Tỷ phú Nga, chỉ bằng việc mua lại Chelsea, đã làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu bóng đá Anh suốt 10 năm qua.
Thương vụ diễn ra vào ngày 1/7/2003 đã gây kinh ngạc đối với tất cả những người liên quan. Ông Keith Harris, chuyên viên ngân hàng tư vấn cho Chelsea vào thời điểm đó, nhớ lại: "Tôi đang ăn trưa ở London thì nhận được điện thoại từ chủ tịch Chelsea Ken Bates: Tôi cần anh tới đây, tại Stamford Bridge, ngay bây giờ".
Cựu Chủ tịch Ken Bates (trái) của Chelsea và Abramovich.
Bates gặp Abramovich lần đầu tiên chỉ một ngày trước đó tại khách sạn Dorchester. Một đề nghị được đưa ra bởi vị tỷ phú Nga - định giá cổ phiếu CLB ở mức 60 triệu bảng. Chủ tịch Chelsea có một thoáng do dự với mức giá này nhưng trước khi ông kịp suy nghĩ lại, Abramovich đã bước vào cửa khách sạn và mọi thứ diễn ra một cách suôn sẻ. Trong buổi gặp mặt giữa hai bên tại Stamford Bridge vào ngày 1/7, một tấm bảng được dựng lên trước phòng họp với dòng chữ: "Đế chế La Mã không được tạo nên thông qua hội nghị, nó được xây dựng bằng cách loại bỏ những kẻ cản đường". (Chơi chữ: La mã trong tiếng Anh là Rome, có cách viết gần giống với tên của tỷ phú Nga Roman). Chuyên viên ngân hàng Harris kể lại: "Trước 6 giờ tối 1/7, tất cả được thỏa thuận xong và chúng tôi công bố tin này vào 7 giờ sáng hôm sau. Trong sự nghiệp của mình, chưa bao giờ tôi lại tiến hành một vụ mua bán chóng vánh đến như vậy".
"Tôi gợi ý với họ rằng thường thì các ông chủ mới nên làm vui lòng các CĐV bằng cách bỏ ra khoảng 25 triệu bảng để mua sắm cầu thủ", Harris nói, "Họ hỏi lại tôi rằng 25 triệu bảng hay 25 triệu USD. Cuối mùa hè đó, Chelsea bỏ ra gần 150 triệu bảng cho chuyển nhượng. Có lẽ tôi đã thận trọng quá mức rồi".
Giám đốc điều hành của Chelsea vào thời điểm đó, ông Trevor Birch cho biết có rất nhiều nhà đại diện của ngân hàng và tập đoàn đầu tư gọi điện cho ông vào khoảng ngày 21/6 nói rằng một tập đoàn của Nga đang tỏ ý quan tâm đến CLB. Cả Birch lẫn Harris chưa bao giờ nghe đến Abramovich trước đó vài ngày nhưng họ nhanh chóng nhận ra rằng một cuộc cách mạng đang dần bắt đầu. Birch nói: "Chúng tôi nghĩ rằng bóng đá Anh rồi đây sẽ có một sự thay đổi to lớn. Mùa hè trước, chúng tôi có Enrique Lucas mà không tốn khoản phí nào, kỳ chuyển nhượng mùa đông thì chẳng ai đến. Vậy mà vào hè năm 2003, Chelsea dùng 150 triệu bảng để mua về 11 ngôi sao. Thật đáng kinh ngạc".
Theo cựu giám đốc Trevor Birch, sự xuất hiện của Abramovich đã kích thích bóng đá Anh thay đổi. Các CLB bắt buộc phải tìm kiếm những nguồn thu khác để tăng cường lực lượng hoặc mở đường cho các ông chủ nước ngoài đầu tư tại Anh. "Trước đó các đội bóng Anh chỉ dám ký hợp đồng với các cầu thủ nước ngoài khi họ đang ở cuối sự nghiệp, nhưng sau khi Abramovich đến Chelsea thì các cầu thủ đang đạt đỉnh cao phong độ từ Tây Ban Nha và Italy cũng tìm đường gia nhập Premier League", Birch nói. "Cái gì cũng có tính hai mặt. Việc xuất hiện nhiều cầu thủ nước ngoài vô tình làm tiền lương cầu thủ bị thổi phồng quá mức. Nếu một cầu thủ ở Chelsea nhận được mức lương 200.000 bảng/tuần, những cầu thủ ở đội bóng khác cho rằng họ đáng được hưởng ít nhất là 100.000 bảng/tuần. Nó bắt đầu lan xuống những giải đấu thấp hơn và có thể một cầu thủ ở giải hạng nhất cũng đòi hỏi mức lương 20.000 bảng/tuần".
David Dein, cựu phó chủ tịch Arsenal, thì cho rằng việc Abramovich đầu tư vào Chelsea giống như một cơn địa chấn với bóng đá Anh. "Mùa giải 2003-2004, Arsenal trở thành đội bóng bất bại tại giải Ngoại hạng. Chúng tôi chứng minh được rằng đội bóng có thể đạt tới đỉnh vinh quang bằng những cầu thủ tài năng do chúng tôi đào tạo. Nhưng sau đó bây giờ thì mọi việc đã khác, bạn có thể mua về những cầu thủ giỏi bằng túi tiền của các ông chủ".
Trong vài năm trở lại đây, UEFA đã manh nha áp dụng Luật công bằng tài chính để ngăn chặn việc chi tiêu không kiềm chế của các đội bóng giàu có. Chủ tịch UEFA ông Michael Plantini và người tiền nhiệm của ông, Lennart Johansson đã đấu tranh không ngừng để cho ra đời điều luật này. Ông Johansson cho rằng việc "bạo chi" là sai về mặt đạo đức vì nó gây hại đến sự phát triển bền vững, có tổ chức của các CLB bóng đá. Ông Plantini vừa tiết lộ mới đây rằng chính chủ tịch Milan Berlusconi và chủ tịch Inter Moratti đã hối thúc ông sớm hoàn thành bộ luật. Nhưng trước khi luật này có hiệu lực vào năm sau, Chelsea cũng đã "ấm chỗ" nằm trong số ít các CLB danh tiếng và hùng mạnh ở châu Âu.
Khi Abramovich vừa tới, rất nhiều người đã nghi ngờ ông sẽ không trụ được lâu. Nhưng đã 10 năm trôi qua và giờ là lúc để chấp nhận một sự thật: tỷ phú Nga đã thay đổi bóng đá Anh và cả bóng đá châu Âu.
(Theo Vnexpress)