Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Số phận dàn sao Man Utd sau sự ra đi của David Moyes

Thứ Tư 23/04/2014 17:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong bóng đá hiện đại, sự nghiệp của từng cầu thủ ngày càng có mối liên hệ chặt chẽ với người thầy dẫn dắt họ. Chuyện một cầu thủ toả sáng dưới bàn tay HLV này nhưng mau chóng nhạt nhoà khi làm việc với một HLV khác là hết sức bình thường. Bởi thế, cứ mỗi khi CLB tiến hành thay tướng thì kiểu gì cũng có "người lên người xuống" tuỳ thuộc vào quan điểm, chính sách, phong cách của vị tướng cầm quân. Dù đến giờ, chưa rõ chân dung thuyền trưởng mới của Man Utd trong mùa giải tới ra sao nhưng hãy thử tưởng tượng xem, tình cảnh của những cầu thủ đang thuộc biên chế đội 1 Man Utd (chưa tính số cầu thủ đang thi đấu theo diện cho mượn) sẽ như thế nào trong tương lai

 

David De Gea: Không còn nghi ngờ gì, thủ môn người TBN luôn xứng đáng là thần gác đền số 1 đội bóng. Nên bất kể HLV sắp tới của Man Utd là ai thì vị trí của De Gea chắc chắn "bất khả xâm phạm". Sẽ chẳng có ai "điên" đến độ tính việc thay đổi thủ môn khi mà De Gea còn trẻ, đầy tài năng, phong độ cũng rất ổn. Thêm vào đó, Man Utd còn khối vị trí cần phải bổ sung thì không dại gì đầu tư vào một thủ môn mới, trừ phi De Gea không còn tha thiết gì với màu áo Đỏ.

Anders Lindegaard: Do sự xuất sắc của De Gea mà thủ môn người Đan Mạch phải an phận với vai trò "dự bị". Lindegaard cũng đã 30 tuổi nên nếu muốn được ra sân thường xuyên thì không gì khác, anh sẽ phải tính chuyện ra đi mà không cần phải chờ xem người thầy mới của Man Utd là ai.

Rafael da Silva: Có vẻ Moyes đã rất sai lầm khi cho rằng Rafael không phải là mẫu hậu vệ cánh toàn diện, tức là chỉ mạnh về tấn công và yếu về kỹ năng phòng ngự nên có lần, ông đã đề cập tới việc chiêu mộ một hậu vệ phải mới toàn năng hơn. Trên thực tế, cầu thủ người Brazil "công - thủ" đều nhau và rất giàu triển vọng như nhận định ban đầu của Sir Alex Ferguson vĩ đại. Chỉ có điều, hậu vệ 9x đời đầu chưa hoàn toàn trưởng thành mà vẫn cần phải hoàn thiện nhiều đồng thời cũng không đạt tới mức độ ổn định cao. Xem ra, việc Moyes bị sa thải đúng là tin mừng với Rafael.

Patrice Evra: Hậu vệ kỳ cựu này hết hạn hợp đồng với Man Utd vào cuối mùa và từng bị đồn nằm trong danh sách thanh lý của David Moyes. Tuy nhiên, trong bối cảnh, Man Utd chưa sở hữu trong tay một gương mặt nào xứng đáng thay thế Evra thì có lẽ, khôn ngoan nhất là nên tiếp tục giữ Evra ở lại, tối thiểu một mùa giải nữa. Tất nhiên, Man Utd vẫn cần phải chiêu mộ một hậu vệ trái mới, ưu tiên trẻ trung và giỏi giang cỡ thần đồng Luke Shaw của Southampton song quá trình chuyển giao nên diễn ra từ từ thì tốt hơn. Chỉ sợ, Evra vẫn chọn giải pháp ra đi, đặc biệt nếu Man Utd mua xong nhân vật sẽ kế nhiệm anh.

