Thứ Tư, 06/11/2024Mới nhất
Zalo

Tại sao Abramovich chưa sa thải Mourinho?

Chủ Nhật 18/05/2014 15:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Có một quy luật bất thành văn ở sân Stamford Bridge: Mùa nào Chelsea trắng tay, thì HLV mùa đó sẽ phải khăn gói ra đi. Nhưng có quá nhiều lý do để tin tưởng rằng Mourinho là một trường hợp ngoại lệ.

Nếu không tính mùa giải này, thì Chelsea mới chỉ trải qua ba mùa giải không có danh hiệu trong kỷ nguyên của Roman Abramovich (2003-04, 2007-08, 2010-11). Điểm chung trong số đó là ngay khi mùa bóng khép lại, lần lượt Claudio Ranieri, Avram Grant và Carlo Ancelotti đều phải thu dọn hành lý rời khỏi phòng làm việc. Điều này tạo nên một chuẩn mực đánh giá cho thành công của bất kỳ HLV nào dẫn dắt Chelsea: số danh hiệu thu về sau mỗi mùa giải.

 

Chuẩn mực đánh giá đã thay đổi

Có danh hiệu chưa chắc đã giữ được ghế, nhưng cứ trắng tay là bị sa thải. Chuẩn mực đó biến Chelsea trở thành lò xay HLV, với 11 lần thay tướng chỉ trong 10 năm.

Nhưng với trường hợp Jose Mourinho lần thứ hai trở lại Chelsea, chuẩn mực đánh giá ấy đã phải thay đổi. Dù không giành được chiếc cúp nào, nhưng đội chủ sân Stamford Bridge đã đua tranh quyết liệt ở các mặt trận. Tại Premier League, họ từng vươn lên dẫn đầu trong một thời gian không hề ngắn (64 ngày), và chỉ chịu rời bỏ cơ hội sau vòng 37. Đặc biệt hơn cả, Chelsea vẫn tiếp tục duy trì vị thế là đội bóng Anh chơi tốt nhất ở đấu trường Châu Âu, khi giành quyền lọt vào vòng bán kết Champions League. Dù đã thỏa mãn với chức vô địch Champions League cách đây 2 năm, nhưng Abramovich vẫn cần Mourinho để truyền bản lĩnh thi đấu cho các học trò ở sân chơi châu lục.

Ngoài ra, Abramovich cũng cần phải suy nghĩ kỹ nếu muốn lần thứ hai ra tráp sa thải với Mourinho. Đó không chỉ là việc phải bỏ ra một khoản tiền bồi thường không nhỏ. Sẽ rất khó khăn để lôi kéo các HLV tên tuổi như Pep Guardiola hay Jurgen Klopp đến sân Stamford Bridge, khi họ đều ổn định ở những đội bóng hiện tại. Công thức HLV tạm quyền đã từng thành công với Chelsea trong rất nhiều năm qua, như trường hợp vô địch Cúp FA năm 2009 của Guus Hiddink hay danh hiệu Champions League lần đầu tiên vào năm 2012 dưới thời Roberto Di Matteo. Nhưng đó là những khoảnh khắc có dấu ấn của may mắn, cùng với việc đội ngũ Chelsea vào thời điểm đó là rất chất lượng. Rất khó để thành công với công thức này thêm một lần nữa, khi nhân sự của Chelsea vào lúc này phần lớn là những cầu thủ trẻ, vốn cần thêm thời gian để trưởng thành. Đội chủ sân Stamford Bridge cũng cần phải nghĩ đến những tác động về tài chính trong bối cảnh họ phải thích nghi với Luật công bằng tài chính của UEFA.

Bộ mặt mới cho mùa sau

Quan trọng hơn cả, ai cũng biết rõ đội hình của Chelsea vẫn còn những hạn chế. Hàng công trở thành nỗi nhức nhối với phong độ tệ hại của các chân sút như Fernando Torres, Samuel Eto’o hay Demba Ba. Nhận thức được điều đó, nên những phát biểu của Mourinho trong suốt mùa giải liên tục hướng dư luận về suy nghĩ rằng Chelsea của mùa này chỉ là một “chú ngựa nhỏ”, và chưa phải lúc đội bóng nghĩ đến những danh hiệu. Những lời phát biểu ấy, thay vì là một đòn tâm lý chiến thường thấy, đã trở thành sự thật. Ông tin rằng mùa sau Chelsea sẽ bắt đầu xây dựng hành trình vô địch ngay từ ngày đầu tiên.

Để hiện thực hóa điều đó, Mourinho sẽ nhận được sự hỗ trợ về tài chính để xây dựng đội hình ưng ý nhất. Ưu tiên hàng đầu của chiến lược gia người Bồ Đào Nha chắc chắn là thay máu hàng công, với cái tên đầu tiên là Diego Costa từ Atletico Madrid. Ngoài ra, ông có thể bổ sung thêm một tiền vệ trung tâm nữa, cùng một hậu vệ trái trong trường hợp những cuộc thương lượng về hợp đồng mới với Ashley Cole đổ vỡ.

Với những bổ sung như vậy, Chelsea sẽ mang một hình hài trọn vẹn hơn, không còn cảnh chỉ “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô” như ở mùa giải này nữa. Nếu như Mourinho vẫn không thể đưa về sân Stamford Bridge bất cứ danh hiệu nào mùa tới, thì việc sa thải ông cũng không phải là một quyết định phũ phàng.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X