Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

Sự khó lường của Premiership 2010/11: Vì công nghệ hiện đại?

Thứ Năm 25/11/2010 08:10(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một Premiership đang sống trong thời kỳ hỗn loạn. Sự cạnh tranh giữa các đội bóng lại trở nên quyết liệt hơn ở Premiership mùa này. Vì thiếu ngôi sao nên đẳng cấp giữa các đội bóng dần được thu hẹp, hay các ông lớn đang tự đánh mất mình? Những câu hỏi vẫn chưa có lời giải thích thuyết phục…

Từ lý thuyết...

Nhiều ý kiến cho rằng, mức thuế thu nhập lên tới 50%, sự suy yếu của đồng bảng Anh có thể là nguyên do khiến Premiership giảm sức hút với các cầu thủ nước ngoài. Những khoản nợ khổng lồ, các chính sách “thắt lưng buộc bụng” khiến giới cầu thủ e ngại hơn nếu chọn “bãi đáp” là giải Ngoại hạng Anh? Quá nhiều lý do giải thích cho sự xuống cấp của Premiership, mà không có cơ sở nào tạo được niềm tin. Trước mắt, chỉ có lời chỉ trích từ HLV Arsene Wenger mới gây được sự chú ý: “Các công nghệ mới được áp dụng, những phân tích và thống kê sau trận đấu dần thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa các CLB”.

Thành công của những đội nhỏ như Bolton là nhờ vào ứng dụng công nghệ cao vào công tác huấn luyện?

Lý do dẫn đến tình trạng này là các CLB nhỏ đã có sự đầu tư chuyên sâu hơn về việc nghiên cứu đối thủ. Theo HLV của Arsenal, những phân tích chi tiết về các cầu thủ giúp các HLV đánh giá được tình hình thực tế. Công nghệ hiện đại góp phần nâng cao trạng thái thể lực của cầu thủ, tránh tình trạng hụt hơi trong bối cảnh các trận đấu “đốt” sức ở giải Ngoại hạng. Ngày nay, tất cả các CLB đều có thể truy cập cơ sở dữ liệu ProZone, nơi cung cấp những thông tin chi tiết nhất về khả năng của một cầu thủ. Bạn có thể biết anh ta chạy bao xa, lối chơi thế nào, để từ đó rút ra những kinh nghiệm, cải thiện chiến thuật và giảm thiểu rủi ro cho đội bóng của mình.

… đến thực tiễn

Thực tế, không chỉ các CLB nhỏ áp dụng công nghệ hiện đại, mà ngay cả các đại gia cũng đã làm từ khá lâu. Tottenham là đội bóng đi đầu trong việc áp dụng những phân tích của máy tính. Trợ lý Mike Forde ở Chelsea vẫn thường sử dụng những con số “biết nói” giúp HLV Ancelotti trong công tác huấn luyện. Hay như Liverpool áp dụng kiểu thống kê “Sabermetrics” của môn Bóng chày, nhằm rèn phản ứng cho cầu thủ và cả công tác tuyển dụng.

Man Utd, Man City, Liverpool và Arsenal đều bắt tay với công ty STATsports, nơi cung cấp một loại áo đặc biệt để theo dõi quá trình tập luyện của cầu thủ bằng hệ thống GPS. Chính ĐT Anh cũng đang áp dụng những phân tích khoa học giúp các cầu thủ giảm tải mệt mỏi và tránh chấn thương. Theo GĐĐH Ivan Gazidis của Arsenal: “Sự phổ biến của công nghệ sẽ tăng lên trong tương lai. Các CLB buộc phải thích nghi, nếu không muốn bị tụt hậu”.

Xét cho cùng con người vẫn là mấu chốt của vấn đề. Đừng đổ lỗi cho công nghệ với sự thụt lùi của các “ông lớn” Premiership. Điều cốt yếu là ý thức tự vận động và sự nỗ lực của chính bản thân các cầu thủ.
 
(Theo báo Bóng Đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X