Gần 3 thập kỷ ở Old Trafford, giữa Alex Ferguson và M.U đã tồn tại một mối quan hệ ân-nghĩa. Nhưng trên hết, ông coi đây như một gia đình. Chính bởi thế, mọi toan tính của ông là vì tương lai của M.U chứ không còn vì những danh lợi trước mắt.
1. Người ta hay nói nhiều về việc Sir Alex đã giúp M.U vươn lên thành CLB giàu thành tích nhất nước Anh, vượt qua những giai đoạn khó khăn để liên tiếp thống trị nền bóng đá này. Nhưng ít người biết rằng M.U đã giúp Sir Alex thế nào, ngoài việc biến ông trở thành một người có thu nhập cao.
Đó là năm 1986. “Con bạc” Alex Ferguson, với thú chơi ngựa và cá cược đua ngựa đã đi vào truyền thuyết, đang ngập trong nợ nần. Thời điểm trước đó, chủ tịch Martin Edwards của M.U đã bí mật tiếp xúc với HLV trưởng của CLB Aberdeen và mời ông về dẫn dắt Quỷ đỏ, nhưng Ferguson muốn có thời gian suy nghĩ: ở Old Trafford, lương sẽ thấp hơn ở Aberdeen, ngân sách chuyển nhượng eo hẹp và dưới quyền là một đám cầu thủ say xỉn tối ngày.
Nhưng rồi khoản nợ 40.000 bảng không cho ông suy nghĩ nữa. “Tay chơi” tuổi tứ tuần gọi cho Edwards và khẩn nài M.U hãy mua lại căn nhà của mình ở Cults (Aberdeen, Scotland), hoặc “làm thế nào đó” để giúp ông trả nợ. Chẳng cần kể cũng biết Martin Edwards sung sướng thế nào khi nghe cuộc điện thoại ấy. Và vận mệnh điểm tiếng chuông của mình, năm 1986.
Đó không phải lần duy nhất “con bạc” Ferguson được cứu bởi M.U. Người ta kể rằng ông đã suýt bị sa thải sau những vụ kiện tụng với cổ đông lớn John Magnier quanh quyền sở hữu con ngựa Rock of Gibraltar. Nhưng rồi nhà Glazer đã đến và cứu Ferguson. Chính điều đó khiến ông tận tâm với nhà Glazer đến thế, cho dù gia đình tỷ phú người Mỹ này liên tục “bạc đãi” Quỷ đỏ.
2. Trong một tháng rưỡi đầu năm 2013, HLV Alex Ferguson đã trả lời 2 cuộc phỏng vấn về câu hỏi “Bao giờ tôi nghỉ hưu?”. Cuộc đầu tiên với truyền hình Abu Dhabi, ông nói: “Tôi hy vọng mình còn làm việc được một thời gian nữa”. Cuộc thứ 2 với hãng BBC, quả quyết hơn: “Tôi sẽ không dừng lại chừng nào sức khỏe còn cho phép”.
Kể lại những chuyện ở trên, không phải để khẳng định rằng giữa M.U và Ferguson là mối quan hệ ân-nghĩa. Mà là để rõ hơn tại sao ông coi Old Trafford là gia đình mình. Khác hẳn với những mối quan hệ HLV-CLB khác, ở đó có những kỷ niệm cá nhân, gắn với những giai đoạn khó khăn của cuộc đời một người đàn ông.
3. Tuần này, người ta lại thấy các tuyển trạch viên của Man United xuất hiện ở Hamburg. Họ đến để theo dõi Son Heung-min.
Ở tuổi 20 tuổi, Son Heung-min được mệnh danh là Gerd Mueller của Hàn Quốc. Anh không phải là một miếng ghép để đem về cho M.U những danh hiệu ngay lập tức. Hàng tiền đạo M.U đang thừa những cầu thủ có thể sử dụng được ngay. Son là một cuộc đầu tư lớn cho tương lai, cả ở mặt chuyên môn sân cỏ lẫn giá trị thương mại.
Thậm chí, ở tuổi 71, có thể Sir Alex sẽ không được chứng kiến lúc M.U “hái quả” từ Son Heung-min. Nhưng ông vẫn quyết định đầu tư. Tương tự như một loạt những cầu thủ trẻ mà Ferguson đã đem về trong đôi ba năm qua.
Sẽ có nhiều người “kết tội” Ferguson, như rất nhiều HLV tại Premier League khác, coi thường sân chơi FA Cup bằng việc tung ra sân một đội hình trẻ. Nhưng đây rõ ràng là dịp mà ông thử nghiệm những cầu thủ trẻ, tính những phép tính của tương lai. Chiếc cúp không quan trọng bằng những thế hệ mới.
Đêm nay, lại một trận FA Cup nữa. Lại một trận đấu với những Smalling, Chicharito, Buttner nữa. Lại một lần nữa, Sir Alex ngồi tính toán cho một tương lai có thể dài hơn cả tuổi thọ của ông.
Đức Hoàng - Bongdaplus.vn