Phil Jones: Thủ lĩnh tương lai của hàng thủ Man Utd thời kỳ hậu Ferdinand - Vidic. Jones nằm trong số ít ỏi cầu thủ Man Utd chơi tốt nhất dưới triều đại ngắn ngủi của David Moyes, nhất là kể từ khi được đảm nhận vị trí trung vệ sở trường. Tất nhiên, thỉnh thoảng Jones vẫn mắc lỗi song đó là điều dễ hiểu bởi dẫu sao Jones mới 22 tuổi, chưa phải là độ tuổi thật chín với một trung vệ. Ngoài ra, Jones lại cực kỳ đa năng, có thể đảm nhận nhiều vị trí khác mà thời buổi này, HLV nào chẳng muốn sở hữu trong tay vài ba học trò như vậy.

phil jones
 

Rio Ferdinand: Tuổi cao sức yếu (Rio sinh năm 1978) cộng thêm phong độ suy giảm nên phải chăng đã tới lúc Rio tính chuyện giải nghệ hoặc gia nhập một đội bóng khác nhẹ nhàng hơn chứ Ferdinand thực sự chẳng còn đủ sức để tạo sự an tâm cao cho mọi người ở một CLB lớn, lại ở một giải đề cao yếu tố sức mạnh như Premier League. Thêm vào đó, Rio còn được xem là một "đại bàng" trong phòng thay đồ, tiềm ẩn nguy cơ mất đoàn kết nội bộ rất lớn (Ferdinand được cho nằm trong nhóm cầu thủ ngấm ngầm chông đối David Moyes) mà một HLV mới, kể cả mang gốc gác "Quỷ đỏ" chính hiệu, tất nhiên chẳng bao giờ thích làm việc với một cựu binh sở hữu "quyền lực đen" ghê gớm.

Nemanja Vidic: Đã chính thức nói lời chia tay và đạt được thoả thuận sơ bộ với Inter Milan. Do đó, khả năng "lật kèo" là cực thấp, nhất là khi lúc anh chấm dứt hợp đồng, chắc gì Man Utd đã bổ nhiệm xong xuôi HLV mới thay cho Ryan Giggs "tạm quyền". Dù thế nào, sự ra đi của Vidic cũng là kết cục hợp lý cho các bên bởi Vidic đã cống hiến hết mình cho đội bóng trong khi Man Utd kiểu gì cũng phải tìm người thay Vidic nên thà sớm còn hơn.

Jonny Evans: Nếu không thường xuyên dính chấn thương thì tin chắc Evans thừa trình độ, năng lực để trở thành trung vệ số 1 Man Utd, hàng đầu Premier League. Ngoài vấn đề sức khoẻ thất thường thì Evans cũng đã 26 tuổi, không còn nhiều tiềm năng để bứt phá mạnh trong tương lai nên chiến lược gia mới của Man Utd mà định đem về Old Trafford một trung vệ tầm cỡ, lại trẻ trung hơn Evans thì khả năng tuyển thủ quốc gia Bắc Ai Len ra đi là không hề nhỏ.

Chris Smalling: Không thua kém Phil Jones bao nhiêu về tài năng (Smalling có thể chơi trung vệ hoặc hậu vệ phải) song cầu thủ sinh năm 1989 này lại sớm dính nhiều thói hư tật xấu ngoài sân cỏ mà sẽ ảnh hưởng nhiều đến cơ hội phát triển sự nghiệp. Trước khi Moyes bị sa thải không lâu, Smalling đã bị phát hiện tiệc tùng thâu đêm, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật "cấm trại" của CLB. Do đó, vị HLV sắp tới của Man Utd mà không cao tay hay thiếu tự tin vào trình độ "quản sao" của mình thì nhiều khả năng, sẽ thanh trừng ngay Smalling cho rảnh nợ.

Alex Buttner: Tài năng thật sự của Buttner vẫn là một ẩn số khi anh chưa để lại được nhiều ấn tượng sâu sắc nhưng nói đi cũng phải nỏi lại, cầu thủ người Hà Lan đâu có được Sir Alex rồi David Moyes đặt niềm tin. Bởi thế, hãy tin rằng, cơ hội của Buttner ở Old Trafford vẫn còn, miễn là số hậu vệ trái của đội bóng trong tương lai không được vượt quá 2 (tức là hoặc Evra ra đi hoặc Man Utd chưa mua thêm hậu vệ trái mới trong mùa tới).

