Anfield, 6/3/2011. HLV Alex Ferguson chẳng thể đổ lỗi cho trọng tài như ở Stamford Bridge hôm giữa tuần nữa. Bởi trận thua của M.U diễn ra một cách tâm phục khẩu phục. Thất bại ấy gợi ra quá nhiều vấn đề của Quỷ đỏ vốn được ẩn giấu dưới lớp vỏ hào nhoáng là ngôi đầu bảng cùng một khoảng cách đã có lúc trở nên mênh mông so với những kẻ bám đuổi. Song ở Anfield, lớp mặt nạ Quỷ - mạnh mẽ, hung dữ đã được lột xuống. Và M.U trở về với nguyên bản đích thực, hiền lành, vô hại như người ta từng nhận định về họ cách đây 7-8 tháng.
Lột mặt nạ
Thử hỏi trong thất bại trước Liverpool, HLV Alex Ferguson lấy cái gì ra làm lý do an ủi? Thế trận ư? Không thể vì M.U lép vế ngay từ đầu. Cơ hội ăn bàn ư? Càng không, vì M.U gần như không có nó. Hay những quyết định của trọng tài? Cũng không nốt vì các bàn thắng của Liverpool đều rất minh bạch.
Thực tế tại Anfield, M.U thua toàn diện. Họ bộc lộ quá nhiều điểm yếu mà chẳng ai tin nó lại tồn tại ở ứng cử viên (ƯCV) số một cho chức vô địch. Hàng thủ chẳng hạn, xuất hiện quá nhiều khoảng trống. Cả Wes Brown, Smalling đều ngờ nghệch trước Suarez, Kuyt hay Meireles. Còn Rafael thì vẫn vậy, nông nổi và lẽ ra đã có thể phải nhận một thẻ đỏ.Phía trước Manchester United là những thách thức không nhỏ
Tuyến giữa cũng gây thất vọng. Giữa Carrick và đồng đội hoàn toàn không có sự đồng điệu. Hệ quả là các tiền vệ trung tâm M.U vừa không làm tốt nhiệm vụ che chắn, vừa không cung cấp đủ bóng cho tuyến trên. Riêng Nani thì thậm chí còn phạm một sai lầm khó hiểu khi “kiến tạo” cho Kuyt nâng tỷ số lên 2-0.
Ngay cả Rooney cũng không thể coi là điểm sáng. Người ta thấy rằng ít nhất 2 lần ở hiệp 2, Scholes la mắng Rooney vì những pha chạm bóng thiếu cảm giác làm mất nhịp tấn công. Còn Berbatov thì ngoài cú sút trúng cột dọc, nhìn chung chẳng để lại dấu ấn nào khác.
Dĩ nhiên, M.U có thể đổ lỗi cho vấn nạn chấn thương cướp đi của họ Ferdinand, Vidic, Park, Valencia, Anderson, Evans. Song điều ấy lại gián tiếp tố cáo một sự thật: lực lượng M.U không dày dạn như trước nữa. Cả băng ghế dự bị với những Obertan, Gibson, Bebe… đều chẳng đáng tin cậy. Và vì thế, dù mùa này M.U có đăng quang thì điều ấy cũng không thể làm thay đổi thực tiễn: đã tới lúc Ferguson phải đại tu cả đội hình, nhằm đưa M.U về tương xứng với đẳng cấp, tham vọng và danh tiếng của họ.
Quyền tự quyết
Ngày 20/2/2010, M.U cũng hành quân tới Merseyside. Hôm ấy là lần cuối cùng (trước ngày 6/3/2011), M.U thiếu cả Vidic lẫn Ferdinand trong đội hình xuất phát. M.U cũng thua 1-3 (trước Everton) nhưng thất bại ấy lại được tiếp nối bằng chuỗi 5 chiến thắng liên tiếp trước khi bị khựng lại bởi Chelsea (thua 1-2).
Lần này, liệu số phận sẽ đưa đẩy M.U tới đâu cũng sau một cú vấp ở Merseyside? Nhìn vào lịch thi đấu sắp tới thì M.U hoàn toàn có thể lại tạo ra một chuỗi 5 chiến thắng nữa. Vì họ sẽ chỉ gặp Bolton (sân nhà - SN), West Ham (sân khách - SK), Fulham (SN), Newcastle (SK), Everton (SN). Tất cả đều không quá khó nên M.U thừa sức lấy trọn 15 điểm tuyệt đối.
Vấn đề chỉ là sau những ngày tươi đẹp, M.U sẽ như thế nào. Vì nên nhớ, đối thủ thứ 6 sẽ là Arsenal (SK). Liệu lịch sử có lặp lại, nghĩa là sau 5 trận thắng sẽ tới một thất bại trước một đại diện London đang cạnh tranh trực tiếp chức vô địch với họ?
Năm ngoái, trận thua Chelsea khiến M.U mất ngôi vô địch dù trước đó, họ đang nhiều hơn The Blues 1 điểm. Còn năm nay, nếu M.U thêm một lần phung phí quyền tự quyết, họ chỉ nên tự trách mình. Song cũng phải thừa nhận rằng tận dụng được cái quyền đáng mong đợi ấy cũng chẳng dễ. Vì sau Arsenal, M.U còn phải bước qua Chelsea nữa.
Thách thức lớn đấy, Sir Alex!
(Theo báo Bóng Đá)