Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Ronaldo, Valencia và chuyện số 7 ở M.U

Chủ Nhật 03/03/2013 20:12(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ngày còn Ronaldo, số 7 là biểu tượng đích thực, linh hồn của M.U. Với Valencia, đấy chỉ là một số áo, không hơn. Từ số 7 của Cristiano Ronaldo tới số 7 của Antonio Valencia là một cuộc cách mạng.

Có một câu chuyện về Cristiano Ronaldo khi mới tới M.U mùa Hè năm 2003. Khi được hỏi về số áo muốn mang, tiền vệ người Bồ đã chọn số 28. Nhưng Sir Alex nói không. Ông bảo anh phải mang áo số 7 của Beckham, người vừa chuyển đến Real cũng trong mùa Hè đó. Thế rồi tất cả như một định mệnh. Cựu tiền vệ Sporting, người Bồ Đào Nha đầu tiên khoác áo M.U, 18 tuổi và hoàn toàn vô danh, được trao cho số áo đẹp nhất của CLB, một trong những số áo quan trọng nhất lịch sử bóng đá. Phần sau của câu chuyện thì đã trở thành huyền thoại.

Sir Alex Ferguson, bằng con mắt tinh tường của mình, đã nhìn thấy ở chàng trai trẻ người Bồ một tiềm năng phi thường. Thời gian đã kiểm chứng cho sự lựa chọn của ông.

Liệu Valencia có thể ra sân?
 

M.U - Ronaldo: đội bóng một người

Trong mùa giải đầu tiên, chàng trai có giá 12 triệu bảng đã chơi cho M.U 40 trận, ghi 6 bàn, thành tích không tệ với một tân binh. Những mùa bóng tiếp theo, Ronaldo tiến bộ không ngừng. Số trận thi đấu tăng dần, số bàn thắng cũng nhiều lên. Mùa 2005/2006, Ronaldo chinh phục cột mốc 10 bàn cho M.U trong một mùa giải. Sir Alex lập tức chia tay Van Nistelrooy, chân sút số một của CLB ở thời điểm đó. Động thái dọn đường thứ hai cho Ronaldo được thực hiện.

Thất bại trước Milan ở San Siro năm 2007 giúp Ferguson hiểu rằng M.U không thể chơi tấn công ngây thơ và Ronaldo phải được tự do hơn. Ông quyết định đưa về Hargreaves để tăng cường khả năng đánh chặn từ xa, kéo Rooney xuống đá tiền đạo lùi, cho Ronaldo di chuyển tự do vào trung lộ và giải phóng anh khỏi nhiệm vụ phòng ngự. Quyết định của chiến lược gia người Scotland mang về cho "Quỷ Đỏ" chức vô địch Champions League thứ 3 trong lịch sử. Bản thân Ronaldo cũng tỏa sáng rực rỡ với 42 lần lập công trên mọi mặt trận đồng thời giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Hai mùa giải cuối cùng của Ronaldo ở M.U, Sir Alex gần như không tăng cường nhân sự trên hàng công. Kĩ năng dứt điểm ngày càng hoàn thiện cùng khả năng không chiến hoàn hảo của Ronaldo cho phép M.U loại bỏ vai trò của các trung phong cắm cổ điển khỏi hệ thống chiến thuật. Trong hai mùa giải hay nhất của Ronaldo, Rooney đều chỉ ghi được 12 bàn ở Premier League. Các tiền đạo khác của M.U là Giuseppe Rossi và Carlos Tevez, giống như Nistelrooy, đều phải ra đi vì không thể (hay không có cơ hội) cạnh tranh.

Ferguson, trong nỗ lực xây dựng tập thể M.U với ngôi sao duy nhất, đã làm mọi thứ có thể để dọn đường cho tiền vệ người Bồ. Loại bỏ Nistelrooy hồi năm 2006, chống lại dư luận sau World Cup, hi sinh Rooney và Tevez, bán đứt Rossi... tóm lại là tất cả! Và ông đã thành công. M.U của kỷ nguyên Ronaldo là một trong những M.U hùng mạnh và thành công bậc nhất lịch sử. Nhưng đội bóng một người không tồn tại được lâu.

CLB vĩ đại nhất thế kỷ 20, Real Madrid, đã đến cùng lời đề nghị có giá 80 triệu bảng. Trong bối cảnh tài chính khó khăn thời Glazer, đề nghị đó là không thể từ chối. M.U chia tay Ronaldo, Sir Alex tạm biệt cậu học trò xuất sắc nhất của mình. Mọi thứ ở Old Trafford không bao giờ còn trở lại như trước kia.

