Vấn nạn ăn vạ ở Premier League bỗng trở thành đề tài nóng khi vòng 20 chứng kiến hàng loạt kịch sĩ. Phải chăng căn bệnh này đang trở nên khó chữa trên các sân bóng nước Anh?
Thời điểm cuối năm 2013 đầu năm 2014 là giai đoạn rất quan trọng khi các đội bóng của Premier League phải thi đấu 4 trận trong 11 ngày. Các đội sẽ quyết tâm giành chiến thắng bằng mọi phương thức, kể cả đóng kịch trên sân.
Những con số và thực tế biết nói
Ngay ở vòng 20 vừa qua, đã có ba tình huống ăn vạ được ghi nhận trong hai trận đấu Man United – Tottenham và Southampton – Chelsea. Tại sân St.Mary, ngay khi vào sân từ ghế dự bị, tiền vệ Oscar của Chelsea bị trọng tài Martin Atkinson rút thẻ vàng cảnh cáo vì ăn vạ lộ liễu. Tương tự, Welbeck và Januzaj cũng không hề kém cạnh về khả năng diễn kịch, dù cho nỗ lực của họ không giúp Man United tránh khỏi thất bại. Thậm chí, với riêng Januzaj, đây đã là lần thứ 3 anh bị thổi phạt vì lỗi đóng kịch. Một thành tích không đáng tự hào chút nào với tài năng trẻ 18 tuổi, người mới chỉ góp mặt ở đội một Man United trong mùa giải này.
Theo thống kê từ Daily Mail, Man United đang là đội bóng dẫn đầu về số thẻ phạt vì lỗi ăn vạ (4 chiếc). 9/13 thẻ vàng còn lại thuộc về Chelsea, Everton, Cardiff, Crystal Palace, Hull, Sunderland và Tottenham. Đáng chú ý, ba trong bốn đội dẫn đầu (Liverpool, Man City, Arsenal) chưa một lần bị sờ gáy vì trò tiểu xảo này.
Nhưng nếu nhìn một thống kê khác (từ tháng 8/2008 trở đi), Tottenham mới là đội bị các trọng tài xử nhiều nhất vì các kịch sĩ, với 13 thẻ vàng. Thành tích này có công rất lớn của một người cũ tại sân White Hart Lane, Gareth Bale, với 7 lần nhận thẻ. Xếp sau Tottenham là Chelsea và Man United, khi các trọng tài xử phạt 12 trường hợp ăn vạ của mỗi đội. Arsenal và Liverpool cũng không hề chơi sạch, khi mỗi đội đóng góp 8 thẻ vàng. Chỉ có Man City là ông lớn phần nào đó trung thực, với chỉ 4 trường hợp nhận thẻ vì ăn vạ.
Bao giờ mới chấm dứt?
Việc Premier League lúc này đang trở thành sàn diễn thời trang cho các kịch sĩ quả là một điều đáng ngạc nhiên. Cách đây hai tháng, theo một thống kê từ trang Daily Mail, các trọng tài chỉ phải rút ra 5 thẻ vàng cho hành vi ăn vạ, chiếm tỉ lệ 1,6% so với những lỗi khác. Con số đó thấp hơn hẳn so với các giải đấu khác của Châu Âu như Serie A (8 thẻ, 1,9%) hay Bundesliga (7 thẻ, 1,9%). Đó là một bước tiến rất đáng kể so với 34 thẻ cho các kịch sĩ ở mùa trước, chiếm tỷ lệ tới 2,9%, và là thành tích cao thứ hai trong 5 giải hàng đầu Châu Âu (kém Serie A, 89 thẻ, 4,8%).
Mới đây, trong một bài viết cho trang Daily Mail, cựu trọng tài Graham Poll lý giải rằng việc ăn vạ, nếu trót lọt thì hoàn toàn có thể là một cách để đem về điểm số hay thậm chí là thắng lợi cho đội nhà. Điều này không hề vô căn cứ, khi từ đầu mùa đến giờ không ít đội bóng bị mất điểm oan vì những tình huống ngã giả vờ không được phát hiện. Điển hình là hồi tháng 11, trong trận đấu giữa West Brom và Chelsea, Ramires đã đóng kịch thành công và đem về quả phạt đền giúp Chelsea thoát được trận thua đầu tiên trên sân nhà. Trước đó, màn đóng kịch của Ashley Young giúp cho Man United thắng trước Crystal Palace hồi đầu mùa.
Đã từng có thời điểm Liên đoàn bóng đá Anh (FA) xem xét việc áp dụng công nghệ xác định ăn vạ như ở Scotland. Tuy nhiên, mọi chuyện rồi lại đâu vào đấy. Thế nên, việc ăn vạ có trở thành vấn nạn ở Premier League mùa này hay không phụ thuộc vào ý thức đạo đức của các cầu thủ. Nhưng tính trung thực trên sân cỏ là một điều gì đó xa xỉ.
Theo Thể Thao Văn Hoá