Ryan Giggs: Từ giờ đến cuối mùa, huyền thoại người xứ Wales chắc chắn sẽ phải tập trung vào công tác huấn luyện hòng giúp đội bóng yêu quý đạt thành tích tốt nhất có thể trong 4 trận còn lại tại Premier League. Nhưng tin chắc, sau đó, anh sẽ chính thức giải nghệ khi mà đã ngoài 40 tuổi và sẽ gắn bó với Man Utd trên một cương vị khác, trừ phi không thích.

Michael Carrick: Không thi đấu quá ấn tượng dưới triều đại Moyes song chủ yếu do hoàn toàn bị "bó buộc" ở vai trò đánh chặn đơn thuần chứ không được phép lên tham gia tấn công như trước. Về mặt bản chất, Carrick là dạng tiền vệ trung tâm "con thoi" làm cầu nối giữa hàng công và hàng thủ nên hiển nhiên, anh không thể bộc lộ hết những phẩm chất tốt nhất nếu phải "chết dí" ở vị trí chốt chặn cuối cùng của tuyến giữa. Tuy nhiên, hiện giờ, Man Utd lại không thiếu những mẫu tiền vệ na ná như vậy, lại còn ít tuổi hơn Carrick nên chưa biết chừng, tiền vệ này sẽ phải ra đi để dọn chỗ cho một chiến binh thép đích thực.

Nani: Do chấn thương dây chằng mà Nani đã vắng mặt trong phần lớn thời gian Moyes tại vị. Dẫu vậy, từ thời Sir Alex, Nani đã cực kỳ thất thường và không mấy khi đền đáp lại sự tin tưởng của người thầy vĩ đại dành cho mình. Chính xác suốt 7 năm qua, may ra chỉ có khoảng chưa đến 2 mùa Nani chơi tạm ổn, còn lại anh đều thể hiện cho tất cả thấy sự làng nhàng của mình dù bây giờ Nani đã 27 tuổi. Thêm vào đó, Nani khá "mong manh dễ vỡ" và luôn thường trực phải đối diện với nguy cơ mắc chấn thương nên xem ra, Man Utd có thể vô tư "tống khứ" Nani mà chẳng cần phải chờ đến lúc bổ nhiệm HLV mới.

nani
 

Ashley Young: So với Nani thì Young khá khẩm hơn một chút nhưng rõ ràng qua 3 năm chơi bóng tại thành Manchester, anh vẫn chưa lấy lại được phong độ đỉnh cao như hồi còn khoác áo Aston Villa. Ngoài ra, Man Utd hiện sở hữu không ít những gương mặt trẻ giỏi đá cánh (như Januzaj, Zaha) nên tương lai của Young càng trở nên bấp bênh. Song có lẽ Young chưa phải ra đi trừ phi ban lãnh đạo cùng HLV mới quyết tâm tiến hành cuộc thay máu triệt để vì Young là một người Anh chính gốc, lại quá thông thạo Premier League nên vẫn còn hữu dụng ở đấu trường nội địa.

Tom Cleverley: Trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của chính Man Utd, Cleverley sở hữu lợi thế không nhỏ để trở thành một trụ cột của đội vì những CLB đề cao tính truyền thống như Man Utd bao giờ cũng xem trọng "cây nhà lá vườn". Nhưng năng lực của Cleverley thực sự có hạn nên mới dẫn đến việc Cleverley ngày càng thụt lùi chứ không "thăng tiến đều đều". Tất nhiên, chưa ai có thể nói trước về tương lai khi mà Cleverley mới 24 tuổi song trước mắt, cầu thủ này không còn xứng đáng trụ lại Man Utd.

Darren Fletcher: Vấn đề sức khoẻ của tiền vệ người Scotland là đáng bận tâm nhất. Vài năm qua, anh đã phải nỗ lực chiến đấu với bệnh tật để được tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với trái bóng tròn. Dù bây giờ, Fletcher đã khoẻ mạnh nhưng biết đâu đấy, căn bệnh đó sẽ tái phát trong tương lai. Ngoài ra, do phải nghỉ quá lâu nên Fletcher sẽ còn phải cố gắng rất nhiều để tìm lại phong độ tốt nhất của mình song thời gian chẳng chờ đợi ai (Fletcher đã 30 tuổi) và chính Man Utd cũng không thể kiên nhẫn khi mà đội bóng cần phải mau chóng tìm lại vị thế ngay ở mùa tới.

