(Bongda24h) - Sau khi sa thải Alex McLeish vì thành tích kém cỏi (xếp thú 16, ngay sát nhóm xuống hạng), Aston Villa đã bắt đầu ngay công cuộc tìm kiếm HLV mới và bất ngờ cái tên Ole Gunnar Solskjaer lọt vào tầm ngắm của đội bóng này. Với những Manucians trung thành thì Solskjaer đâu còn là gương mặt gì xa lạ.
Lịch sử "Quỷ đỏ" thành Manchester đã ghi nhận Ole Gunnar Solskjaer như là một trong ... "ngôi sao dự bị" xuất sắc nhất. Năng lực của Solskjaer không đến nỗi tồi nhưng có một điểm hết sức kỳ lạ, làm nên thương hiệu riêng của tiền đạo này lúc còn thi đấu: Solskjaer chỉ chơi tốt, bộc lộ hết tố chất nếu được vào sân từ .... băng ghế dự bị. Bởi thế, trong hơn 11 năm khoác màu áo Đỏ, số trận Solskjaer được đá chính ngay từ đầu ít hơn hẳn số lần anh vào thay người giữa chừng. Thậm chí, những dấu ấn đậm nét nhất của anh tại Man Utd cũng đều gắn liền với hai chữ "dự bị". Trong đó, đứng đầu có lẽ là bàn thắng vào phút bù giờ thứ 3 tại trận chung kết Champions League mùa giải 1998-1999 gặp Bayern Munich, mang về cho đội nhà chức vô địch châu Âu sau hơn 30 năm chờ đợi. Mùa giải đó, MU cũng đạt tới kỳ tích vĩ đại: giành trọn bộ danh hiệu (Premier League, cúp FA, Champions League). Solskjaer sẽ trở thành HLV trưởng Aston Villa
Sau khi giải nghệ, Solskjaer được mời ở lại dẫn dắt đội dự bị (reserve team), lớp kế cận sát nhất của đội 1 Man Utd. Dù vẫn tiếp tục được gắn bó với đội bóng thân yêu ở một vị trí mà nhiều cựu "Quỷ đỏ" khác phải thầm ghen tỵ nhưng Solskjaer vẫn không cảm thấy thoả mãn. Anh muốn được trải nghiệm tại một đội bóng "xịn" thật sự bởi thế, Solskjaer đã gật đầu với lời mời từ Molde, CLB khởi nghiệp của anh tại quê nhà Na Uy. Cuối năm 2010, Solskjaer chính thức chia tay Man Utd và bước vào cuộc thử sức lớn đầu tiên trong nghề HLV. Rất nhanh chóng, cựu tiền đạo sinh năm 1973 này gặt hái thành quả vang dội khi đưa Molde tới chức VĐQG đầu tiên sau hơn 100 năm tồn tại. Đúng là giải Na Uy chỉ thuộc hàng "làng nhàng" tại châu Âu nhưng với một người mới vào nghề mà đã có được thành tích đó thì cũng là khá ấn tượng. Và Solskjaer lập tức nhận được nhiều lời mời mọc, đặc biệt từ đảo quốc sương mù. Thậm chí, một vài chuyên gia còn tuyên bố Solskjaer chính là truyền nhân đích thực của Sir Alex, một khi "Ngài máy sấy" không còn tại vị ở Man Utd. Tuy nhiên, có lẽ vì muốn rèn luyện thêm mà Solskjaer ra sức khước từ và vẫn tiếp tục dẫn dắt Molde cho đến tận bây giờ.
Song bản thân Solskjaer hiểu rằng muốn phát triển sự nghiệp cầm quân, không còn cách nào khác, anh phải được thử sức ở những môi trường bóng đá cấp cao hơn. Có thể chiếc ghế nóng tại Old Traford là mục tiên còn quá viển vông, nhất là khi chẳng biết đến bao giờ, Sir Alex mới chịu nghỉ hưu thì những đội bóng trung bình dạng như Aston Villa nghe chừng rất vừa vặn với Solskjaer (một điều trùng hợp khá lý thú, Alex McLeish cũng từng là học trò của Sir Alex hồi ông còn làm việc ở Scotland). Sau một hồi thảo luận cùng cộng sự, ông chủ Aston Villa, Randy Lerner đã đưa Solskjaer vào danh sách rút gọn cùng Roberto Martinez (Wigan), Paul Lambert (Norwich) và
Brendan Rodgers (Swansea). Dù xét về thâm niên tại Premier League, Solskjaer rất yếu thế nhưng chưa ai biết "mèo nào cắn mỉu nào" và 3 gương mặt kia lại còn được nhiều đối thủ của Aston Villa quan tâm
Trở ngại lớn nhất trong chuyện tiếp cận Solskjaer nằm ở chỗ: hình như cựu "Quỷ đỏ" này chưa muốn xáo trộn cuộc sống gia đình khi mà 3 đứa con còn thơ dại và hiện cả nhà đang sinh sống rất ổn tại quê hương. Đến nước Anh, đồng nghĩa, Solskjaer phải bắt tay xây dựng lại từ đầu hoặc chấp nhận sống xa gia đình. Hiện chưa rõ, Solskjaer suy nghĩ ra sao về đề nghị của Ashton Villa và nếu anh gật đầu thì người hâm mộ sẽ lại được chứng kiến một cuộc đụng đầu nửa nảy lửa khác giữa những gương mặt từng đứng chung một chiến hào. Đó cũng là minh chứng khẳng định, Man Utd thực sự có tầm ảnh hưởng quá sâu rộng lên làng bóng đá Anh.
Bảo Phương