- Robin Van Persie đã hết thời ở Man United?
- Di Maria và vết xe đổ của Juan Veron ở Old Trafford
- Inter đổi tướng, MU tràn trề cơ hội tái ngộ Vidic?
Manchester United đang gặp rất nhiều khó khăn trước cuộc đại chiến với Arsenal vào cuối tuần này, tuy nhiên cũng có những tia sáng loé lên trong thời điểm tăm tối này, điển hình là sự toả sáng của Wayne Rooney trong màu áo ĐT Anh.
Có thể nói một tuần vừa qua là quãng thời gian ác mộng với Man United khi họ liên tiếp đón nhận những chấn thương từ các trụ cột của mình. Lần lượt Michael Carrick, David De Gea và Daley Blind nhập viện khi đang làm nghĩa vụ cho ĐTQG khiến HLV Louis Van Gaal gặp vô vàn khó khăn trong việc sắp xếp đội hình trong trận đại chiến giữa MU và Arsenal trên sân Emirates cuối tuần này.
Tuy nhiên trong giông bão, Quỷ đỏ vẫn còn có một tia sáng hiếm hoi để họ có thể bấu víu vào, đó chính là màn trình diễn tuyệt vời của Wayne Rooney trong màu áo ĐT Anh. Trong 2 trận đấu liên tiếp, Wazza là nguồn cảm hứng cho Tam sư khi ghi 3 bàn thắng và thể hiện lối chơi đúng với đẳng cấp của mình. Trong trận đấu với Slovenia ở vòng loại EURO 2016, Rooney chính là người đã ghi bàn san hoà tỷ số cho đội nhà, mở màn cho cuộc lội ngược dòng của ĐT Anh, hôm qua anh lại tiếp tục toả sáng với một cú đúp trong trận giao hữu với Scotland, qua đó nâng tổng số bàn thắng của anh ở ĐTQG lên con số 46, chỉ còn kém kỷ lục ghi bàn của huyền thoại Bobby Charlton đúng 3 bàn nữa.
Thành tích ấn tượng của Rooney đã đập tan những hoài nghi của dư luận về việc anh đã không còn giữ được bản năng ghi bàn của một tiền đạo nữa. Sự toả sáng của “Gã Shrek” mang đến hy vọng nhưng cũng đem lại một câu hỏi lớn cho HLV Louis Van Gaal: làm thế nào để tận dụng tối đa khả năng của Rooney?
Có thể thấy rõ một điều rằng mỗi khi lên tuyển Rooney thi đấu hiệu quả hơn hẳn khi anh thi đấu ở Man United, thể hiện ở số bàn thắng và cả tầm ảnh hưởng của cầu thủ này. Lý do là bởi ở ĐTQG, Rooney luôn là hạt nhân trung tâm trong đội hình của HLV Roy Hogson. Ở ĐT Anh, Rooney được xếp đá cao nhất trong đội hình 4-3-3, anh được tiếp cận gần nhất với khung thành của đối phương và thoải mái di chuyển. Tất cả những cầu thủ xung quanh như Chamberlain, Sterling, Welbeck hay Wilshere đóng vai trò vệ tinh và phục vụ tối đa cho người đội trưởng. Điều này giúp Rooney phát huy tối đa khả năng của mình, anh chạy chỗ rất rộng để đón bóng và cả phối hợp với đồng đội, đồng thời sức càn lướt của tiền đạo này giúp anh đè mặt được các hậu vệ đối phương, giúp các đồng đội dễ dàng hơn trong cả 2 lựa chọn, hoặc chuyền bóng cho anh, hoặc dẫn bóng đột phá. Khả năng chọn vị trí của Rooney cũng là rất nhạy cảm, thể hiện cả trong 2 bàn thắng trong trận đấu với Scotland.
Ở Man United, rõ ràng Rooney chưa bao giờ được đối xử như một “ông hoàng” như thế, có chăng cũng chỉ là những mùa giải sau khi Ronaldo rời MU. Đó là thời điểm mà Rooney đá cực kỳ thăng hoa trong những mùa giải 2010/2011 (và thậm chí cả mùa 2011/2012) để trở thành đầu tàu kéo Man United lên đỉnh vinh quang Premier League và vào tới chung kết Champions League. Suốt quãng thời gian đó, anh lại phải phục vụ Robin Van Persie, tân binh mới của MU từ Arsenal và đến mùa giải năm nay, sự hy sinh còn lớn hơn khi Rooney phải chia sẻ đất diễn với Falcao và Di Maria.
Thực tế cho thấy dù nhận khá nhiều chỉ trích hồi đầu mùa, một phần do những phát biểu của chính người tiền bối Paul Scholes, Rooney vẫn chứng tỏ anh là nhân tố thi đấu ổn định bậc nhất trong đội hình của Quỷ đỏ mùa giải năm nay. Không xét tới án phạt nghỉ 3 trận vì dính thẻ đỏ, những trận đấu còn lại cầu thủ số 10 luôn là người hoàn thành tròn nhiệm vụ của mình trong khi Van Persie tậm tịt, Falcao hay chấn thương còn Di Maria cũng đang gặp rắc rối với sự sa sút phong độ trong những vòng đấu gần đây. Trong tình cảnh khó khăn hiện tại, có lẽ HLV Van Gaal nên dẹp những ý kiến cho rằng “Rooney nên đá thấp để phục vụ đồng đội” sang một bên, mà thay vào đó, chính Rooney mới là người cần nhận được sự hỗ trợ tối đa từ các đồng đội.
Trong trận đấu với Arsenal sắp tới, Van Persie vẫn đang trong vòng nghi vấn về phong độ, Falcao vừa trở lại sau chấn thương, vì thế tại sao cả hai cầu thủ này không đóng vai trò “chim mồi” nhiều hơn để hỗ trợ cho Rooney? Cả Persie và Falcao sẽ thi đấu rộng và dạt sang hai bên nhiều hơn để Rooney băng lên từ tuyến 2 nhiều hơn. Di Maria (trong trường hợp anh thi đấu) có thể cũng sẽ chơi thấp hơn để hỗ trợ phòng ngự và cấp bóng nhiều hơn cho Rooney.
Tình cảnh khó khăn hiện tại khiến các CĐV Man United cực kỳ lo lắng nhưng đây có lẽ lại là tình huống ưa thích của Rooney. Chính trong những lúc phải một mình gánh cả đội như thế này, Rooney mới có thể “phát tiết” và thể hiện hết được khả năng của mình. Còn nhớ trong trận đấu với chính Arsenal ở FA Cup vào tháng 3/2011, Sir Alex Ferguson đã gây bất ngờ với đội hình có tới 7 cầu thủ là hậu vệ nhưng kết quả MU vẫn nhẹ nhàng giành chiến thắng 2-0 để gĩ sức cho trận gặp Marseille ở Champions League. Trong trận đấu đó, MU đã thi đấu cực hay dưới sự lĩnh xướng của Rooney. Một mình anh được trao trọng trách tham gia tấn công và cả hỗ trợ phòng ngự. Trận đấu đó là ví dụ điển hình nhất cho khả năng “gánh team” của số 10 trong trường hợp cần kíp.
HLV Louis Van Gaal đã bỏ qua tình thân với Van Persie để trao cho Rooney chiếc băng đội trưởng, đó là hành động thể hiện sự tín nhiệm cực lớn của ông thầy người Hà Lan với cầu thủ sinh ra tại Merseyside này. Và giờ khi MU rơi vào tình cảnh khó khăn nhất có lẽ Van Gaal cũng nên thể hiện sự tin tưởng ấy với Rooney trên sân cỏ.
Thế Hưng