- Ở Premier League, Sir Alex vẫn vô đối
- Bí quyết thành công của Man Utd: Khi họ đánh nhau, chúng tôi đoàn kết
- Man Utd độc chiếm ngôi đầu: Bông hồng vàng hay sự kiên trì?
Với 8 điểm cách biệt so với đội xếp thứ 2 là Manchester City, trong khi đội này lại đang có dấu hiệu khủng hoảng, đoàn quân của Sir Alex Ferguson đang tiến rất gần tới chức vô địch Ngoại hạng Anh lần thứ 20. Nhưng đây liệu có phải là một mùa bóng thành công của ngài “máy sấy tóc”?
Trước hết phải hiểu Ngài Alex mong muốn điều gì? Mơ ước của Ngài là xây dựng một đế chế Manchester United thành CLB thành công nhất thế giới. Nhưng mơ ước đó dường như quá sức khi mà Quỷ đỏ còn kém “Kền kền trắng” tới 6 chiếc cúp C1/Champions League. Vậy thì với độ tuổi 71 của Ngài, mục tiêu thiết thực hơn là trở thành CLB thành công nhất nước Anh. Điều này đã thực hiện được chưa?
Mục tiêu đó mới chỉ thực hiện được một nửa. Xét trên số lần vô địch giải quốc nội, MU đã có 19 và có thể tới đây là 20, vượt qua con số 18 của Liverpool. Nhưng trên đấu trường châu lục, họ vẫn còn kém Liverpool tới 2 chiếc cúp C1/ Champions League (3 cúp so với 5 cúp của Liverpool).
Đấy là xét về yếu tố CLB, lịch sử, còn xét về yếu tố cá nhân, mấy năm gần đây có 2 cái tên mới nổi lên làm lu mờ danh tiếng và thậm chí thay nhau chiếm mất vị trí HLV xuất sắc nhất thế giới của Ngài. Chừng nào còn đủ sức khỏe, Ferguson hẳn còn muốn thi thố tài năng và đánh bại hai người ấy, Jose Mourinho và Pep Guardiola.
Nếu chỉ cứ vô địch Ngoại hạng Anh trước những đối thủ truyền thống đang tự đánh mất mình (Liverpool, Arsenal, Chelsea) và những thách thức mới chưa đủ tầm (Manchester City, Tottenham) thì Ngài Alex cũng chẳng hơn gì Mancini thời còn ở Inter. Sân chơi lớn hơn, đối thủ xứng tầm đều ở Champions League, thì phải đợi thêm ít nhất một năm nữa bởi cú xảy chân tệ hại năm nay.
Sir Alex đã sai ở đâu? Chẳng ai dám chê trách ông, nhưng nếu đánh giá kỹ có thể thấy qua ba sơ suất liên quan đến lực lượng của MU và tính toán của ông:
Thiếu một thủ lĩnh thực sự
Ba chiếc cúp C1/Champions League của Manchester United đều gắn liền với những cầu thủ huyền thoại. Năm 1968 là Sir Bobby Charlton, năm 1999 là David Beckham, và năm 2008 là Cristiano Ronaldo. Đó là còn chưa kể đến Eric Cantona và George Best. Trong bóng đá ngày nay, vai trò của các HLV ngày càng được nâng cao, nhưng đừng quên bóng đá thực tế là cuộc đấu của 11 cầu thủ trên sân. Để Ronaldo ra đi và “treo” chiếc áo số 7 (trao cho Owen, một lão tướng không còn nhiều đóng góp), mục đích của Ferguson là đề cao hơn nữa vai trò của tập thể và giảm nhẹ đóng góp của cá nhân các cầu thủ ngôi sao. Chính cựu đội trưởng M.U Roy Keane đã chỉ trích quan điểm này khi cho rằng “ông ấy sẽ không có sự nghiệp cầm quân vẻ vang như thế nếu không có những người như chúng tôi, nhưng người ta đã nhanh chóng quên những người đã xả thân vì ông ấy.”
Trong khi đáng lẽ phải trao chiếc áo số 7 cho một cầu thủ mà ít nhất khi miêu tả cầu thủ đó, người ta phải dùng đến chữ “tài hoa”, thì ông lại giao vai trò đầu tầu của một số 7 cho Owen, người mà khi ở đỉnh cao phong độ người ta cũng chỉ có thể khen rằng anh ta “giỏi” chứ chưa phải “thực sự xuất sắc” như Ronaldo hay Beckham.
Những đứa trẻ nhà Ferguson
Việc khá thành công với Chicharito đã khiến Sir Alex mắc phải sai lầm tiếp theo: quá tin dùng các cầu thủ trẻ. Thay vì một Berbatov dày dặn kinh nghiệm và đang tự tin với ngôi vị vua phá lưới giải Ngoại hạng Anh, thì ông lại dùng một “hạt đậu nhỏ” cho trận cầu lớn là chung kết Champions League với Barca, kết quả là Manchester để thua một cách toàn diện.Tình trạng đó còn tiếp diễn trên diện rộng hơn ở đầu mùa giải năm nay, và kết quả cũng nặng nề hơn. Để cho nhạc trưởng Scholes nghỉ hưu, Ferguson dùng một loạt cầu thủ trẻ một cách vội vã để rồi bị đá bay khỏi vòng bảng Champions League. Cả mùa giải chỉ được vớt vát khi Scholes trở lại. “Những đứa trẻ nhà Ferguson”, như lời Rio Ferdinand, “đôi khi cần ai đó đấm vào đầu cho tỉnh lại”.
MU cần thay đổi chiến thuật
Bóng đá cũng giống như thời trang, luôn có những phong cách khác nhau thịnh hành ở những thời điểm khác nhau. Những năm đầu thế kỉ 21 là thời kì hoàng kim của bóng đá phòng ngự, với sự lên ngôi của CLB Porto ở Champions League 2004, Hy Lạp ở Euro 2004, Italia ở World Cup 2006. Tiếp đó, tiki-taka dần lớn mạnh với 3 Champions League của Barcelona năm 2006, 2009, 2011, và 2 lần vô địch ở Euro 2008 và World cup 2010 của Tây Ban Nha. Sir Alex đã lỗi nhịp trong việc xây dựng cho Quỷ đỏ một lối chơi thích ứng với xu thế chung. Lối chơi của M.U chưa thể “đứng riêng” thành một trường phái, cũng không thể khắc chế được sức mạnh của tiki-taka, đồng thời dễ bị các đội bóng yếu hơn ở châu Âu như Basel và Benfica bắt bài.
Jose Mourinho đang thay đổi để tạo ra một cái gì đó khác cho Real Madrid, nhưng Sir Alex thì dường như vẫn bằng lòng “tọa sơn quan hổ đấu”. Vậy hãy chờ xem ngài “máy sấy tóc” có gì mới ở mùa giải tới.
(Theo Vnexpress)