Antonio Valencia: Phẩm chất quý giá nhất của Valencia là sự cần cù, chăm chỉ, không kêu ca phàn nàn và luôn chiến đấu hết mình nhưng một tiền vệ tấn công cần nhiều hơn thế. Valencia thi đấu như một cỗ robot được lập trình sẵn và thiếu đi sự sáng tạo, kể cả trong công việc đơn giản nhất của một tiền vệ (chuyền bóng). Dẫu vậy, Valencia vẫn xứng đáng được ở lại bởi ít ra, anh không "lên xuống thất thường" nhịp nhàng như Nani hay Young.

Shinj Kagawa: Một bài toàn cực kỳ khó giải với bất cứ HLV nào ngồi lên chiếc ghế nóng tại Old Trafford mùa tới, ngoại trừ duy nhất Jurgen Klopp, người thầy cũ từng dìu dắt Kagawa ở Dortmund và được cho là một ứng cử viên sáng giá đang được giới chủ người Mỹ nhắm tới. Không chỉ vì Man Utd hiện không thiếu nhạc trưởng (Juan Mata hoặc Wayne Rooney) mà bởi Kagawa đã thể hiện cho tất cả thấy anh vẫn chưa hoàn toàn thích ứng với môi trường bóng đá nặng về thể lực tại Premier League. Thêm vào đó, Kagawa lại khá "một màu" khi chỉ giỏi thi đấu ở khu trung tâm và thường xuyên nhạt nhoà nếu bị đẩy sang cánh nên không dễ bố trí anh vào đội hình chính của Man Utd, bất kể chiến thuật thi đấu ra sao.

Marouane Fellaini: Chưa thể khẳng định Fellaini là "di sản" hay "cục nợ" mà Moyes để lại Man Utd. Không phủ nhận, hồi còn thi đấu ở Everton, tiền vệ người Bỉ thể hiện không tồi, từng được xem là tiền vệ trung tâm thuộc vào diện hay nhất giải nhưng rõ ràng, Man Utd đã phải bỏ ra số tiền quá cao cho Fellaini (hơn 27 triệu bảng) trong khi đóng góp của anh cho đến nay là vô cùng nhỏ bé, chưa bằng 1/10 nhưng gì đội bóng đã mất. Tuy nhiên, phải chăng sẽ là quá vội vàng nếu sớm tống khứ Fellaini chỉ sau một năm thi đấu ở Old Trafford. Bên cạnh chuyện cầm chắc lỗ nặng (các ông chủ người Mỹ vốn giỏi tính toán nên dĩ nhiên không bao giờ thích thực hiện một phi vụ kinh doanh thê thảm như vậy) thì Fellani ít ra trẻ trung hơn Carrick hay Fletcher, ngon lành, kinh nghiệm hơn Cleverley. Do đó, tiếp tục trao cho Fellaini cơ hội vẫn là giải pháp sáng suốt nhất.

Wayne Rooney: Tưởng như việc bổ nhiệm Moyes sẽ làm phật lòng Rooney bởi trong quá khứ, cả hai từng có không ít khúc mắc ở Everton nhưng hoá ra, R10 mới là cầu thủ hưởng lợi nhiều nhất. Này nhé, anh lại trở thành hạt nhân trọng yếu của đội bóng sau khi đã phải "chia sẻ" vinh dự đó với đồng đội Robin Van Persie trong mùa cuối cùng Sir Alex nắm quyền. Không những vậy, anh còn được đội bóng gia hạn hợp đồng và hưởng mức lương cao nhất Premier League cũng như được "quy hoạch" cho trọng trách thủ quân "kế tục" Vidic. Xét tổng thể, trong tương lai, Rooney vẫn sẽ là linh hồn không thể thay thế của Man Utd nhưng tân thuyền trưởng đội bóng chắc chắn sẽ phải dè chừng anh chàng này và tìm ra cách hành xử phù hợp giống như Sir Alex trước kia bởi Rooney rất hay "dở chứng".

