Sau trận đấu với Thụy Điển, Steven Gerrard đã gia nhập “Câu Lạc Bộ 100” cho đội tuyển Anh với trận đấu gặp Thụy Điển. 100 lần ra sân cho ĐTQG là một thành tích quá tuyệt vời với bất kỳ ai, nhưng con số này đồng thời cũng khẳng định sự phí phạm năng lực của đứa con thành Liverpool.
Khi một cầu thủ chạm tới những cột mốc trọng đại thế này, người ta sẽ điểm lại những chiến tích trong sự nghiệp của anh cho đội tuyển. Nhưng trong trường hợp của Gerrard, mọi thứ không khác nào một trang giấy nhờ nhòe một vài đường nét bất định, bất chấp tài năng và lòng trung thành anh đã cống hiến.
Một trường hợp gần tương tự với anh chính là David Beckham – một trong những “số 7” huyền thoại của sân Old Trafford. Nhưng cũng cần nhắc lại rằng, trong thời đỉnh cao của mình, Beck đã được trao chiếc băng thủ quân, được thần tượng hóa như một đỉnh cao của đội tuyển. Còn Gerrard thì sao? Về tư chất thủ lĩnh, có lẽ anh còn vượt trội hơn Beckham, nhưng nó tỉ lệ nghịch với độ dài khoảng thời gian làm thủ lĩnh đội tuyển.gerrard
Phải tới World Cup 2010, Gerrard – cầu thủ không thể thay thế ở Liverpool, người được tất cả các đồng đội nể trọng – mới được trao vai trò đội trưởng chính thức ở một giải đấu lớn. Nhưng nó cũng chỉ diễn ra khi John Terry gặp những vấn đề ngoài sân cỏ.
Gerrard khởi đầu giải đấu trong vai trò tiền vệ trung tâm sở trường, ghi bàn chỉ sau 4 phút để đưa Anh vượt lên dẫn trước Mỹ. Sự ngớ ngẩn của Robert Green đã tặng cho đối thủ 1 điểm, nhưng bàn “phản lưới” lớn nhất của các trận đấu sau đó lại được ghi bởi... HLV Fabio Capello khi ông kéo Gerrard sang vị trí đá biên trong khoảng thời gian còn lại của giải đấu. Những nỗ lực để ghép cặp Frank Lampard và Gareth Barry không thành, ngược lại Capello còn làm cho tiền vệ số một của Anh khi ấy – Steven Gerrard không thể hiện được hết khả năng, khi đưa anh ra biên. Không quá ngạc nhiên khi sự liên kết giữa bộ đôi Lampard – Barry hoàn toàn sụp đổ trước Đức, bất lực trước Algeria và chỉ may mắn vượt qua Slovenia.
Năm 2006, mùa hè sau khi Gerrard ghi tới 26 bàn trong một mùa giải cho Liverpool, suýt nữa một mình kéo cúp FA về sân Anfield, anh đã thi đấu trọn kỳ World Cup cho tuyển Anh với vai trò tiền vệ trung tâm. Như một lẽ tự nhiên, tuyển Anh có một giải đấu thành công hơn nhiều, còn Gerrard trở thành cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho tuyển Anh khi ấy. Chỉ vì cái đầu nóng nảy của Wayne Rooney mà tuyển Anh không thể vượt qua Bồ Đào Nha ở vòng tứ kết, khi tiền đạo của Manchester United phạm lỗi với Ricardo Carvalho gần vòng tròn trung tâm. Nếu bạn hỏi thủ quân của tuyển Anh khi ấy là ai, vì sao không xuất hiện kịp thời để giữ bình tĩnh cho đồng đội trẻ tuổi, thì câu trả lời thật trớ trêu: Đó là David Beckham, người đã làm điều gần như giống hệt như thế tại kỳ World Cup 1998. Trên thực tế, Beckham đã là đội trưởng tuyển Anh từ Euro 2004, giải đấu mà Tam Sư bị loại sau màn đấu súng căng thẳng trên chấm phạt đền cũng trước chính Bồ Đào Nha. Beck bị liệt vào danh sách những cầu thủ gây thất vọng sau trận đấu, còn Gerrard đã ghi bàn ở phút thứ 57 từ vị trí nghịch sở trường – đá cánh.
Trong chiến dịch World Cup 2012, Roy Hodgson trở thành vị HLV trưởng đầu tiên của đội tuyển Anh coi Gerrard là sự lựa chọn hàng đầu cho vai trò thủ lĩnh, và huyền thoại sống của Liverpool đã đáp tạ ông thầy bằng 3 pha kiến tạo sau 3 trận vòng bảng. Những quả đá phạt trực tiếp của Gerrard trở thành nỗi ám ảnh cho mọi hàng phòng ngự phải đối đầu, và anh cũng chính là cầu thủ xuất sắc nhất của Anh trong giải này. Thế nhưng không khó để dự đoán: Gerrard và các đồng đội đã bị loại ở vòng tứ kết, sau khi vắt kiệt sức lực cho 120 phút ở vòng đấu trước đó.
Mọi câu hỏi đặt ra giờ đều là những lời trách móc: Vì sao chỉ khi Gerrard – một trong những tiền vệ tài năng nhất lịch sử bóng đá Anh – đi sang sườn dốc bên kia sự nghiệp ở tuổi 32 thì mới nhận được những điều mà anh xứng đáng đảm nhận từ rất, rất nhiều năm trước đó?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)