HLV của Arsenal cần phải chấm dứt nền văn hóa thua trận đã đeo bám đội bóng của ông sáu năm qua để bắt đầu với những người tham vọng, biết cách chiến thắng.
Những vấn đề ở Emirates đã trở nên trầm trọng đến mức có lẽ giờ đây Arsene Wenger cần một cuộc cách mạng thật sự. Các cầu thủ giỏi nhất của ông đang làm đủ mọi cách để đòi ra đi khi mà chính bản thân chiến lược gia người Pháp còn chưa tuyên bố gì. Những động cơ khiến Samir Nasri từ chối ngồi vào bàn thương lượng còn chưa rõ, nhưng với Cesc Fabregas thì khác. Anh muốn trở về nhà, muốn chơi cho đội bóng hay nhất thế giới bên cạnh những người bạn cũ và đương nhiên, muốn có các danh hiệu không biết bao giờ mới tới tại London. Trong cả hai trường hợp, lòng trung thành đang sụp đổ ở đội bóng vốn đã mỏng manh của Wenger.
Arsene Wenger: Hãy mua sắm đi thôi
Mất đi sự kiểm soát, một HLV không còn là người định đoạt tương lai đội bóng nữa. Nhưng trước khi chỉ trích các cầu thủ, có lẽ chính Wenger là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Ý tưởng lớn của ông về một đội bóng gồm toàn bộ các cầu thủ tự đào tạo, hạn chế tối đa chi tiêu, cho tới thời điểm này, coi như đã thất bại. Nỗi lo sợ lớn nhất với các CĐV Arsenal lúc này là những khoản tiền khổng lồ thu về nếu họ bán đi Fabregas, Nasri và Gael Clichy, thay vì được đầu tư cho đội hình, lại biến mất vào hư không cho những mục đích mà họ không thể nhìn thấy, và rồi đội bóng lại trượt dài xuống triền dốc của thất bại.
Khi Fernando Torres yêu cầu được rời Liverpool tới Chelsea tháng 1 vừa rồi, anh đã nhắc cho những đội bóng giàu truyền thống, nhưng đã quá lâu không có danh hiệu rằng những chiếc cúp bám bụi không thể nào giữ được những cầu thủ chỉ còn lại không tới 5 năm trong sự nghiệp đỉnh cao. Bức tranh bây giờ ở Arsenal cũng là như thế. Một đề nghị trị giá 36 triệu bảng của Barcelona cho Fabregas mùa Hè năm ngoái chỉ bị từ chối sau khi Wenger cam kết với đội trưởng của ông rằng Arsenal sẽ sớm được đầu tư để trở lại với đỉnh cao.
Nhưng lòng tin của tiền vệ người TBN, và nhiều đồng đội của anh, đã xói mòn nghiêm trọng sau mùa giải vừa rồi, với những nỗi thất vọng não nề kéo dài từ Cúp Carling đến mọi giải đấu mà Arsenal có mặt. Cũng là dễ hiểu khi những người phải sống hàng tuần trong không khí ảo nảo ở Emirates muốn điều gì đó khác biệt, tham vọng sôi sục và những chiến thắng đầy vinh quang, tại M.U, Chelsea hay Barcelona.
Đó cũng chính là điều mà Wenger phải cải thiện. Một vài hợp đồng trên thị trường chuyển nhượng sẽ là chưa đủ để khơi lại khát vọng nơi những cầu thủ trẻ mà sự kiên nhẫn đã bị thử thách quá lâu. Không phải ngẫu nhiên mà những người đã được ông giáo dục, dìu dắt và ủng hộ liên tục khiến ông phải thất vọng như thế.
Một cách ngắn gọn, cách mà Arsenal đang làm là không có tác dụng, các CĐV hiểu điều đó, những cầu thủ hiểu điều đó, phần còn lại của Premier League hiểu điều đó. Chỉ Wenger là cố tình không hiểu. Những ai yêu mến đội bóng áo đỏ trắng đều muốn có ít hơn những Abou Diaby hay Marouane Chamakh, rẻ tiền hoặc cây nhà lá vườn, nhưng vô dụng, và nhiều hơn những Yaya Toure hay Emmanuel Adebayor, đắt giá nhưng hữu hiệu và không thể bán đi. Họ cũng muốn thấy lại tinh thần của Patrick Vieira ở giữa sân và những Adams, Keown nơi hàng thủ.
Thực ra, Arsenal chưa bao giờ là một đội bóng kém cỏi, cả về năng lực lẫn tinh thần chiến đấu, nhưng trong thế giới bóng đá hiện đại, chiến thắng không chỉ đến với lối chơi đẹp và những mộng tưởng về một đội bóng tự xây dựng. Wenger sẽ phải chi tiền, thậm chí là rất nhiều tiền. Trên nền tảng hiện giờ, xung quanh Jack Wilshere, HLV người Pháp có thể tuyên bố dứt khoát rằng giai đoạn 6 năm mơ mộng đã chấm dứt và những cuộc đua trên thị trường chuyển nhượng giờ sẽ chính thức ghi tên Arsenal. Nhiệm vụ trước mắt sẽ là xây dựng lại hàng thủ, nơi đội chủ sân Emirates đang tụt hậu so với M.U và Chelsea. Tuy nhiên, có một lời nhắc nhỏ với Wenger. Đây là cơ hội tốt nhất, nhưng cũng là cuối cùng, để ông hồi sinh Arsenal.
0 Từ khi mùa chuyển nhượng bắt đầu đến giờ, Arsenal chưa chi ra một xu nào, với hợp đồng duy nhất là cầu thủ trẻ người Nhật Ryo Miyaichi, theo dạng học việc. 11 Arsenal không tham gia bất cứ cuộc đua lớn nào trong mùa chuyển nhượng này, như Alexis Sanchez, các cầu thủ trẻ người Anh hay của lò đào tạo Barcelona. Hợp đồng lớn nhất mà Wenger đang theo đuổi là tiền đạo Gervinho của Lille, được định giá 11 triệu bảng. 16,5 Hợp đồng kỷ lục của Arsenal dưới thời Wenger chỉ có giá trị 16,5 triệu bảng, khi họ mua tiền vệ người Nga Andrei Arshavin từ Zenit St Petersburg năm 2009, kém xa so với ở M.U (Rio Ferdinand, 33 triệu bảng), Chelsea (Fernando Torres, 50 triệu bảng), Man City (Carlos Tevez, 45 triệu bảng) hay thậm chí là Liverpool (Andy Carroll, 35 triệu bảng). |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)