"Tài năng, sáng sủa, tề chỉnh và trung thành" - Tatyana Dyachenkof viết về Roman Abramovich trên blog cá nhân của bà. Ba đặc tính đầu rất dễ nhận ra, nhưng "trung thành" ám chỉ điều gì? Xin được gợi ý: Tatyana là con gái của cố tổng thống Nga Boris Yeltsin.
Thầy phù thủy của thị trường
Năm 1992, tên của Abramovich đã xuất hiện trong hồ sơ hình sự mang số 79067 của Viện công tố Moscow.
Vụ án liên quan đến một lượng dầu mỏ trị giá 4 triệu rúp được chở bằng tàu hỏa từ nhà máy lọc dầu Ukhta đến Moscow. Ở đây, Abramovich xuất hiện, đưa ra giấy tờ cho thấy số dầu này cần được chuyển đến căn cứ quân sự Kaliningrad và đưa 55 két chứa đi.
Nhưng một thời gian sau, số dầu được phát hiện đã được bán sang Riga, thủ đô nước cộng hòa Latvia nhờ đặc điểm của các két chứa: ngay lập tức, lệnh bắt giữ Abramovich được Viện công tố Moscow đưa ra. Nhưng rồi sau đó, như có phép lạ, doanh nhân "sáng sủa và trung thành" này không đi tù ngày nào, mà cho đến nay lý do vẫn còn là một bí ẩn.Roman Abramovich
Đó không phải là lần duy nhất người đàn ông bí ẩn này "làm phép" trên con đường kinh doanh của mình. Số gia sản trị giá nhiều tỷ USD (con số thống kê chính xác cũng là bí ẩn) của ông đã được tạo dựng từ những chuỗi phép lạ liên hoàn.
Những năm đầu kinh doanh, với số tiền hồi môn 2.000 USD của người vợ đầu Olga, Abramovich làm ăn có vẻ nghiêm túc. Chàng thanh niên đã đầu cơ vào chợ đen và thị trường của những hàng hóa mà chính phủ Liên Xô trước đây cấm buôn bán. Coi như không phải cái tội, vì ai có chút vốn thời đó cũng ném vào thị trường này. Nhưng cho đến đầu những năm 1990, khi đã có một gia sản tương đối khá, Abramovich bắt đầu đầu cơ chính trị. Thời điểm đó, người ta thấy ông tích cực mua bất động sản ở nước ngoài, mà tin đồn là để tặng cho những chính khách hàng đầu đất nước. Năm 1998, cựu giám đốc cơ quan mật vụ Nga Alexander Korzhakov, cựu cố vấn của tổng thống Yeltsin đã nói thẳng trong một cuộc họp báo rằng: "Abramovich là hầu bao của các yếu nhân hàng đầu".
Đã là bạn của các đấng bề trên thì có phép không có gì mà lạ. Năm 1995, liên minh Berezovksy và Abramovich (những người đang kiện nhau vì 3,6 tỷ bảng ở tòa án London) cùng đứng ra thành lập cả chục công ty để tìm cách mua lại cổ phần của tập đoàn dầu mỏ Sibneft từ tay chính phủ Nga. Cổ phần của đế chế năng lượng này khi đó được rao bán với hình thức đấu giá.
Thực chất, chẳng có cuộc đấu giá nào, tất cả các hồ sơ đấu giá đều đến từ các công ty của Abramovich. Sibneft được mua lại với giá khoảng 250 triệu USD, được đánh giá là phi lý so với giá trị thực tế. Chỉ hơn 10 năm sau, Abramovich bán lại tập đoàn dầu mỏ này để thu về 13 tỷ USD.
Sau Sibneft là hàng loạt những vụ thôn tính tầm cỡ khác. 70% tập đoàn nhôm quốc gia Nga (tập đoàn nhôm lớn nhất thế giới), 26% cổ phần của công ty hàng không quốc gia Aeroloft, kênh truyền hình hàng đầu nước Nga ORT. Đâu đâu cũng thấy bóng dáng của Abramovich và "người cha đỡ đầu" Berezovksy, kẻ được mệnh danh là "Bố già của điện Kremlin".