rooney van persie
 

Javier Hernandez: Đúng là Chicharito không hề được Moyes ưa thích nhưng bản thân chân sút người Mexico cũng cần nhận thức được rằng bản năng săn bàn của mình đã bị "cùn đi" rất nhiều. Bây giờ, "Hạt đậu nhỏ" không còn khiến các đối thủ phải e ngại khi được tung vào sân từ băng ghế dự bị bởi khả năng chớp cơ hội đỉnh cao đã suy giảm đáng kể. Nhưng điều đó không đáng lo ngại bằng việc Chicharito cứ muốn được ra sân thường xuyên chứ đã hết sạch hứng thú với biệt hiệu "siêu dự bị". Vì thế, xem ra, con đường rời khỏi Old Trafford đang khá thênh thang với Javier Hernandez khi mà anh cũng nhận được không ít lời chào mời.

Danny Welbeck: Tuy chưa bùng nổ dữ dội (thực ra, mùa này Welbeck đã có được 10 bàn, gần bằng mùa giải tốt nhất kể từ ngày đầu khởi nghiệp với 12 bàn) nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng và độ triển vọng của chân sút sinh năm 1990 người Anh gốc Ghana. Thêm vào đó, Welbeck có thể chơi tốt ở nhiều vị trí trên hàng công dù về sở thích, anh chỉ muốn được đá trung phong nên rõ ràng rất hữu dụng với bất cứ nhà cầm quân nào. Vấn đề ở chỗ, liệu người thầy không biết có khả năng "kích nổ" Welbeck hay không mà thôi, bằng không đây sẽ mãi chỉ là "quả bom hạng nặng" bị chôn vùi.

Juan Mata: Sẽ chẳng ai mới lên dẫn dắt Man Utd mà đã vội tính đến việc loại bỏ bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử CLB, lại mới cống hiến cho đội bóng chưa được bao lâu. Không những vậy, Mata cũng đã phần nào chứng tỏ được giá trị của mình nên 100%, cựu cầu thủ của Chelsea sẽ luôn hiện diện trong mọi hoạch định cho tương lai của Man Utd.

Robin van Persie: Tương lai của sát thủ người Hà Lan chắc chắn sẽ được bảo đảm một khi người thầy anh yêu quý, Louis Van Gaal trở thành HLV trưởng Man Utd như mong muốn của chính anh. Trong các trường hợp khác thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra bởi nguy cơ Percy "bằng mặt mà không bằng lòng" giống như cách hành xử với David Moyes hoàn toàn có thể tái diễn. Thêm vào đó, sự xung đột lợi ích với gương mặt "bất khả xâm phạm" Wayne Rooney cũng sẽ khiến Van Persie phải suy nghĩ. Kể cả khi Van Gaal được bổ nhiệm thì một trong những thách thức đầu tiên là phải tìm ra phương sách hợp lý "kết hợp hài hoà" hai ông sao này, bằng không tốt nhất nên cho một người ra đi và tất nhiên, Percy sẽ phải chịu hy sinh.

Adnan Januzaj: Đây là thành tựu "vĩ đại" nhất của Moyes trong thời gian dẫn dắt Man Utd. Nhờ con mắt tinh tường của "Người được chọn" mà Januzaj đã được thiên hạ biết tới và rõ ràng, tương lai của thần đồng sinh năm 1995 này là cực kỳ xán lạn. Đúng là, sau khi Juan Mata cập bến Old Trafford, Januzaj không còn được trọng dụng, dẫn đến sự thăng tiến của anh bị chững lại nhưng mỗi khi ra sân, Januzaj vẫn thể hiện rất tốt. Bởi thế, Januzaj hẳn sẽ không khó kiếm được chỗ đứng trong đội hình Man Utd mùa tới, đặc biệt nếu vị HLV mới biết cách làm việc với các cầu thủ trẻ.

Bảo Phương

 

Có thể bạn quan tâm

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Nhân dịp Arsenal đang đạt được vị thế một ứng cử viên cho chức vô địch Premier League mùa giải này dựa trên “nền móng” là cặp trung vệ Gabriel Magalhães và William Saliba, sẽ rất thú vị nếu chúng ta tiến hành một cuộc “điều tra” về tình trạng hiện tại của các tổ hợp trung vệ còn lại ở giải đấu này.

Video

Xem thêm
top-arrow
X