Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Sir Alex tiết lộ bí mật "thầm kín" liên quan đến Arsenal

Thứ Tư 11/05/2011 09:41(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Bao năm qua, mọi thành công của Manchester United được gắn liền với một cái tên: Alexander Chapman Ferguson nhưng ít ai biết được rằng mối lương duyên tốt đẹp này lẽ ra đã không thể tồn tại trên đời nếu như không xảy ra một sự kiện làm thay đổi số phận của Sir Alex và cả MU.

Dù chưa có một danh hiệu chính thức nào được trao tặng nhưng tất cả đều phải thừa nhận một cách rộng rãi rằng Alex Ferguson chính là chiến lược gia vĩ đại nhất không chỉ trong lịch sử đội bóng thành Manchester mà cả đảo quốc sương mù. Khi người đàn ông "mặc váy" tới MU vào năm 1986, đội bóng là một mớ hỗn độn và thực tế, ở thời điểm đó, MU đâu được coi là một đại gia của nước Anh (đã 30 năm không giành được chức VĐQG). Sir Alex đã phải bắt tay vào kiến thiết MU từ đống tro tàn và ông sẵn sàng chấp nhận phương án "đập đi toàn bộ rồi xây lại từ đầu". Một loạt những anh chàng "lắm tài nhưng cũng nhiều tật" bị đuổi thẳng cổ khỏi Old Trafford thay vào đó là một luồng gió mới từ bên ngoài cũng như nội lực của bản thân đội bóng. Đồng thời, Sir Alex rất chú trọng phát triển hệ thống đào tạo trẻ với quan điểm "móng có chắc thì nhà mới bền".

Suýt chút nữa, MU và Sir Alex đều không thể trở thành huyền thoại

Sau khoảng 3 năm, MU gặt hái được thành công đầu tiên: chiếc cúp FA và mùa giải kế tiếp là chiếc cúp C2 châu Âu (đã bị xoá sổ) với chiến thắng ấn tượng trước Barcelona vĩ đại của Thánh Johan Cruyff. Đến mùa bóng 1992-1993 thì MU đã chạm đến chiếc cúp vô địch Premier League và kể từ ấy, sự thống trị của đội bóng thành Manchester ở nước Anh chính thức được xác lập. Thông thường, chu kỳ thành công của mỗi đội bóng đều chỉ có giới hạn nhất định (một thập kỷ là nhiều) nên MU thực sự là một trường hợp ngoại lệ. Tính từ cột mốc 1993, thì MU lúc nào cũng khẳng định được vị trí số 1 của mình tại đảo quốc sương mù và luôn nằm trong nhóm những đại gia có máu mặt nhất châu Âu. "Quỷ đỏ" đã giành tổng cộng 11 chức VĐQG, 4 cúp FA cộng thêm 2 Champions League. Không có một CLB nào khác của Anh thành công hơn MU trong giai đoạn này. Mùa bóng năm nay, MU coi như đã bỏ túi chiếc cúp Premier League và sắp qua mặt Liverpool để trở thành đội bóng giàu truyền thống nhất tại giải VĐQG. Họ cũng đã có mặt ở chung kết Champions League (lần thứ 3 trong 4 mùa giải gần đây). Nói không ngoa, phải cho đến lúc Sir Alex quyết định nghỉ hưu thì may ra địa vị thống trị của MU mới bị bị lung lay.

Rõ ràng, những chiến tích huy hoàng ấy do một tay Alex Ferguson làm nên. Bởi thế, ở MU, ông luôn là "ông vua không ngai". Chỉ có ban lãnh đạo, các ông chủ hay giới cầu thủ "sợ" Fergie chứ bản thân "Ngài máy sấy" chẳng ngán ai bao giờ. Chính cái bóng bao trùm của ông khiến nhiều Manucians không khỏi lo lắng khi nghĩ đến cái ngày ông không còn tại vị. Dẫu sao, đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải vì Sir Alex đã tuyên bố: ông chỉ từ bỏ đội bóng nếu cảm thấy sức khoẻ không đảm bảo còn giờ, ông vẫn thấy trẻ trung như ngày nào. Sir Alex xứng đáng được tạc tượng, thậm chí vài bức tại những địa điểm gắn liền với MU (như sân Old Trafford, đại bản doanh,...) để ghi nhớ đời đời những gì ông đã cống hiến cho MU. Thế nhưng, ông chưa chắc đã trở thành một huyền thoại của làng túc cầu giáo nếu không đến MU vào năm 1986 do chấp nhận lời mời trước đó từ Arsenal, đối thủ của MU ở nước Anh.

Sir Alex nhớ lại: "Thực ra, tôi được Arsenal mời đầu tiên và cảm thấy rất háo hức. Thậm chí tôi đã lên sẵn kế hoạch và định mời người bạn thân Walter Smith (sau đó từng làm trợ lý cho Sir Alex ở MU vào nửa cuối mùa giải 2003-2004) cùng tới nước Anh. Hồi ấy, chúng tôi đang cùng hợp tác ăn ý ở ĐTQG Scotland. Tôi đã tham khảo ý kiến của Smith về lời mời của Arsenal và ông ấy bảo, đó là một đội bóng lớn rồi khuyên tôi không nên từ chối. Thế nhưng Arsenal lại yêu cầu tôi phải đưa ra câu trả lời nhanh chứ họ không thích chờ đợi trong khi tôi lại chỉ muốn tập trung vào VCK World Cup 1986 với ĐT Scotland nên không thể đưa ra được quyết định ngay lập tức. Vậy là, tất cả đổ vỡ. Smith tới Ranger còn tôi thì sau đó đến MU như các bạn đã biết".

Đúng là trên đời đôi khi phải nói đến chữ "duyên". Dường như Sir Alex và MU đã có mối lương duyên tiền định nên mới đuợc gặp nhau rồi cùng kết hợp hoàn hảo trong nhiều năm trời để tạo nên một "Quỷ đỏ" như ngày nay. Chắc gì, tại Arsenal, Sir Alex đã gặt hái được vô số thành công đến thế hay dưới bàn tay của một người khác, khéo MU cũng chỉ vươn đến tầm "trung bình khá" mà thôi.

Bảo Phương (Theo Goal/Vietnamnet)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X