“Chúng tôi đã chơi thứ bóng đá hoàn hảo trong hiệp 1” - HLV Mancini tuyên bố sau trận thua Sunderland. Và bất kỳ CĐV bình thường nào cũng có thể cho ông biết: chỉ chơi hay trong một hiệp đấu đồng nghĩa với thất bại.
Quả thật, Man City đã chơi không tồi. Cái đội hình trị giá gần 300 triệu bảng của ông thày người Italia đã tạo ra một sức ép khủng khiếp lên đội hình của Sunderland. Nhưng “thứ bóng đá hoàn hảo” (best football) của Roberto Mancini không bao gồm khâu dứt điểm. Trong sự hoàn hảo tự phong ấy, Carlos Tevez đã bỏ lỡ một cơ hội mà chính HLV Steve Bruce, kẻ chiến thắng, cũng phải thốt lên rằng: “Tôi không bao giờ nghĩ Tevez có thể bỏ lỡ một cơ hội như thế”. Trước hệ thống phòng ngự 10 người của Sunderland, tất cả các cơ hội quý giá đều bị bỏ lỡ. Tấn công nhiều mà không thể ghi bàn thì sẽ thua, đó đã trở thành một quy luật bất thành văn của bóng đá.Thất bại của Man City đã khẳng định một điều: lọt vào Top 4 không phải là việc đơn giản với những kẻ thách thức
Lời tuyên bố của Mancini về “một hiệp đấu hoàn hảo” bất giác khiến người ta nhớ lại rằng trận gặp Sunderland không phải lần đầu tiên trong mùa giải này Man City chơi hay trong một hiệp. Trận mở màn gặp Tottenham, họ cũng đã chỉ chơi hay trong một hiệp (và tất nhiên không thể chiến thắng). Ngay cả Tottenham, kẻ được xếp ngang hàng với Man City trong nỗ lực thay đổi dòng chảy của bóng đá Anh, cũng đã có hơn một “nửa trận hoàn hảo” như thế. Và sự nửa vời ấy mang về cho họ một vị thế nhỡ nhàng. Lần gần nhất Wigan đến làm khách của Tottenham, họ khiến đội chủ nhà đi vào lịch sử bóng đá Anh với trận thắng 9-1. Nhưng rồi hóa ra đó chỉ là một thời điểm thăng hoa, chứ không phải là đẳng cấp.
Vòng 3, cả 3 kẻ thống trị đều chiến thắng. Và nếu tính cả Liverpool với dấu ấn đầu tiên của Fernando Torres, thì đó là vòng đấu ghi nhận kết quả hoàn hảo của Big Four. Cũng vòng đấu ấy, cả Tottenham và Man City đều thua chỉ với 1 bàn thắng của những đối thủ yếu hơn rất nhiều. Sẽ không là quá lời nếu tuyên bố rằng vòng 3 Premiership 2010/11 chính là hình ảnh ẩn dụ cho một viễn cảnh không hề tươi sáng của cả mùa giải. Trong viễn cảnh ấy, ai lại về chỗ nấy, sau hàng tỷ bảng được những kẻ giàu tham vọng đổ ra mưu toan một cuộc đảo chính.
Ngoài trận thắng 3-0 trước Liverpool của Man City, tất cả các dấu hiệu đều đang phản bội cuộc lật đổ đã được nói đến rất nhiều trước mùa giải. Có một điều phải khẳng định ngay: cả Tottenham và Man City đều đã tự thua trên thế thắng. Họ vượt trội so với đối phương về sức mạnh đội hình, nhưng rồi vì tinh thần, vì bản lĩnh, vì sơ đồ chiến thuật rối rắm, cầu thủ xuất sắc nhất 2 trận đấu ấy đều là cầu thủ phòng ngự của đối phương (thủ môn Al-Habsi của Wigan và hậu vệ Anton Ferdinand của Sunderland).
Man City và Tottenham đều đã khiến người ta kinh ngạc với cách họ đá “hiệp một”, nghĩa là mùa giải 2009/10 hay kỳ chuyển nhượng mùa Hè qua. Chứng kiến những “pha bóng” mà bộ đôi này làm được trong suốt thời gian gần đây, ai cũng đã nghĩ đến một thắng lợi dành cho họ. Nhưng không thể “dứt điểm”, cũng không thể duy trì đà thăng hoa trong hiệp đấu còn lại, thất bại sẽ đến.
Redknapp nói rằng những trận đấu như gặp Wigan là “kiểu trận đấu mà ông sợ nhất”. Đó là những cuộc chiến phản bóng đá, nơi một bên liên tục tấn công còn một bên sống chết phòng ngự với 10 người. Và điều đó cũng làm nên sự tương phản thứ hai giữa “Bộ Ba” đang dẫn đầu BXH với “Bộ Đôi” đang cố lật đổ. Về lý thuyết, Stoke City còn rắn mặt hơn Wigan và West Ham chơi bóng khoa học hơn Sunderland. Nhưng cùng là bức tường phòng ngự 10 người, những kẻ thống trị tận dụng được cơ hội, tìm ra cách chiến thắng, còn Tottenham và Man City bất lực.
Vòng 3 là vòng đấu của những sự tương phản. Và trong bối cảnh Premiership đang bị thực dụng hóa với những đội bóng sẵn sàng sử dụng lối chơi “phản bóng đá” mọc lên như nấm sau mưa, dường như sẽ còn nhiều hơn một “vòng 3” nữa. Dường như, cuộc lật đổ của Man City và Tottenham cũng sẽ giống như những trận đấu ngày hôm qua: chỉ hay được nửa đầu.
Thống kê vòng đấu
5 - Newcastle đang là đội bị đối phương sút trúng khung thành ít nhất với chỉ 5 lần.
12 - Không phải một ngôi sao đắt giá nào, mà Lian Ridgewell của Birmingham City mới là cầu thủ đang bị phạm lỗi nhiều nhất với 12 lần.
18 - Với 18 quả phạt góc có được trong trận gặp Aston Villa, Everton trở thành đội có số quả phạt góc nhiều nhất trong một trận kể từ tháng 9/2008, khi Liverpool có 19 quả trước Stoke City.
41 - Fernando Torres đã có 41 bàn thắng cho Liverpool tại Anfield chỉ sau 43 trận.
Chân sút hàng đầu
4 bàn: Malouda (Chelsea), Drogba (Chelsea), Carroll (Newcastle), Walcott (Arsenal)
3 bàn: Gardner (Birmingham)
2 bàn: Kevin Nolan (Newcastle), Bent (Sunderland), Tevez (Man City), Berbatov (M.U), Anelka (Chelsea), Elmander (Bolton), Kalou (Chelsea), Harewood (Blackpool), Ebanks-Blake (Wolves), Bale (Tottenham), Arshavin (Arsenal).
(Theo báo Bóng Đá)