Viện trưởng viện công tố trung ương Nga lúc đó, Yury Skuratov, nổi tiếng là một người có "bàn tay sắt": ông chính là người đã phanh phui ra FIMACO, công ty ma nổi tiếng được dựng lên để chuyển hàng chục tỷ USD tiền tham ô của các chính trị gia ra nước ngoài. Skuratov đặc biệt quan tâm đến sự mập mờ trong làm ăn của Roman Abramovich, và cho tiến hành điều tra các công ty của ông này. Phép lạ lại xảy ra: năm 1999, ở đỉnh điểm của đế chế Abramovich, Skuratov bị bắt quả tang đang vào phòng tắm hơi công cộng cùng gái làng chơi. Ông viện trưởng nổi tiếng phải từ chức. Tất cả những nỗ lực nhằm thanh tra hoạt động tài chính của Abramovich đều kết thúc trong thất bại.
Bị quá khứ truy đuổi
Đến giữa thập kỷ đầu thế kỷ 21, Abramovich bắt đầu tẩu tán tài sản, lần lượt bán hết cổ phần trong Sibneft, tập đoàn nhôm Nga, Aeroloft, ORT và đổ tiền ra nước ngoài. Khối tài sản trong lòng nước Nga cho Abramovich một đời sống như một ông hoàng: ông cho đóng những chiếc du thuyền đắt giá nhất thế giới, mua những tòa lâu đài và biệt thự đắt nhất châu Âu, liên tục lập kỷ lục thế giới về giá mua các tác phẩm nghệ thuật, và tất nhiên, mua CLB Chelsea về chơi cho… vui. Tính đến nay, danh sách tài sản cá nhân của Abramovich nằm trong tay các thẩm phán Anh đã dài tới 136 trang.
Chuyển hẳn sang Anh sống và đóng vai một tay nhà giàu chơi trội, nhưng nỗ lực xóa sạch quá khứ của Abramovich không dễ dàng. Ông vẫn bị những bóng ma từ nước Nga truy đuổi. Vụ kiện mà "bố già" Boris Berezovsky, người đã đỡ đầu cho Abramovich xây dựng đế chế, phát động để đòi 3,6 tỷ bảng Anh không phải là lần đầu tiên các cố nhân đến vỗ vai nhà tỷ phú trẻ để "xin đểu".
Bắt đầu từ năm 2005, các tòa án Anh đã tiến hành điều tra về những hoạt động làm ăn mờ ám của Abramovich. Tập đoàn dầu mỏ Yugraneft đã từng tiến hành kiện Abramovich tới hơn 50 lần trong biên giới nước Nga vì ông này "hóa phép" khiến cho tỷ lệ cổ phần trong công ty liên doanh giữa họ và Sibneft từ 50% xuống còn 1%, nhưng đều không thành công. Còn riêng Berezovsky, nỗ lực đòi lại công bằng với tay đệ tử của ông trùm hết thời này đã bắt đầu suốt từ năm 2008 tới nay.
Theo Berezovsky, ông đã nhận được những lời đe dọa và áp lực từ "các đấng bề trên" để bán rẻ cổ phần trong Sibneft và tập đoàn nhôm RUSAL cho Abramovich. Số tiền mà Berezovsky đòi bồi thường lên tới 3,6 tỷ Bảng. Vụ này đang được tòa án Anh thụ lý, và phiên tòa xử sẽ diễn ra liên tục trong vòng hơn 2 tháng nữa.
Các nguồn tin từ Nga mô tả rằng trong thời gian đầu mới bước vào nghiệp "đầu cơ chính trị", Abramovich chỉ là kẻ núp bóng "bố già" Boris Berezovsky, theo dõi và học hỏi đường đi nước bước của ông trùm khét tiếng này trong việc xâm nhập vào chính trường cũng như thế giới ngầm nước Nga. Và có lẽ Berezovsky đã quá ngây thơ mà dạy hết tất cả cho Abramovich, không giữ lại "võ trèo", để rồi một ngày bị phản thùng cay đắng.
(Theo báo Bóng Đá)