Giai thoại 4 “ông bầu”
Sau loạt trận của “ngày thứ Bảy đen tối”, HLV Felipe Scolari của Chelsea não nề: “Chúng tôi sút tới 24 quả, cầm bóng 70%, chỉ tiếc là không có bàn thắng”. Cùng lúc ở đầu cầu City of Manchester, Giáo sư Wenger buồn bã: “Arsenal thiếu khả năng tổ chức, không có người lãnh đạo đủ tầm”. Đơn giản hơn, Rafa Benitez ngước nhìn trời mà than: “Một ngày tồi tệ”. Còn Sir Ferguson thì đổ lỗi cho trọng tài: “Đáng lẽ MU phải được hưởng phạt đền”…
Chelsea tấn công từ đầu đến cuối nhưng không làm cách nào ghi được bàn vào lưới Newcastle
Thôi thì đủ cả, bằng nhiều cách 4 “ông bầu” của Top 4 một lần nữa không nhận trách nhiệm về mình. Đúng thôi, đội bóng là một tập thể, vì thế vai trò của HLV cũng chỉ có giới hạn. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên, cả 4 “thuyền trưởng” của “Tứ đại gia” buông lời phàn nàn. Ngầm hiểu rằng, chưa bao giờ Top 4 cùng lúc gây thất vọng. Bóng đá Anh là vậy, khi thứ trật tự nhàm chán của Top 4 đã được định hình từ rất lâu và chẳng mấy khi cấu trúc đó bị phá vỡ.
Năm nay, tình hình không chắc đã khác đi, dẫu rằng kết thúc vòng 14, Aston Villa đã vượt qua Arsenal để đặt chân vào Top 4. Bởi quá khứ đã nhiều lần chứng minh, “Tứ đại gia” vẫn sẽ lại đoàn tụ sau những thời điểm mất phương hướng tạm thời. Xét cho cùng, đẳng cấp và chênh lệch giầu nghèo giữa Top 4 và phần còn lại vẫn còn rất lớn.
Top 4 phải… “chết”!
Nhưng như thế không có nghĩa, Top 4 là một thành trì không thể khoan phá. Vòng 14 đã chứng kiến một trong những thất bại đau đớn nhất của Arsenal trong kỷ nguyên Arsene Wenger, cũng đã trải nghiệm một ngày mất điểm tồi tệ của MU, Chelsea và Liverpool. Nhìn từ những gì đã diễn ra, có thể nhận định rằng, Top 4 đang bước vào giai đoạn thực sự khó khăn, so với sự ổn định và thăng hoa vốn có của chính họ.
Đây đã là tuần thứ 6 liên tiếp, “dải thiên hà Top 4” phải thi đấu 2 trận/tuần, cho cả cấp CLB lẫn các ĐTQG. Mật độ thi đấu quá dày đặc như vậy đã kéo theo rất nhiều hệ lụy. Thứ nhất là cơn bão chấn thương, khiến “Tứ đại gia” cuối tuần qua đã phải chơi với đội hình què quặt. Thứ hai là thể lực giảm sút. Nếu ai xem trận Man City – Arsenal, dễ nhận thấy Pháo thủ gần như kiệt sức khi các hiệp đấu mới đi qua chưa đầy 30 phút. Và cuối cùng là tâm lý chán nản, buông xuôi do chính sự mệt mỏi về thể chất gây ra.
Arsenal còn tệ hơn khi thua trắng 3-0 tại City of Manchester
Thực ra, cái mà người ta quen gọi là “Virus FIFA” đã xảy ra từ rất nhiều năm nay. Nhưng điều quan trọng là những người làm bóng đá (đặc biệt là bóng đá Anh) không phải không muốn, mà là không thể thay đổi nó. Trong đời sống túc cầu giáo, mà sự phát triển mang tính thương mại đóng vai trò quyết định đến tự tồn vong và hưng thịnh của môn thể thao vua, thì các đội bóng, các cầu thủ “triệu phú” chẳng thể than phiền hay kêu ca gì được.
Bởi vậy hãy cứ tin rằng, chuyện Top 4 sẩy chân là điều hết sức bình thường và thậm chí sẽ ở mức độ thường xuyên hơn rất nhiều trong những tháng mùa Đông lạnh giá này. Vấn đề chỉ còn là, phần còn lại của Premiership có tận dụng được thời cơ kiếm điểm từ chính “Tứ đại gia”, qua đó rút ngắn dần khoảng cách với họ hay không mà thôi…
Con số:
0: Cả 4 đội thuộc Top 4 đều không thắng, đáng nói hơn không đội bóng nào ghi nổi dù chỉ 1 bàn. Lần đầu tiên một vòng đấu của kỷ nguyên Premiership có sự trùng hợp lạ kỳ đến thế.
5: Arsenal đã thua 5 trận tại Premiership mùa này. Đây là khởi đầu tồi tệ nhất của Pháo thủ sau 14 vòng đầu tiên kể từ mùa 97/98.
9: Với trận hòa Newcastle 0-0, Chelsea đã để mất tới 9 điểm trên sân nhà mùa này, trái ngược với thành tích toàn thắng khi The Blues đá sân khách.
(Theo Báo Bóng Đá)