ...
Tan man Wenger - Ferguson Nghe si va ke doc tai hinh anh
Wenger (trái) và Alex Ferguson đều là những chiến lược gia đáng kính của Premier League.

Năm 1991, Emanuel Petit khi ấy vẫn là một cầu thủ trẻ có màn ra mắt tuyệt vời trong màu áo Monaco. Trong buổi tập ngày hôm sau, HLV Arsene Wenger gọi Petit - khi ấy vẫn còn đang hưng phấn - đến chúc mừng. Nhưng chàng trai trẻ Petit cũng không ngờ ngay sau lời chúc mừng, Wenger lại khuyên: "Này, nếu cậu muốn trở thành một cầu thủ tốt hơn, cậu phải học cách tự khám phá bản thân. Làm thế nào ư? Để tôi gợi ý nhé".
"Cậu phải mở rộng trái tim và tâm trí của mình" - Wenger tiếp tục diễn giảng cho cậu học trò: "Biết vì sao không? Nếu chẳng làm điều đó, cậu chẳng bao giờ biết mình là ai. Ở tuổi này, cậu phải biết thưởng thức cuộc sống. Thi thoảng cậu phải đến quán bar, uống bia với bạn bè và làm những gì mình thích".
Nghe bài diễn giảng của Wenger, Petit thẽ thọt đáp: "À... à, vâng".
Còn Fergie ư? Vào thời điểm năm 1992, Fergie đã có hành động nổi tiếng khi đạp cửa nhà Lee Sharpe. Hôm ấy, Sharpe và tài năng trẻ Ryan Giggs đang quay cuồng trong bữa tiệc tại gia nhưng sự xuất hiện của Fergie khiến nhạc tắt ngúm. Hậu quả, Giggs và Sharpe ngồi im thin thít nghe Ferguson "sạc" như thể những đứa trẻ mắc lỗi. Và khi "ngài máy sấy" nổi giận, bạn biết rồi đấy...
Giggs kể lại rằng khi anh còn trẻ, Sir Alex luôn kiểm soát tiền vệ người xứ Wales cũng như các đồng đội thuộc thế hệ 1992 từng chút một: "Nếu muốn ra ngoài vào đêm thứ Bảy, ông ấy sẽ hỏi ngay lũ chúng tôi sẽ đi đâu, làm gì và gặp những ai. Nhiều khi bạn sẽ nghĩ 'ông ấy biết thế quái nào được' nhưng rồi chẳng biết bao lần, tôi phải ngồi im nghe ông ấy quát vì suy nghĩ đó".
Trong một cuộc phỏng vấn khi được hỏi về điểm yếu của Arsene Wenger, học trò cũ Viera im lặng, ngập ngừng giây lát rồi đáp: "Ông ấy quá tin vào các cầu thủ, tin đến mù quáng".
Hóa ra, đó lại là điểm khác biệt của Wenger và Sir Alex Ferguson, hai chiến lược gia vĩ đại nhất của kỷ nguyên Premier League. Ferguson không bao giờ tin vào các cầu thủ, ông chỉ tin vào chính mình. Chẳng ai nằm ngoài sự kiểm soát của "ông già gân" cả. Ông luôn muốn nắm quyền chủ động trong mọi việc. Stam, Roy Keane, Bekham,... đều phải ra đi khi họ nghĩ mình đứng trên tất cả. Fergie vạch ra lộ trình phát triển cho từng cầu thủ và kiểm soát để chúng không trật khỏi đường ray. Còn Wenger, ông để các cầu thủ của mình tự do.
Alex Ferguson hinh anh 2
HLV Wenger đang ngày càng sa lầy trong tư duy về thứ bóng đá duy mỹ dựa trên nền tảng là niềm tin với các cầu thủ.

Đó là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của Wenger. Vieira thừa nhận các cầu thủ thời đại bây giờ chẳng còn giống trước kia, khi họ có quá nhiều cám dỗ vây quanh. Nếu các cầu thủ trước kia có thể đi đến 11 hay 12 giờ rồi về, cùng lắm là uống bia, hút thuốc và hẹn hò với các cô nàng thì ngày nay, mọi thứ ghê gớm hơn nhiều. Các cầu thủ sẽ bị những ả "săn ngôi sao" vây đón rồi gặp hàng tá rắc rối ngoài sân cỏ. Họ tổ chức những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng và thậm chí dùng cả ma túy. Tất cả những điều đó khiến phong độ của các cầu thủ suy giảm.
Trên thực tế, Wenger luôn theo đuổi triết lý bóng đá đẹp như chính chất con người Pháp lãng mạn trong ông. "Giáo sư" muốn những học trò của mình giống như nghệ sĩ khi yêu cầu họ khai mở tâm hồn và trái tim. Wenger tin đến mù quáng rằng khi các cầu thủ có tố chất kỹ thuật của ông thi đấu với thứ cảm xúc thăng hoa nhất, mọi đối thủ đều có thể bị cuốn bay. Nhưng thực tế phũ phàng rằng niềm tin thái quá của Wenger đang khiến ông sa lầy nghiêm trọng.
Wenger quên rằng những nghệ sĩ chỉ có thể thăng hoa khi có cảm xúc nhất thời, chứ không thể yêu cầu họ lúc nào cũng có cảm hứng. Vì vậy, Arsenal của Wenger trong khoảng một thập niên trở lại đây cũng lúc hay lúc dở trong khi nhà vô địch cần bản lĩnh vững vàng để giữ sự ổn định trong từng mùa giải.
Fergie luôn duy trì phong cách lãnh đạo duy ý chí và có phần "giống kẻ độc tài" như Roy Keane từng chia sẻ. Còn Wenger lại giống một triết gia theo đuổi những triết lý lãng mạn về nghệ thuật và nhân sinh.
Chẳng thể phán xét ai giỏi hơn. Nhưng Fergie giờ đang an hưởng tuổi già sau khi vô địch Premier League lần cuối thay cho lời chia tay vào năm 2013. Còn Wenger muốn rời Arsenal trong ánh hào quang lần cuối của thứ bóng đá duy mỹ, nhưng sao khó quá...

Như Đạt
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X