Điều gì đã khiến M.U bật dậy mạnh mẽ trong một mùa giải mà ở bước khởi đầu, họ không được đánh giá cao bằng ĐKVĐ Man City. Khả năng hòa nhập của van Persie, màn hồi sinh của Chicharito, Rooney hay sự trưởng thành của Anderson, Cleverley? Thật ra, Sir Alex vẫn là người có công lớn nhất, với một đức tin mạnh mẽ, và quyết tâm chuyển hóa nó thành hiện thực.
Người ta vẫn hay cho rằng đó là tính cách bảo thủ của ông già gân người Scotland. Trong suốt kỳ chuyển nhượng mùa hè, báo chí Anh và các fan M.U kêu gào liên tục về nhu cầu cấp thiết của một tiền vệ phòng ngự đẳng cấp thế giới nhằm mang tính cân bằng cho M.U. Mặc, sir Alex vẫn đặt van Persie làm mục tiêu chính, với cái giá 22 triệu bảng, cùng mức lương cao ngất (xấp xỉ 250.000 bảng/tuần). Đó là chưa kể đến "của để dành" Angelo Henriquez, một viên ngọc thô quý giá.
Và rõ ràng, nhiều tiền đạo cũng có lợi thật. Khi hàng thủ kém cỏi, phương án lấy công bù thủ quả thực đã giúp M.U bay cao. Dù có rất nhiều chiến thắng gây "đau tim", nhưng phần thưởng cho M.U là ngôi đầu, cùng 6 điểm cách biệt so với kình địch Man City sau 16 vòng đấu. Về mặt cá nhân, sự hiện diện của van Persie khiến Welbeck phải trả giá, và việc tuyển thủ Anh chỉ ghi được 1 bàn từ đầu mùa là một minh chứng. Nhưng khả năng di chuyển rộng của Welbeck vẫn khiến anh trở nên nguy hiểm, trong vai trò hỗ trợ cho van Persie.
Và đức tin của Sir Alex còn được thể hiện ở phong độ của Chicharito. Tiền đạo người Mexico đã khởi đầu rất kém cỏi và đã có lúc người ta tưởng rằng số phận của anh sẽ giống như... Michael Owen. Nhưng rốt cuộc, chân sút người Mexico vẫn kịp hồi sinh để khẳng định rằng mẫu tiền đạo "poacher" (săn trộm) như anh vẫn có vai trò rất quan trọng, đồng thời vẫn có thể sắm vai kiến tạo khi cần thiết (trận gặp Braga là một minh chứng).
Và tất nhiên, không thể không kể đến niềm tin về sự kết hợp giữa Rooney và van Persie, cả hai tiền đạo đều có xu hướng chơi rộng và tưởng như khó có thể bổ sung cho nhau. Nhưng rốt cục, họ đang là cặp song sát lợi hại. Rooney từng chơi rất hay trong vai trò kiến tạo, nhưng với hai cú đúp gần đây, anh đã chứng minh rằng bản năng săn bàn của mình chưa hề mất đi. Tương tự là trường hợp của van Persie, người sẵn lòng lùi sâu hoặc dạt cánh để tạo điều kiện cho đồng đội tỏa sáng. Trong bối cảnh những cầu thủ chạy cánh thiếu ổn định, sự kết hợp ấy là một yếu tố quan trọng giúp hàng công M.U tránh khỏi bế tắc.
Ashley Young là người hưởng lợi lớn nhất từ niềm tin của Sir Alex. Kể từ khi trở lại sau chấn thương, cựu tiền vệ Villa đá khá tệ nhưng Sir Alex không hề bỏ rơi anh như Nani. Kết quả: ở hai trận gần nhất, Young đều chơi khá tốt, và đã có hai đường kiến tạo.
Nhưng dù có một niềm tin mãnh liệt về một nhân tố nào đó, Sir Alex cũng không hề lý tưởng hóa nó (như Wenger hay Brendan Rodger). Những chiến thắng trước các đối thủ lớn mùa này như Chelsea và Man City là một minh chứng. Chính những quyết định mang tính thực dụng đã làm nên những chiến thắng đó, và điều đó phản ánh sự mềm dẻo của chiến lược gia lão làng này trong cách dụng binh.
Và trong một năm mà hầu hết các đội bóng lớn đều dành phần lớn ngân quỹ chuyển nhượng của mình cho những nhạc trưởng, thì M.U vẫn đứng ngoài xu hướng ấy. Và thật kỳ lạ là họ vẫn đứng vững. Hãy nhìn Chelsea khốn khổ như thế nào khi không có Juan Mata (dù Hazard và Oscar đều là những mẫu nhạc trưởng), Arsenal suy sụp khi Cazorla bị bắt bài, còn Man City hụt hơi bởi không phải lúc nào David Silva cũng có thể cứu rỗi. Tương tự là Liverpool, đội bóng dựa cực nhiều vào Luis Suarez.
Tóm lại, Sir Alex thường có những niềm tin tương đối kỳ lạ, nhưng hãy tin rằng, ông luôn có lý do trong các quyết định của mình.
(Theo Thẻ Thao Văn Hoá)