Biểu tượng mới Valencia

Sự ra đi của tiền vệ người Bồ đặt Sir Alex đứng trước một thách thức lớn. Chiến lược gia người Scotland quyết định tìm một biểu tượng mới cho M.U. Cái tên được chọn là Wayne Rooney.

M.U phiên bản 2010 với Rooney là linh hồn đã trải qua 3/4 mùa giải đẹp như mơ. Tiền đạo người Anh nổ súng liên tục trên mọi đấu trường, đưa M.U tiến vào Tứ kết Champions League và cạnh tranh quyết liệt với Chelsea ở giải Ngoại hạng. Mọi thứ chỉ sụp đổ trong đêm Munich 31/3. Rooney dính chấn thương gân kheo và nghỉ thi đấu dài hạn, M.U bị loại bởi Bayern, Premier League về tay Chelsea, đội bóng một người sụp đổ. Chưa đầy một năm sau ngày Ronaldo ra đi, Sir Alex lại phải chuẩn bị cho cuộc cách mạng mới.

Sự ra đi của Ronaldo và Tevez, chấn thương của Rooney, việc Berbatov chơi không đúng kì vọng khiến phương án xây dựng tập thể một người không còn tỏ ra hiệu quả. Sự suy giảm vị thế trên thị trường chuyển nhượng cũng không cho phép Ferguson đưa về những ngôi sao lớn. Sau nửa thế kỷ trông chờ ở tài năng của Ronaldo và Rooney, Sir Alex buộc phải nghĩ về những phương án chiến lược mới phù hợp hơn trong bối cảnh hiện tại.

Liên tiếp trong những mùa Hè năm 2010 và 2011, M.U đã thực hiện cuộc cách mạng nhân sự lớn chưa từng có dưới kỷ nguyên Ferguson. Trước đây, Sir Alex đã làm mọi thứ có thể vì đội bóng một người. Giờ đây, ông sẵn sàng trả mọi giá để phá hủy nó. Ông liên tục chia tay những lão tướng, đưa về các tân binh, gọi lại các cầu thủ trẻ, gia tăng thêm phương án chiến thuật và lựa chọn đội hình. Chicharito, Chris Smalling (2010), Ashley Young, Danny Welbeck, Phil Jones, Tom Cleverley (2011), Shinji Kagawa, Robin van Persie (2012) lần lượt xuất hiện. Trong khung gỗ, lần đầu tiên dưới kỷ nguyên Ferguson, "Quỷ Đỏ" có tới 2 lựa chọn đẳng cấp. M.U phiên bản 2012 không phụ thuộc vào bất kì cá nhân nào và luôn có các giải pháp thay thế. Họ có nhiều hơn các phương pháp dứt điểm trận đấu và lựa chọn chiến thuật.

M.U hiện tại không sở hữu một siêu nhân có thể làm được mọi thứ. Nhưng họ sở hữu một lối chơi tập thể đáng gờm và cực kì khó chịu. Bằng chứng là khi Real phải phụ thuộc hoàn toàn vào Ronaldo để có bàn gỡ hoà trong trận lượt đi vòng 1/8 Champions League thì M.U luôn có 3 mũi giáp công nguy hiểm. Bàn thắng duy nhất của "Quỷ Đỏ" thậm chí được ghi bởi cầu thủ bị đánh giá thấp nhất và chỉ may mắn giành suất đá chính trong trận này: Danny Welbeck.

Từ số 7 của Ronaldo, một nghệ sĩ, một siêu sao đích thực, tới số 7 của Valencia, một công nhân, một chiến binh là cả một cuộc đổi thay. Ngày còn Ronaldo, số 7 là biểu tượng đích thực, linh hồn của đội bóng. Với Valencia, đó chỉ là một số áo, không hơn. Số áo quan trọng nhất ở Old Trafford lúc này là số 10 của Wayne Rooney. Việc Valencia tiếp quản chiếc áo số 7 của "Quỷ Đỏ" là một thông điệp của Sir Alex Ferguson về sự thay đổi. Nghĩa là kém nghệ thuật hơn, đơn giản hơn nhưng kỉ luật hơn, đồng đội hơn và do đó, cũng đầy sức chiến đấu.

Từ số 7 của Ronaldo tới số 7 của Valencia là một cuộc cách mạng! Và cuộc cách mạng đó vẫn chưa dừng lại.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X